Tuy nhiên, phía Bắc Kinh vẫn chưa hết phẫn nộ trước chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan mới đây, điều mà họ cho là một nỗ lực khác của Washington nhằm rút khỏi cam kết của họ đối với chính sách Một Trung Quốc.
Đạo luật này “sẽ đảo lộn mối quan hệ Mỹ-Trung, và tôi cho rằng hậu quả sẽ cực kỳ nghiêm trọng,” Lu Xiang, chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung đến từ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định.
Phần đáng chú ý nhất của đạo luật này chính là đề xuất coi Đài Loan như một “đồng minh lớn bên ngoài khối NATO”, có nghĩa rằng hòn đảo này sẽ được xem như một trong những đối tác toàn cầu thân cận nhất của Washington, đặc biệt là trong lĩnh vực hợp tác thương mại và an ninh.
Điều đó “không khác gì công nhận chủ quyền Đài Loan. Nó có nghĩa rằng Mỹ sẽ hoàn toàn từ bỏ chính sách về Trung Quốc của họ,” ông Lu nói. “Công nhận chủ quyền của Đài Loan cũng đồng nghĩa với việc công nhận sự độc lập của nó, và kết quả là, Trung Quốc sẽ phải giải quyết vấn đề về Đài Loan một lần và mãi mãi.”
Wu Xinbo, Hiệu trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc ĐH Fudan ở Thượng Hải, cũng nói rằng đạo luật này thậm chí còn gây ra nhiều thách thức hơn cả chuyến thăm của bà Pelosi.
“Nếu Washington tiếp tục con đường này, tôi cho rằng nó sẽ dẫn tới một dạng phục hồi quan hệ đồng minh quân sự Mỹ-Đài Loan,” ông nói. “Điều này sẽ được xem là thách thức trực tiếp đối với nền tảng của quan hệ Mỹ-Trung, và Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ phản ứng một cách quyết liệt hơn so với lần này.”
Được xem như “việc tái cấu trúc toàn diện nhất chính sách của Mỹ đối với Đài Loan” kể từ khi Bắc Kinh và Washington thiết lập quan hệ chính thức vào năm 1979, đạo luật này giúp tăng cường khả năng phòng thủ của hòn đảo bằng khoản viện trợ 4,5 tỉ USD và hứa hẹn sẽ giúp Đài Loan tham gia vào các tổ chức quốc tế.
Nó sẽ gửi đi “một thông điệp rõ ràng tới Bắc Kinh rằng đừng lặp lại sai lầm với Đài Loan giống như như Tổng thống Nga Vladimir Putin làm với Ukraine,” Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Menendez nói.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tại Đài Bắc ngày 3/8 (Ảnh: Getty) |
Đạo luật này, vốn đã bị trì hoãn vài lần kể từ khi cho ra mắt trong tháng 6, xuất hiện ngay giữa thời điểm nhạy cảm trong quan hệ Mỹ-Trung, hiện đã ở mức thấp kỷ lục sau chuyến thăm của bà Pelosi, và loạt tập trận quân sự của Bắc Kinh.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong hôm đầu tuần này nêu quan ngại về các cuộc tập trận kéo dài nhiều ngày xung quanh Đài Loan. Giới chức Mỹ chỉ trích các cuộc tập trận này – bao gồm bắn tên lửa đạn đạo qua đảo Đài Loan – cáo buộc Bắc Kinh cố gắng thay đổi hiện trạng trên eo biển Đài Loan và gây bất ổn khu vực.
Ngoài các cuộc tập trận, Bắc Kinh cũng ngừng các cuộc đối thoại song phương với Washington về quốc phòng và biến đổi khí hậu, áp lệnh trừng phạt trả đũa đối với bà Pelosi, làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng mới trên eo biển Đài Loan.
Theo ông Lu, đạo luật của Mỹ sẽ đánh dấu “sự thay đổi đột biến” trong quan điểm của Washington đối với vấn đề nhạy cảm Đài Loan, mà Bắc Kinh coi là vấn đề quan trọng nhất trong quan hệ Mỹ-Trung.
Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ và cần được tái thống nhất dù có phải dùng vũ lực. Họ cũng phản đối bất kỳ hoạt động trao đổi chính thức giữa hòn đảo này và Washington.
Ông Wu nói rằng, Bắc Kinh có thể đi xa hơn trong các hành động đe dọa quân sự đối với Đài Loan nhằm phản ứng trước đạo luật này, ví dụ như cử thêm nhiều chiến đấu cơ bay sát hòn đảo này hoặc rút Đại sứ của họ ở Mỹ về nước, từ đó gây suy giảm trong quan hệ song phương.
Giới chuyên gia đang tỏ ra bi quan về viễn cảnh mối quan hệ giữa Bắc Kinh, Washington và Đài Bắc, trong bối cảnh Đảng Cộng hòa đang kiểm soát cả hai viện của Quốc hội Mỹ sau kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ, điều này có thể dẫn tới việc đưa ra thêm các đạo luật ủng hộ Đài Loan.
Andrew Mertha, Giám đốc chương trình nghiên cứu Trung Quốc thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế cao cấp Johns Hopkins, nói rằng chuyến thăm của bà Pelosi và phản ứng quân sự chưa từng có tiền lệ của Trung Quốc đã đẩy chính quyền Biden vào “vị trí đáng sợ.”
“Xét về mặt chính trị, ông Biden sẽ không thể bác bỏ việc nâng cấp sự hỗ trợ cho Đài Loan, trong bối cảnh cả hai đảng đều có tư tưởng cứng rắn đối với Trung Quốc,” ông nói. “Nhưng làm như vậy sẽ khiến Bắc Kinh xem là một động thái làm suy giảm thêm chính sách Một Trung Quốc.”
Ông Mertha còn cảnh báo rằng chuyến thăm của bà Pelosi đã gây suy giảm đáng kể niềm tin giữa Bắc Kinh và Washington, khiến cho quan hệ hợp tác song phương trở nên khó khăn hơn, nếu không muốn nói là bất khả thi.
Tuy nhiên, Matt Abbott, đến từ Hội đồng Các vấn đề toàn cầu ở Chicago, lại hạ thấp sự tác động của đạo luật mới.
“Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đã suy giảm trong vài năm qua, từ trước khi đạo luật này được công bố và trước chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi,” ông nói.
“Mặc dù nhiều điều khoản trong đạo luật này rõ ràng là khiến Trung Quốc không hài lòng, nhưng nó vẫn có nhiều đoạn tái khẳng định rằng sẽ không phục hồi mối quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Nó cũng nhấn mạnh rằng sẽ không thay đổi quan điểm của Mỹ về hiện trạng của Đài Loan.”
Robert Sutter, chuyên gia về Trung Quốc đến từ ĐH George Washington, nói rằng còn quá sớm để đưa ra dự đoán về tầm ảnh hưởng của đạo luật này.
Ông cho rằng đạo luật được đề xuất có thể sử dụng ngôn ngữ không ràng buộc, giống như Đạo luật Quan hệ Đài Loan (TRA) được phê chuẩn năm 1979. Cùng với cam kết chính sách Một Trung Quốc của họ, Washington coi TRA như nền tảng trong chính sách về Đài Loan của họ.
Ông Sutter nói rằng, nếu đạo luật mới có chứa ngôn ngữ ràng buộc khiến cho hành động của chính phủ Mỹ đối với Đài Loan thay đổi đáng kể, nó có thể gây ra tác động nghiêm trọng và dài hạn.
“Tôi nghi ngờ việc chính quyền và nhiều thành viên Quốc hội, những người không muốn căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục tăng, sẽ cố gắng áp dụng thứ ngôn ngữ giúp cho các điều khoản của đạo luật dự thảo này không ràng buộc, cho phép chính quyền tiếp tục thực thi chính sách của Mỹ phù hợp với chính sách Một Trung Quốc của họ,” ông Sutter nói.
Ông thêm rằng, nếu đạo luật được thông qua mà không có ngôn ngữ ràng buộc, nó sẽ “khiến Bắc Kinh tức giận ngay vào thời điểm nhạy cảm” và có lẽ làm căng thẳng tình hình hơn nữa. “Nhưng các quan chức chịu trách nhiệm về vấn đề Đài Loan của Trung Quốc có thể hiểu được rằng đạo luật này chỉ mang tính tượng trưng chứ không thúc đẩy hành động quyết liệt hơn của chính phủ Mỹ,” ông nói.
Nhiều công ty ở Đài Loan lên sẵn kế hoạch "tháo chạy" trong bối cảnh căng thẳng quân sự
Trung Quốc nói tàu chiến PLA tiếp cận tàu Đài Loan trên biển và vào cách bờ chưa đầy 12 km
Trung Quốc phóng 11 tên lửa đạn đạo tầm ngắn, cụm tàu sân bay tấn công Mỹ hướng về Đài Loan
Theo SCMP