Theo Car Advice, sự gia tăng nhanh chóng số lượng xe điện có thể dẫn tới tình trạng thiếu hụt các tài nguyên thiên nhiên, cũng như gây ô nhiễm môi trường. Bài báo trích dẫn một nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học Canada cho thấy xu hướng phát triển xe điện đang làm gia tăng nhu cầu đối với các kim loại cơ bản được sử dụng để sản xuất pin cho xe chạy điện, như nickel, cobalt và đồng. Điều này có thể dẫn tới sự thiếu hụt nguồn cung kim loại vào khoảng sau năm 2025.
Một giải pháp cho tình trạng thiếu hụt này có thể là tiến hành khai thác các mỏ quặng dưới đáy biển sâu. Nguồn cung mới này được cho là đủ để đáp ứng nhu cầu về pin xe điện, mà lại không gây nhiều tác động đến môi trường.
Theo nghiên cứu (được ủy thác thực hiện bởi DeepGreen - công ty chuyên về hoạt động khai thác dưới nước sâu), một chiếc xe điện có bộ pin 75 kWh NMC 811 (nickel - mangan - cobalt) sẽ cần tới 56 kg nickel, 7 kg mangan và 7 kg cobalt, cùng 85 kg đồng. Tuy nhiên, việc khai thác các kim loại này trên đất liền phải đối mặt với một số vấn đề như nguồn quặng hạn chế, và các phương thức khai thác truyền thống sẽ tạo ra hàng tỷ tấn chất thải, làm rò rỉ chất độc vào đất và nguồn nước.
Phương thức khai thác dưới biển sâu được đề xuất sẽ nhắm tới các kim loại trong những nốt đa nang hoặc nốt sần dưới đáy Thái Bình Dương. Các khối đá này có chứa một lượng lớn nickel, cobalt và mangan, được mô tả là như những bộ pin xe điện trong đá, vì có thành phần kim loại hoàn toàn phù hợp.
Không giống như việc khai thác kim loại trên đất liền, các nốt sần đại dương không có chứa các yếu tố độc hại và việc khai thác các kim loại này gần như không tạo ra chất thải rắn. So với việc khai thác trên đất liền, các nốt sần đại dương mại lại lượng khí thải carbon nhỏ hơn 70%, giảm 100% lượng chất thải rắn, sử dụng đất ít hơn 84% và rủi ro với động vật hoang dã giảm 93%.
Bộ pin Lithium-ion của xe chạy điện
|
Theo BBC, một cuộc điều tra tại châu Âu đã phát hiện ra rằng, để đáp ứng các mục tiêu về xe điện của Vương quốc Anh vào năm 2050, sản lượng cobalt hiện nay sẽ phải được tăng gấp đôi. Người đứng đầu dự án tại châu Âu - Laurens de Jonge chia sẻ: “Kim loại đã có sẵn ở đáy biển, nó gần giống như ta thu hoạch khoai tây bởi chỉ nằm ở độ sâu 5km.”
Theo Giám đốc điều hành Hội đồng xe điện Australia - ông Beyhad Jafari, những lo ngại về tác động của xe điện đối với tài nguyên thiên nhiên và môi trường đã được nêu ra và hiện đang có nhiều biện pháp được triển khai để giải quyết các vấn đề có thể xảy ra trong tương lai.
Ông cũng cho biết “Sự phát triển của pin xe điện trong quá khứ đã phải đối mặt với những chỉ trích về vấn đề môi trường và đạo đức. Khi nói đến chuỗi cung ứng kim loại, đã có nhiều băn khoăn về vấn đề ai sẽ khai thác chúng, và khai thác như thế nào? Nhưng hiện giờ, các doanh nghiệp lớn, có uy tín đã tham gia vào lĩnh vực này và đang cố gắng đảm bảo kim loại được khai thác từ những nguồn đáng tin cậy và thị trường hoạt động một cách minh bạch.”
Cũng theo ông Jafari, những báo cáo về tình trạng thiếu hụt thường chỉ tập trung vào các nguồn cung cấp hiện có, mà không tính tới nguồn cung mới trong tương lai. Các nguồn cung này sẽ có thu hướng tăng lên, thay vì giảm đi như lo ngại của nhiều người. “Nếu chúng ta nhìn vào hệ thống đầu tư để khai thác được nhiều kim loại hơn, có thể thấy một sự thu hẹp quy mô, nhưng là do dư thừa nguồn cung chứ không phải thiếu hụt. Mặc dù có những lo ngại về ô nhiễm từ pin xe điện, sự phát triển của loại phương tiện này sẽ ngày càng trở nên thân thiện với môi trường hơn.”
“Đó sẽ là sự chuyển biến từ tốt, tốt hơn đến tốt nhất. Bạn có thể nghe thấy những thông tin rằng vẫn có khí thải từ những chiếc xe điện, nhưng so với những gì chúng ta đang có hiện nay với động cơ đốt trong, rõ ràng, mọi thứ sẽ được cải thiện hơn nhiều,” ông Jafari kết luận.
Theo Dân trí