Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 28/4 dẫn lời Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương quân đội Mỹ tuyên bố: Mỹ cần phải tiếp tục hỗ trợ Đài Loan tự vệ và phòng thủ "để cho thấy Mỹ không thể chấp nhận Trung Quốc cưỡng ép người dân Đài Loan thực hiện thống nhất.
Đô đốc Harry Harris đưa ra tuyên bố trên trong một văn bản trình Quốc hội Mỹ.
Theo tờ Thời báo Tự do Đài Loan ngày 27/4, Đô đốc Harry Harris cho rằng cuộc bầu cử dân chủ ở Đài Loan năm 2016 đã phản ánh “giá trị chung” được chia sẻ giữa Mỹ và Đài Loan. Mỹ thông qua Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan để duy trì quan hệ phi chính thức với Đài Loan, tiếp tục ủng hộ an ninh của Đài Loan.
Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ sẽ tiếp tục tuân thủ cam kết trong Luật quan hệ với Đài Loan, "việc bán vũ khí và huấn luyện liên tục, thường xuyên cho quân đội Đài Loan là một bộ phận rất quan trọng trong chính sách này, hỗ trợ cho bảo vệ sự tồn tại của cơ chế dân chủ".
Đề cập đến "mối đe dọa Trung Quốc”, Đô đốc Harry Harris cho rằng Trung Quốc thông qua bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép và tiến hành quân sự hóa quy mô lớn ở Biển Đông đã làm thay đổi căn bản diện mạo thực chất và chính trị của Biển Đông.
Trung Quốc tiếp tục gây sức ép với Nhật Bản ở biển Hoa Đông, gia tăng sức ép ngoại giao và kinh tế đối với Đài Loan, đồng thời muốn thay thế vai trò ảnh hưởng của Mỹ và đồng minh ở khu vực này một cách có hệ thống.
Điều quan trọng hơn là Trung Quốc đang đẩy nhanh xây dựng một lực lượng hiện đại, có năng lực, vượt xa nhu cầu tự vệ. Trung Quốc phát triển vũ khí siêu thanh, khả năng chống vệ tinh và khả năng mạng tiên tiến, có thể tạo ra mối đe dọa trực tiếp cho lãnh thổ Mỹ.
Đô đốc Harry Harris còn cho rằng cùng với việc chi tiêu và năng lực của quân đội Trung Quốc tăng lên hàng năm, khả năng tự vệ của Đài Loan đang giảm đi. "Chúng ta phải tiếp tục hỗ trợ Đài Loan tự vệ và thể hiện quyết tâm của Mỹ. Bất cứ hành động nào của Trung Quốc có ý đồ dùng vũ lực để ép nhân dân Đài Loan thống nhất đều không thể chấp nhận".
Từ khi bà Thái Anh Văn lên làm lãnh đạo Đài Loan vào năm 2016, vấn đề bán vũ khí cho Đài Loan trở nên nổi cộm, đồng thời vấn đề này diễn ra như thế nào sẽ có thể “đo đạc” được mức độ quan hệ giữa Đài Loan và Mỹ.
Hãng tin CNA Đài Loan ngày 27/4 tiết lộ, vài chục năm qua, Đài Loan dựa vào Mỹ về an ninh để ngăn chặn bất cứ cuộc tấn công nào của Trung Quốc. Đến nay, Đài Loan đang có kế hoạch đưa máy bay chiến đấu F-35 của công ty Lockheed Martin vào danh sách mua sắm vũ khí trong tháng 7.
Một khi Đài Loan bị Trung Quốc phóng tên lửa hủy hoại đường băng sân bay thì loại máy bay chiến đấu này (F-35) có thể hỗ trợ Đài Loan duy trì phòng thủ trên không. Tuy nhiên, thương vụ mua bán vũ khí này có thể sẽ tạo ra thách thức mới cho quan hệ Trung - Mỹ.
Mỹ thường không thể đáp ứng mọi nhu cầu của Đài Loan, đặc biệt là khi Mỹ bán các vũ khí trang bị có liên quan cho Đài Loan có thể gây tức giận cho Trung Quốc.
Từ sau thời cựu Tổng thống Bush cha năm 1992, chưa từng có bất cứ Tổng thống Mỹ nào đồng ý bán máy bay chiến đấu tiên tiến cho Đài Loan.
Sau khi chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố bán vũ khí trị giá 6,4 tỷ USD cho Đài Loan, Trung Quốc đã tạm dừng đối thoại quân sự Trung - Mỹ vào năm 2010. Vụ mua bán này hoàn toàn không có máy bay chiến đấu dòng F-16 như mong muốn của Đài Loan.
Hãng tin CNA Đài Loan còn dẫn lời chuyên gia cho rằng bất cứ vụ mua bán nào có liên quan đến máy bay chiến đấu F-35 đều sẽ có nghĩa là quan hệ quân sự Đài - Mỹ được nâng cấp và "có vấn đề".
Thương vụ này có thể sẽ được Mỹ phê chuẩn. Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump rất có thể coi đây là một quân bài để mặc cả với Trung Quốc.
Đô đốc Harry Harris tuyên bố không cho phép Trung Quốc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực sẽ làm vui mừng "phe Lục" ở Đài Loan. Trong phe Lục có cả Đảng Dân Tiến cầm quyền, phe này chủ trương "Đài Loan độc lập".
Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Đài Loan Lâm Trung Bân cho rằng Mỹ "hoàn toàn không có khả năng điều 2 tàu sân bay như năm 1996" khi đối mặt với trường hợp Trung Quốc dùng vũ lực để thống nhất Đài Loan.
Theo Lâm Trung Bân, từ sau cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan lần trước, Trung Quốc đã ra sức tìm cách đối phó Mỹ: Một là phát triển tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong-21D. Loại tên lửa tầm trung này có thể tấn công tàu chiến như tàu sân bay, độ chính xác ngày càng cao.
Hai là phát triển tên lửa hành trình có thể phóng từ tàu ngầm. Loại tên lửa này có thể đối phó tàu sân bay và các tàu hộ tống liên quan của Hải quân Mỹ.
Ngoài ra, Trung Quốc còn có tên lửa chống hạm Sunburn (Moskit) trang bị cho tàu khu trục mua của Nga. Đây cũng là tên lửa dùng để tấn công tàu chiến.
Lâm Trung Bân nói: "Người Mỹ rất rõ là không thể tiếp tục dùng phương pháp của năm 1996 để đến Đài Loan. Tôi nói một câu không hay và đương nhiên Mỹ cũng không muốn nghe, đó là: Đến khi đó, sau khi cân nhắc nhiều lần, Mỹ sẽ từ bỏ".
Tháng 12/2016, một cuộc thăm dò ý kiến của Quỹ thăm dò dư luận Đài Loan, một tổ chức thân "phe Lục" cho hay, khi trả lời "nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, bạn có tin vào khả năng bảo vệ của quân đội Đài Loan", chỉ có 29% người được hỏi tin tưởng vào khả năng quân đội Đài Loan có năng lực bảo vệ Đài Loan, trong khi đó có tới 66,5% người được hỏi không tin vào điều này.
Tờ Minh báo Hồng Kông cho rằng Đài Loan mua sắm vũ khí của Mỹ có ý nghĩa không phải ở việc nó có ích hay không, mà Đài Loan thông qua đây để nhận được cam kết an ninh từ Mỹ, giống như nộp phí bảo vệ.
Trong khi đó, việc bán vũ khí cho Đài Loan hoàn toàn không hỗ trợ nhiều cho cân bằng sức mạnh quân sự hai bờ hiện nay. Thông qua bán vũ khí, Mỹ phát đi thông điệp cam kết an ninh đối với Đài Loan, đồng thời "buộc chặt" quân đội Đài Loan vào "chiến xa" của Mỹ.
"Cùng với việc bán vũ khí cho Đài Loan để kiếm tiền và thúc đẩy việc làm, Mỹ còn có thể tiến hành kiềm chế Trung Quốc, kiểm soát mục đích chiến lược của Đài Loan. Đây có thể gọi là một mũi tên trúng ba đích".
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu