1. Tesla liên tục xảy ta tai nạn nghiêm trọng
Ngày 17/4, tại bang Texas, Mỹ, một chiếc Tesla Model S đã bất ngờ tông vào gốc cây bên đường và hai người trên xe tử vong tại chỗ. Cảnh sát tin rằng chiếc xe đang ở trạng thái tự lái vào thời điểm xảy ra tai nạn.
Cơ sở của cảnh sát là họ không tìm thấy ai trên ghế lái tại hiện trường. Trong số hai người đã chết, một người ngồi ở ghế phụ và người còn lại ở ghế sau.
Tuy nhiên, Tesla không đồng ý với suy đoán của cảnh sát. CEO Tesla, Musk, đã tweet vào ngày 19/4: "Các bản ghi dữ liệu được khôi phục cho đến nay cho thấy Autopilot (tự động lái) không được bật, chiếc xe này cũng không mua FSD. Hơn nữa, tính năng Autopilot tiêu chuẩn sẽ yêu cầu bật vạch làn đường mà con phố này lại không có".
Cảnh sát và Tesla vẫn giữ vững lập trường, và dư luận có xu hướng ủng hộ cảnh sát. Nhiều nhà bình luận cho rằng hồ sơ an toàn do Tesla công bố trong nhiều năm qua là quá mơ hồ và dữ liệu không minh bạch.
Vào ngày 20/4, có thông tin cho biết cảnh sát điều tra Mỹ sẽ phát lệnh khám xét Tesla để lấy toàn bộ dữ liệu về chiếc xe gặp tai nạn ở Texas. Hơn nữa, Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia (NHTSA) và Ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia (NTSB) đều tuyên bố rằng họ sẽ điều tra vụ tai nạn.
Đây không phải là lần đầu tiên Tesla gặp rắc rối với các cơ quan quản lý của Mỹ và chắc chắn cũng sẽ không phải là lần cuối cùng.
Đồng thời, Tesla cũng đang gặp rắc rối tại Trung Quốc, thị trường kinh doanh xe hơi lớn thứ hai của Tesla sau Mỹ.
Khách hàng của Tesla biểu tình tại triển lãm ô tô ở Thượng Hải. |
Vào hôm diễn ra triển lãm ô tô ở Thượng Hải đầu tuần này, một khách hàng đã leo lên mái chiếc Tesla Model 3, hét lên phản đối hệ thống phanh bị lỗi trên xe và bất bình trước cách công ty xử lý khiếu nại của cô. Bà mặc chiếc áo phông ghi chữ "Phanh không hoạt động" và "Kẻ giết người vô hình".
Được biết, người phụ nữ biểu tình là bà Zhang, có cha mẹ phải nằm viện sau khi gặp tai nạn lúc lái chiếc Tesla Model 3. Bà yêu cầu công ty hoàn tiền vì cho rằng nguyên nhân tai nạn là do vấn đề kỹ thuật. Tuy nhiên, phía công ty từ chối, khẳng định cha của Zhang chạy quá tốc độ.
Đoạn video nhanh chóng gây bão trên mạng xã hội, khiến các cơ quan quản lý và truyền thông nhà nước phải vào cuộc.
2. Thành công là dữ liệu, thất bại cũng là dữ liệu
Hai vụ tai nạn ở hai bờ đại dương và hai cơn bão đều quy về cùng một "tâm bão" là dữ liệu giao thông.
So với các dòng xe truyền thống, xe điện không chỉ là sự thay đổi về năng lượng và sức mạnh mà còn ở hệ thống điều khiển của xe. Hệ thống điện có thể được kết nối liền mạch với hệ thống thông tin điện tử, và tất cả đều có thể thực hiện được tính năng lái xe tự động, điều khiển từ xa, thu thập và lưu trữ thông tin. Vì vậy, các công ty sản xuất xe điện không chỉ đột phá ngành công nghiệp ô tô truyền thống về thuộc tính công nghiệp mà cả trí tưởng tượng phong phú nhờ vào ứng dụng công nghệ kỹ thuật số.
"Không chỉ ô tô, mà còn cả dịch vụ" không phải là định vị độc quyền của Tesla, các hãng mới nổi ở Trung Quốc như Weilai, Nio hay các đại gia công nghệ như Xiaomi và Huawei đều lấy đây là hướng đi. Nói cách khác, "miếng bánh lớn" thực sự không phải là phương tiện hữu hình, mà là dữ liệu vô hình.
Trong lĩnh vực số hóa, Tesla bắt đầu sớm nhất và đi xa nhất. Tesla được thế giới ưu ái nhất không phải vì quy trình sản xuất ô tô mà bởi tiềm năng thương mại to lớn để hệ thống FSD (Full Self-Driving: tự lái) của họ trở thành một tiêu chuẩn công nghiệp. Nếu Tesla có thể thành công đạt được bước tiến này, vị thế của nó sẽ vượt qua Microsoft trong quá khứ và trở thành người chiến thắng lớn nhất trong ngành công nghiệp xe điện.
Hãy tưởng tượng, nếu ô tô điện thay thế hoàn toàn ô tô truyền thống và FSD của Tesla đạt được trạng thái tiêu chuẩn chủ đạo như hệ thống Windows, thì giá trị thương mại trực tiếp của nó là rất lớn. Chưa kể không gian phát triển kinh doanh do "mỏ dữ liệu" từ FSD mang lại.
Đây là lý do thực sự khiến các công ty công nghệ cao đổ xô đầu tư vào lĩnh vực xe năng lượng mới. Nếu ví xe điện như một "con gà" thì căn nguyên đều xuất phát từ "quả trứng" đầu tiên, đó chính là dữ liệu.
Dữ liệu lái xe không đơn giản như ghi lại động thái vật lý của xe mà còn bao gồm những bí mật cốt lõi của hệ thống lái xe tự động. Đây là lý do thực sự tại sao Tesla "không thỏa hiệp" với cả hai bờ đại dương.
Không có gì khó hiểu khi các công ty giữ những thông tin tuyệt mật liên quan đến bí mật cốt lõi kỹ thuật. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra vụ tai nạn, Tesla đã mất điểm nghiêm trọng.
Thành công là dữ liệu, thất bại cũng là dữ liệu. Mức độ số hóa cao là động lực thúc đẩy sự bùng nổ của ngành công nghiệp xe điện, nhưng nó cũng trở thành căn bệnh "không thể giữ bí mật". Bởi vì, là một phần của cuộc điều tra tai nạn, rất khó để tìm ra sự thật nếu không có dữ liệu ban đầu. Cả pháp luật và dư luận đều không ủng hộ việc Tesla nắm giữ dữ liệu.
Vào ngày 21/4, thành phố Trịnh Châu, Trung Quốc đã yêu cầu Tesla cung cấp vô điều kiện cho bà Zhang toàn bộ dữ liệu lái xe của chiếc xe nửa giờ trước khi vụ tai nạn xảy ra, làm rõ rằng điều này thuộc về quyền được biết của người tiêu dùng. Tuy nhiên, Tesla kiên quyết với lập trường "không thỏa hiệp với những đòi hỏi vô lý".
3. Tesla đánh mất niềm tin của dư luận
Ngành giao thông luôn phải đối mặt với các vụ tai nạn, xe điện được điều khiển bởi kỹ thuật số cao khiến công tác điều tra nguyên nhân các vụ tai nạn càng trở nên phức tạp.
Nếu cơn bão bảo vệ quyền lợi này xảy ra trên các dòng xe truyền thống thì sẽ chẳng có gì là nóng cả. Nếu phanh bị lỗi, chỉ cần kiểm tra hệ thống phanh. Cơ chế nhận dạng của tổ chức bên thứ ba rất rõ ràng, và thủ tục xác định độc lập với hãng xe. Tất nhiên, các công ty xe hơi không phải lo lắng về sự rò rỉ kỹ thuật hoặc bí mật công nghệ.
Tuy nhiên, các vụ tai nạn liên quan đến xe điện có hệ thống điều khiển kỹ thuật số vô hình nên độ phức tạp của chúng đã tăng gấp đôi. Nếu hệ thống phanh bị lỗi do hệ thống điều khiển kỹ thuật số, sẽ không có dấu vết vật lý trên xe. Việc thu thập dữ liệu thô cần sự hợp tác của các công ty ô tô, và ngay cả việc giải thích dữ liệu cũng cần có sự hợp tác của các công ty ô tô. Cơ quan quản lý của Trung Quốc và Mỹ yêu cầu Tesla cung cấp dữ liệu thô, đây là một thủ tục cần thiết để thu thập bằng chứng vụ tai nạn.
Do đó, trong những sự cố như vậy, sự cạnh tranh về dữ liệu là không thể tránh khỏi. Đối phó với thủ tục điều tra vụ tai nạn, sự "không khoan nhượng" lúc đầu của Tesla theo Sina đánh giá là chưa khôn ngoan.
Không chỉ các chủ sở hữu xe hơi và các cơ quan quản lý trong vụ việc chú ý đến sự an toàn của việc lái xe tự hành của Tesla, mà còn cả thị trường. Tesla hiện đang gặp khủng hoảng về niềm tin thị trường và cuối cùng phải thỏa hiệp. Tesla đã đưa ra lời xin lỗi công khai trên mạng xã hội Weibo và cho biết họ sẽ hợp tác với tất cả cuộc điều tra địa phương liên quan đến cáo buộc này và tuân theo mọi quyết định của chính phủ.
Trong "cuộc chiến dữ liệu" của thời đại kỹ thuật số, các doanh nghiệp, công chúng và chính phủ đều có những đòi hỏi riêng. Nhiều bài học đã được rút ra trong "cuộc chiến dữ liệu" diễn ra từ lâu.
4. "Phát súng đầu tiên" của "cuộc chiến dữ liệu" đến từ Liên minh châu Âu
Sự tụt hậu của Liên minh châu Âu trong thời đại Internet là điều hiển nhiên đối với tất cả mọi người, và ngay cả các công ty Internet của Liên minh châu Âu cũng không phủ nhận điều đó. EU có dân số 500 triệu người, GDP gần 20 nghìn tỉ USD và nền tảng kinh tế nói chung thịnh vượng, nhưng lại tụt hậu nghiêm trọng trong thời đại Internet. Lý do khá phức tạp, nhưng không thể phủ nhận rằng chính sách giám sát mạnh mẽ và hạn chế quá mức đối với quyền dữ liệu của doanh nghiệp là một trong những lý do chính.
Trên thực tế, ngành công nghiệp Internet ở EU bắt đầu không quá muộn, và điểm xuất phát cũng rất cao. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, châu Âu cũng đóng vai trò lớn trong sự phát triển của Internet. Tuy nhiên, một đạo luật đã khiến ngành công nghệ thông tin của EU chết ngay từ khi còn sơ khai, đó là "Đạo luật bảo vệ dữ liệu máy tính" được ban hành vào năm 1995.
Theo các quy định cực kỳ nghiêm ngặt của luật này, các công ty Internet bị hạn chế rất nhiều trong việc thu thập và sử dụng dữ liệu khách hàng. Các doanh nghiệp không có "quyền dữ liệu", nhưng họ phải chịu "rủi ro dữ liệu" nặng nề, trực tiếp dẫn đến sự phát triển chậm chạp của ngành công nghệ thông tin của EU vào cuối những năm 1990.
Năm 2018, Liên minh Châu Âu đã ban hành phiên bản nâng cấp của "Đạo luật bảo vệ dữ liệu máy tính", và được đánh giá là "bảo vệ quyền riêng tư nghiêm ngặt nhất trong lịch sử." Dưới góc độ “bảo vệ quyền riêng tư”, quy định này chắc chắn là hoàn hảo. Nhưng từ góc độ phát triển công nghiệp, nó đã thất bại.
Liên minh châu Âu đã nổ phát súng đầu tiên cho "cuộc chiến dữ liệu", giành "bảo mật dữ liệu" và đánh bại các doanh nghiệp, nhưng phải trả giá bằng sự phát triển của ngành công nghiệp Internet địa phương.
5. Cuộc chiến FBI và Apple
Apple đại chiến FBI vì bảo vệ dữ liệu. |
Ví dụ ngược lại đến từ Hoa Kỳ. Cuộc chiến của Apple chống lại FBI từng gây chấn động thế giới mà nguyên nhân chỉ là mật khẩu 4 ký tự.
Vào ngày 2/12/2015, một vụ nổ súng đã xảy ra tại San Bernardino, California, Hoa Kỳ khiến nhiều người chết và bị thương. Cảnh sát đã tìm thấy một chiếc iPhone 5c, điện thoại di động của kẻ khủng bố.
FBI đã đến tận nơi với lệnh khám xét và yêu cầu Apple cung cấp mọi thông tin về chiếc điện thoại. Apple giúp lấy dữ liệu từ tài khoản iCloud của kẻ khủng bố, tuy nhiên, một số dữ liệu bị thiếu. FBI không thể truy cập vào chiếc điện thoại bởi họ không biết mật khẩu.
Tuyên bố của Apple là họ không có mật khẩu của người dùng nên không thể giúp được gì. FBI sau đó đã yêu cầu Apple phát triển một phần mềm để họ có thể bẻ khóa mật khẩu. Yêu cầu này đã bị Apple từ chối thẳng thừng.
Hai tháng sau, FBI có được lệnh tòa từ thẩm phán liên bang, yêu cầu Apple phải phát triển một phần mềm theo yêu cầu. Thật bất ngờ, Apple đã bác bỏ lệnh của tòa án. Cơ quan tư pháp và dư luận chiến đấu trên hai mặt trận, Apple giành được sự ủng hộ của giới truyền thông, dư luận và hầu hết các công ty công nghệ. Mặc dù FBI giành được sự ủng hộ của cựu Tổng thống Obama, nhưng cuối cùng FBI lại chọn rút đơn kiện.
Tất nhiên, FBI vẫn có được thông tin mà họ muốn, và họ đã sử dụng một bên thứ ba để bẻ khóa iPhone 5c. Việc thu thập bằng chứng này là hợp pháp và Apple không hề phản đối.
Trên thực tế, sự cố này có thể dễ dàng giải quyết bằng phương pháp bẻ khóa của bên thứ ba ngay từ đầu. Những nỗ lực gian khổ của FBI trong việc yêu cầu Apple cung cấp phần mềm riêng còn có ý nghĩa khác. Điều họ muốn không chỉ là quyền thu thập bằng chứng cho các trường hợp riêng lẻ mà còn là chìa khóa để mở khóa vĩnh viễn và hợp pháp "kho tàng dữ liệu cá nhân".
Cuối cùng, Apple đã chỉ ra trong tuyên bố: "Apple tin tưởng chắc chắn rằng người dân Hoa Kỳ và thế giới xứng đáng để chúng tôi bảo vệ dữ liệu, bảo mật và quyền riêng tư của họ."
So sánh "Đạo luật bảo vệ dữ liệu máy tính" của Liên minh châu Âu và cuộc chiến của Apple với FBI, chúng ta có thể thấy rằng "cuộc chiến dữ liệu" trong thời đại kỹ thuật số là vô cùng phức tạp, liên quan đến vai trò của doanh nghiệp, quản trị công và xung đột giữa quyền và lợi ích dữ liệu.
Trong thời đại kỹ thuật số, "dữ liệu" là tiền bạc, quyền lực và rủi ro. Sự cạnh tranh về "dữ liệu" là một sự phân chia lợi ích rất lớn, và tác động của nó là không thể bị đánh giá thấp.
Trong bối cảnh bảo vệ quyền lợi, Tesla không hề khôn ngoan, cả tư thế cứng rắn lẫn khả năng quan hệ công chúng, quan trọng hơn là Tesla thiếu sự chuẩn bị, đây là một bài học. Việc kiểm soát quá mức quyền lực công của EU là một bài học khác. Cuộc chiến năm nào giữa FBI - Apple và dư luận có lẽ là trường hợp thú vị nhất trong "cuộc chiến dữ liệu".
Theo Sina
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu