“Dấu chân” VSD Holdings: Từ DNP tới lô trái phiếu “lạ” của Thủy điện Nậm La

VietTimes -- CTCP Đầu tư VSD (VSD Holdings) đồng hành cùng DNP Water tại nhiều thương vụ thâu tóm doanh nghiệp ngành nước. Không dừng lại ở đó, giới chủ của VSD Holdings còn có mối quan tâm lớn tới lĩnh vực thủy điện.

VSD Holdings đồng hành cùng DNP tại nhiều thương vụ M&A ngành nước (Ảnh: Internet)
VSD Holdings đồng hành cùng DNP tại nhiều thương vụ M&A ngành nước (Ảnh: Internet)

Mối duyên DNP - VSD Holdings

CTCP Nhựa Đồng Nai (Mã CK: DNP) dưới sự chèo lái của vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Vũ Đình Độ đã có những bước phát triển đáng chú ý trong lĩnh vực nước sạch. Tháng 4/2017, DNP thành lập CTCP Đầu tư ngành nước (DNP Water) chuyên phụ trách việc đầu tư các doanh nghiệp nước sạch.

Tính đến cuối năm 2019, quy mô tổng tài sản của DNP đạt hơn 7.590 tỷ đồng, sở hữu danh mục bao gồm 20 công ty con, công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực nước sạch.

Nhựa Đồng Nai: Thâm nhập ngành nước với DNP Water
Trong quá trình thâm nhập ngành nước của DNP, khó có thể bỏ qua vai trò cổ đông chiến lược của ông Vũ Ngọc Tú (SN 1989) - con trai đầu của doanh nhân Vũ Văn Đắc (“ông trùm” trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải ở Bắc Ninh, sở hữu 2 doanh nghiệp nổi bật là: CTCP Môi trường Thuận Thành và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Môi trường Ngôi sao Xanh).

Không chỉ cùng quê Tân Yên (Bắc Giang), được biết, ông Vũ Ngọc Tú từng làm việc dưới quyền ông Vũ Đình Độ khi vị Chủ tịch DNP làm Phó TGĐ Chứng khoán Maritime Bank giai đoạn 2011-2012.

Bên cạnh đó, ông Vũ Ngọc Tú còn là cổ đông sáng lập, nắm giữ tới 99,9% cổ phần của CTCP Đầu tư VSD (VSD Holdings, quy mô vốn điều lệ 500 tỷ đồng) - một cổ đông lớn khác của DNP.

Vào cuối năm 2018, VSD Holdings và 2 doanh nghiệp khác có ít nhiều mối liên hệ là CTCP Đầu tư Châu Á Thống Nhất (AUI) và Công ty TNHH Capella Group đã mua vào 20 triệu cổ phần trong các đợt phát hành riêng lẻ của DNP.

Ở trong các thương vụ M&A ngành nước, không khó để bắt gặp những cuộc đồng hành của VSD Holdings, ông Vũ Ngọc Tú và DNP Water.

Hồi tháng 9/2016, VSD Holdings đã mua vào 1,57 triệu cổ phần của CTCP Cấp thoát nước Long An (Mã CK: LAW). Chưa đầy 1 năm nắm giữ, tháng 6/2017, VSD bán lại số cổ phần tương đương 12,87% vốn điều lệ của LAW cho DNP Water. Công ty con của DNP sau đó tiếp tục gom thêm cổ phiếu LAW nâng tỷ lệ sở hữu lên 37,2% vốn điều lệ, chỉ xếp sau UBND tỉnh Long An (60%).

Hay ở thương vụ mua “hụt” số cổ phần mà UBND tỉnh Ninh Bình muốn thoái tại CTCP Cấp thoát nước Ninh Bình (Mã: NNB) vào đầu năm 2019, ông Vũ Ngọc Tú và DNP Water là 2 trong số 7 nhà đầu tư vượt qua vòng thẩm định năng lực tham gia đấu giá.

Kết quả, 93,02% vốn của NNB đã thuộc về ông Nguyễn Văn Dân - một “đại gia” kín tiếng đến từ Gia Viễn, Ninh Bình. Số tiền mà ông Dân đã bỏ ra để mua số cổ phần chi phối tại NNB lên tới 350 tỷ đồng, cao hơn 40% so với giá khởi điểm.

Thương vụ trái phiếu “lạ” của Thủy điện Nậm La

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, VSD Holdings hiện nắm giữ 19.246.150 cổ phần của CTCP Thủy điện Nậm La (Thủy điện Nậm La), tương đương tỷ lệ sở hữu 61% vốn điều lệ.

Song, cũng có nguồn tin cho biết, VSD Holdings và các cá nhân liên quan đã nắm giữ ít nhất 79% vốn của Thủy điện Nậm La. Ở trong một chi tiết đáng chú ý khác, ông Vũ Đình Độ (Chủ tịch DNP) cũng từng đảm nhiệm Chủ tịch HĐQT Thủy điện Nậm La.

Nhà máy Thủy điện Nậm La (Nguồn: thuydiennamla.com.vn)
Nhà máy Thủy điện Nậm La (Nguồn: thuydiennamla.com.vn)

Thủy điện Nậm La được thành lập từ năm 2007, trước có tên gọi là CTCP Thủy điện Viwaseen - Tây Bắc, là chủ đầu tư dự án nhà máy thủy điện cùng tên tại tỉnh Sơn La. Dự án Nhà máy thủy điện Nậm La có 3 tổ máy, tổng công suất 27MW, tổng vốn đầu tư 527 tỷ đồng. Dự án vận hành và phát điện tổ máy số 1 từ tháng 9/2011 và vận hành toàn bộ từ tháng 7/2012.

Trong một diễn biến mới, ngày 31/3/2020, Thủy điện Nậm La đã phát hành thành công 100 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 42 tháng. Thương vụ được thu xếp bởi ngân hàng MBBank và CTCP Chứng khoán MB (MBS).

Đáng chú ý, lô trái phiếu này có mức lãi suất lên tới 13%/năm cho năm đầu tiên, dù có tài sản bảm đảm. Đối với các kỳ tính lãi sau, lãi suất được tính bằng lãi tham chiếu cộng biên độ tới 6,1%/năm nhưng không thấp hơn 13%/năm.

So với xu hướng giảm lãi suất theo tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, hiện ở mức từ 9,5-10,5%/ năm, biên độ lãi từ 2,5-3,5%, thì mức lãi cao bất thường của Thủy điện Nậm La không khỏi gây nhiều băn khoăn.

Lưu ý rằng, nếu cộng thêm chi phí phát phát hành, lưu ký, quản lý tài sản đảm bảo từ 1-1,5%, thì chi phí thực của lô trái phiếu 100 tỷ đồng có thể lên tới 14,5%.

Vậy đâu là nguồn cơn khiến Thủy điện Nậm La sẵn sàng trả mức lãi suất “cắt cổ” cho lô trái phiếu này?

Trích BCTC của SDD
Trích BCTC của SDD

Sẽ khó hiểu hơn nếu liên hệ với diễn biến gần đây của thương vụ mua lại Nhà máy Thủy điện Tắt Ngoẵng (Mộc Châu, Sơn La) mà Thủy điện Nậm La đã thực hiện với CTCP Đầu tư Châu Á Thống Nhất (AUI, đã đề cập ở đầu bài viết).

Mà thực ra, AUI chỉ là nhà đầu tư trung gian - bên trước đó đã nhận chuyển nhượng Thủy điện Tắt Ngoẵng từ CTCP Đầu tư và Xây lắp Sông Đà (Mã CK: SDD) - chủ đầu tư sơ cấp của dự án.

Song cách đây ít tháng, SDD đã bất ngờ có nghị quyết hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng và nhận lại toàn bộ dự án Thủy điện Tắt Ngoẵng (Sơn La) (khả năng là do sự phản đối quyết liệt từ các cổ đông).

Văn bản thỏa thuận 3 bên về việc hủy hợp đồng ngày 31/12/2019 xác định, SDD có nghĩa vụ thanh toán cho Thủy điện Nậm La toàn bộ số tiền đã nhận và giá trị công trình đầu tư thêm, tổng số tiền là hơn 177 tỷ đồng.

Có nghĩa, về mặt lý thuyết, Thủy điện Nậm La đã hoặc sẽ sớm được thu về một lượng tiền đáng kể. Song với thương vụ trái phiếu lãi suất cao được đề cập phía trên thì có vẻ như Thủy điện Nậm La lại đang có vẻ rất "khát vốn" (?!).

Vấn đề có lẽ nằm ở khả năng thanh toán - khá hạn chế - của SDD.

Nên biết, tính đến cuối năm 2019, tiền và các khoản tương đương tiền của SDD chỉ vỏn vẹn ở mức 2,7 tỷ đồng. Khoản “phải trả” phát sinh từ thương vụ chuyển nhượng dự án Thủy điện Tắt Ngoẵng, tạm tính, cũng chiếm tới 37% tổng tài sản, gấp 4,6 lần doanh thu cả năm 2019 của SDD. Đó là chưa kể việc doanh nghiệp này còn đang trong tình trạng khó khăn với số lũy kế cuối năm 2019 là 14,3 tỷ đồng.

Nói cách khác, triển vọng thu nợ của Thủy điện Nậm La - mà đằng sau là nhóm chủ VSD Holdings - với SDD là rất thách thức. Trong khi nhu cầu vốn của nhóm này lại rất lớn, với những cuộc chơi tham vọng và liên tục được mở rộng.

Vinaconex P&C và CTCP Thống Nhất Hà Nội

Mối quan tâm tới lĩnh vực thủy điện của giới chủ VSD Holdings còn thể hiện qua thương vụ đầu tư vào CTCP Đầu tư xây dựng và phát triển năng lượng Vinaconex (Vinaconex P&C - Mã CK: VCP).

Dự án Nhà máy Thủy điện Cửa Đạt của Vinaconex P&C (Ảnh: Internet)
Dự án Nhà máy Thủy điện Cửa Đạt của Vinaconex P&C (Ảnh: Internet)

Tháng 5/2018, VSD Holdings đã mua vào gần 5,2 triệu cổ phiếu VCP trở thành cổ đông lớn Vinaconex P&C với tỷ lệ sở hữu 11,36%.

Tới tháng 9/2018, sau khi Vinaconex P&C chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cổ phiếu ESOP cho người lao động, cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp bao gồm: VSD Holdings (tỷ lệ sở hữu 10,91%); Tổng công ty cơ điện Xây dựng - CTCP (tỷ lệ sở hữu 7,50%), Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, tỷ lệ sở hữu 28,02%) và Tổng công ty Sông Đà (tỷ lệ sở hữu 7,08%).

Trước khi Tổng Công ty Sông Đà tổ chức phiên bán đấu giá thoái vốn(ngày 25/3/2020), Vinaconex P&C liên tục chứng kiến sự biến động trong cơ cấu cổ đông.

Trong đó, Vinaconex và VSD Holdings triệt thoái vốn. Còn ở chiều hướng ngược lại, AUI đẩy mạnh gom mua cổ phiếu, cùng sự xuất hiện của Quỹ đầu tư cơ hội PVI (POF).

Tính đến ngày 19/2/2020, cổ đông lớn của Vinaconex P&C có: AUI sở hữu 14,04% vốn, POF sở hữu 40,88% vốn và cá nhân ông Nguyễn Tuấn Anh nắm giữ 20,16%.

Được biết, POF hay đứng sau là CTCP Quản lý quỹ PVI (PVI AM) cũng tham gia cùng nhóm VSD Holdings và DNP Water ở nhiều thương vụ thâu tóm doanh nghiệp ngành nước như: CTCP Nước Bình Thuận, CTCP Nước Bình Phước…

Sau khi Vinaconex thoái lui, ông Vũ Ngọc Tú đã được HĐQT Vinaconex P&C bầu làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2019 - 2024. Trong khi đó, ngày 26/3, ông Phạm Văn Minh mới được bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc của Vinaconex P&C.

Đáng chú ý, ông Minh hiện đang đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc tại CTCP Thống nhất Hà Nội - đơn vị sở hữu thương hiệu xe đạp Thống Nhất - một pháp nhân khác cũng được giới chủ của VSD Holdings thâu tóm.

Hồi năm 2016, ông Vũ Ngọc Tú được bầu làm Chủ tịch HĐQT của Thống Nhất Hà Nội. Tại thời điểm này, ông Tú còn được biết tới là Phó Giám đốc Công ty TNHH Đại Hoàng Long - là cổ đông chiến lược, nắm giữ tới 41,69% vốn của Thống Nhất Hà Nội.

Công ty TNHH Đại Hoàng Long là một doanh nghiệp có tiếng tại Bắc Ninh, có người đại diện là cũng là một doanh nhân họ Vũ - ông Vũ Quốc Hùng.

Sau khi nắm quyền điều hành tại Thống Nhất Hà Nội, nhóm cổ đông tư nhân đã thông qua việc thoái vốn tại CTCP Địa ốc Viha, CTCP Viha Thống Nhất và Công ty TNHH Thống Nhất - Bắc Việt.

Được biết, tính đến ngày 31/12/2018, CTCP Địa ốc Viha có cơ cấu cổ đông bao gồm: CTCP Thống Nhất Hà Nội (11,4%), Công ty TNHH MTV Hicorp (38%) và CTCP Địa ốc Hà Nội (50,6%). Doanh nghiệp này là chủ đầu tư công trình Tòa nhà văn phòng, dịch vụ thương mại Viha (Viha Buildings) tọa lạc tại số 10, phố Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tháng 3/2019, 1 nhà đầu tư tổ chức trong nước đã chi ra hơn 10,11 tỷ đồng, trúng đấu giá cả lô 180.000 cổ phần tại CTCP Địa ốc Viha của Thống Nhất Hà Nội./.