Dấu ấn đầu tiên được chuyên gia HSBC đưa ra là cam kết tăng gấp đôi đầu tư vào cơ sở hạ tầng đạt mức hơn 700 tỉ đô la Mỹ trong 5 năm tới, các nền kinh tế lớn trong khu vực nhằm thúc đẩy thương mại, du lịch và phát triển hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững trong vài thập kỷ tới.
“Kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN là điểm khởi đầu đầy tiềm năng của kỷ nguyên tăng trưởng đầu tư và phát triển” ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) cho biết.
Các sáng kiến phát triển hạ tầng giao thông được các chính phủ tập trung đầu tư ngân sách đến năm 2020, thể hiện sự quyết tâm trong đầu tư cơ sở hạ tầng, là yếu tố then chốt quyết định sức mạnh cạnh tranh của các quốc gia, theo Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế Giới.
Theo ông Hải, “Việc nhấn mạnh vào sự kết nối chặt chẽ hơn giữa các nền kinh tế nhằm tạo điều kiện cho thương mại và đầu tư là điều hết sức quan trọng,”
“Sự kết nối cũng sẽ giúp ASEAN tối đa hóa các cơ hội vốn có trong khu vực cũng như các cơ hội giao thương giữa Việt Nam và ASEAN vốn có tốc độ tăng trưởng nhanh 120% đạt mức 41,3 tỉ đô la Mỹ năm 2016 từ 19 tỉ đô la Mỹ năm 2006.” - Tổng Giám đốc HSBC nhận định.
ASEAN cùng với 10 nền kinh tế Brunei, Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, có tổng dân số khoảng 625 triệu dân và GDP danh nghĩa gộp khoảng 2.800 tỉ đô la Mỹ. Là một khối đơn nhất, ASEAN hiện là một trong số bảy nền kinh tế lớn nhất thế giới và đang trên đà phát triển đạt vị trí ba nền kinh tế dẫn đầu vào năm 2030.