Ngày 18/1, tại diễn đàn Raisina tổ chức ở New Delhi, Ấn Độ, khi nói về mối đe dọa đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương hiện nay, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ đã chỉ rõ ràng rằng mối đe dọa Triều Tiên và thách thức từ Trung Quốc là một gánh nặng.
Đô đốc Harry Harris cho rằng một số quốc gia ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương không có lợi cho sự ổn định khu vực. Ông nói: "Một số quốc gia và thực thể của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương có thể tiến hành phá hoại sự thịnh vượng, mở cửa và bao trùm. Là quốc gia dân chủ cùng chí hướng, chúng ta đối mặt với mối đe dọa cấp bách từ Triều Tiên và thách thức lâu dài từ Trung Quốc".
VOA Mỹ ngày 19/1 thậm chí dẫn lời Đô đốc Harry Harris cho rằng Trung Quốc là một “lực lượng chuyển đổi mang tính phá hoại” của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Hội nghị lần này thảo luận về việc bảo vệ trật tự biển trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương với sự tham dự của các quan chức quân đội đến từ Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia.
Đô đốc Harry Harris nói: “Chúng ta vừa bỏ ra 1 giờ để thảo luận cần có trách nhiệm với việc thiếu lòng tin trong khu vực. Khu vực này có rất nhiều mối đe dọa chung, chúng ta có thể cùng hợp tác khắc phục, bao gồm hợp tác với Trung Quốc”.
Mỹ phê phán hoạt động xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa phi pháp)của Trung Quốc ở Biển Đông, phê phán Trung Quốc đe dọa tự do hàng hải. Ba nước Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ bày tỏ lo ngại đối với cấu trúc quân sự của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, ba nước đang tranh thủ hợp tác chặt chẽ hơn với Australia.
Đô đốc Harry Harris kêu gọi: “Chúng ta cần phải đưa ra những quyết định quyết đoán, bảo đảm cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhất là Ấn Độ Dương tiếp tục duy trì được tự do, mở cửa và thịnh vượng. Điều này yêu cầu các nước có cùng chí hướng sử dụng các loại năng lực, hợp tác phát triển thực lực ứng phó với các thách thức chung”.
Trước đó, Đô đốc Harry Harris từng đề nghị hải quân Ấn Độ cùng tiến hành tuần tra tự do ở Ấn Độ Dương, nhưng phía Ấn Độ lo ngại Trung Quốc sẽ có biện pháp đáp trả, cho biết chưa có kế hoạch triển khai tuần tra như vậy.
Tuy nhiên, Ấn Độ đã bắt đầu tổ chức tập trận chung trên biển ba bên với Mỹ và Nhật Bản. Chuyên gia quân sự dự đoán, Australia cuối cùng có thể sẽ tham gia cuộc tập trận này.
Tại diễn đàn, Tham mưu trưởng liên quân Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, tướng Kawano Katsutoshi cho rằng sức mạnh quân sự của Trung Quốc ngày càng mạnh và không ngừng mở rộng, hơn nữa còn “luôn coi thường luật pháp quốc tế” ở biển Hoa Đông và Biển Đông.
Tướng Kawano Katsutoshi cũng phê phán Trung Quốc triển khai sáng kiến “Vành đai, con đường”, cho rằng bề ngoài là vì kinh tế, nhưng thực chất là có động cơ quân sự.
Tư lệnh hải quân Ấn Độ Sunil Lamba đã đề cập đến việc Trung Quốc đang xây dựng cảng biển và các công trình hạ tầng ở khu vực, trong đó có căn cứ quân sự ở Djibouti và cảng biển Hambantota ở Sri Lanka.
Tư lệnh hải quân Australia Tim Barrett cho rằng khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tồn tại khiếm khuyết về xây dựng quy tắc khu vực, nhưng ông vẫn tin tưởng vào cấu trúc khu vực.
Mỹ duy trì sự hiện diện mạnh mẽ và lâu dài ở Thái Bình Dương và có vài căn cứ quân sự ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Những năm gần đây, Trung Quốc lấy lý do đảm bảo an toàn đi lại cho các tàu thương mại, đã đẩy nhanh hoạt động trên biển.
Nhưng rất nhiều chuyên gia an ninh nghi ngờ, Trung Quốc có ý đồ lớn hơn đằng sau việc họ gia tăng điều các tàu chiến mặt nước, tàu ngầm tiến hành tuần tra trong khu vực.
Mặc dù luôn theo dõi chặt chẽ Triều Tiên, nhưng Mỹ cũng giữ cảnh giác với các tính toán tiềm tàng của Trung Quốc ở khu vực này. Một báo cáo công bố năm 2017 của Ủy ban nghiên cứu Đảng Cộng hòa cho rằng Trung Quốc đang đe dọa "cửa nhà" của một số quốc gia có chủ quyền trong khu vực, trong đó có rất nhiều nước là đồng minh quan trọng của Mỹ.
Ấn Độ cũng đang theo dõi chặt chẽ tình hình, những thông tin Trung Quốc có thể triển khai tàu ngầm hạt nhân ở cảng Gwadar, Pakistan đã gây lo ngại nhất định.