Đằng sau sự biến mất của “thống nhất hòa bình”, quân đội Mỹ khó có thể ngăn chặn PLA đánh Đài Loan

VietTimes – Trang tin Đa Chiều có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng Hoa ngữ ngày 30/5 đã đăng bài phân tích dưới đầu đề trên về lực lượng hai bên khi xảy ra một cuộc đụng độ quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ hai bên bờ Eo biển đang cực kỳ căng thẳng.
Trung tâm tư vấn CSBA của Mỹ nghiên cứu về hệ thống chiến lược A2/ẤN ĐỘ của Trung Quốc (Ảnh: CSBA).
Trung tâm tư vấn CSBA của Mỹ nghiên cứu về hệ thống chiến lược A2/ẤN ĐỘ của Trung Quốc (Ảnh: CSBA).

Bài báo viết, khi “lưỡng hội” (hai kỳ họp Quốc hội và Chính Hiệp) ở Trung Quốc đại lục và bà Thái Anh Văn nhậm chức ở Đài Loan diễn ra cùng thời điểm, cả hai bên đều không muốn nói về "Đồng thuận 1992", vấn đề Eo biển Đài Loan dần trở thành tâm điểm của dư luận ở cả hai bên. Ngoài sự biến mất của từ "hòa bình" trong "thống nhất hòa bình" trong Báo cáo công tác của chính phủ trước Quốc hội lần này, Bắc Kinh đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến Đài Loan cho thấy tiếng nói "Vũ thống" (dùng vũ lực thống nhất) đã tăng lên. Đây cũng được coi là một trong những kết quả của việc chạy đua sức mạnh Trung-Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.

Báo cáo công tác của chính phủ Trung Quốc do Thủ tướng Lý Khắc Cường trình bày trước Quốc hội, từ "hòa bình" đã không được nhắc đến gắn liền với "thống nhất" như mọi năm trước (Ảnh: Tân Hoa xã)
Báo cáo công tác của chính phủ Trung Quốc do Thủ tướng Lý Khắc Cường trình bày trước Quốc hội, từ "hòa bình" đã không được nhắc đến gắn liền với "thống nhất" như mọi năm trước (Ảnh: Tân Hoa xã)

Khi Đài Loan do bà Thái Anh Văn lãnh đạo dần dần chuyển từ độc lập trá hình sang độc lập công khai, Trung Quốc đại lục cũng dần dần thắt chặt chính sách đối với Đài Loan, thái độ cũng dần trở nên cứng rắn hơn. Ngày 22/5, trong báo cáo công tác chính phủ, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường yêu cầu “Phản đối Đài (Loan) độc (lập), xúc tiến thống nhất”. Đây là điều chưa từng có trong bảy năm cầm quyền của các ông Tập Cận Bình – Lý Khắc Cường; so với các báo cáo trước đó năm nay đã không có từ “Hòa bình” nữa.

Không còn "Hòa (bình) thống (nhất)", "Vũ thống" đã nóng lên. Ngay trước khi "lưỡng hội" họp ở Đại Lục và  bà Thái Anh Văn nhậm chức, các cuộc tập trận của PLA ở địa bàn trọng yếu gần Bắc Kinh kéo dài suốt vài tháng, cũng như tin tức của  truyền thông Nhật Bản về việc diễn tập chiếm đảo Đông Sa, tất cả đều cho thấy sự chuẩn bị cho "Vũ thống". Trong cùng thời gian, kết quả của ván cờ suy diễn chiến tranh mang tên Eye-opening của Lầu Năm Góc tuyên bố 10 năm sau, quân đội Mỹ sẽ thất bại và không thể giúp bảo vệ Đài Loan. Nói cách khác, theo ván cờ suy diễn quân sự này, đối thủ thực sự của PLA ở eo biển Đài Loan trong tương lai không phải là quân đội Đài Loan, mà là quân đội Mỹ. Vì vậy, làm thế nào để đánh bại quân đội Mỹ, hoặc làm thế nào để ngăn chặn quân đội Mỹ can thiệp vào Eo biển Đài Loan, là vấn đề cốt lõi để xem xét PLA có thể "Vũ thống" Đài Loan được hay không.

Biên đội tàu Liêu Ninh được coi là lực lượng quan trọng trong việc cạnh tranh quyền kiểm soát trên vùng biển xa với Mỹ khi xảy ra chiến tranh (Ảnh: Tân Hoa xã).
Biên đội tàu Liêu Ninh được coi là lực lượng quan trọng trong việc cạnh tranh quyền kiểm soát trên vùng biển xa với Mỹ khi xảy ra chiến tranh (Ảnh: Tân Hoa xã).

Trong mấy thập kỷ qua, tình hình ở Eo biển Đài Loan luôn là ưu tiên hàng đầu đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc và xây dựng sức mạnh quân sự để thống nhất đương nhiên luôn đứng đầu trong xây dựng quốc phòng. Trong khi đồng thời tìm kiếm khả năng chiến đấu đáng tin cậy để đổ bộ lên Đài Loan, PLA cũng tìm cách ngăn chặn khả năng hỗ trợ Đài Loan của quân đội Mỹ, đặc biệt là sau sự kiện bị tàu sân bay Mỹ uy hiếp trong cuộc khủng hoảng Eo biển Đài Loan năm 1996.

Trong 25 năm qua, mặc dù chưa được công nhận và chính thức áp dụng, PLA đang thiết lập một hệ thống chiến lược được giới quân sự Mỹ gọi là “Chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực, (hay Anti-Access/Area Denial, A2/AD). Trung Quốc bị cáo buộc đang phát triển khả năng hạn chế sự xâm nhập tự do của lực lượng quân đội Hoa Kỳ vào một số khu vực nhất định ở Tây Thái Bình Dương; gồm Eo biển Đài Loan và Biển Đông. Cả hai đều được Bắc Kinh coi là khu vực lợi ích cốt lõi bất khả xâm phạm của họ.

Tên lửa siêu thanh DF-17, được coi là vũ khí chiến thuật có vai trò đe dọa chiến lược (Ảnh: Tân Hoa xã).
Tên lửa siêu thanh DF-17, được coi là vũ khí chiến thuật có vai trò đe dọa chiến lược (Ảnh: Tân Hoa xã).

Giới quân sự Mỹ tin rằng, một khi xung đột quân sự Mỹ-Trung nổ ra ở eo biển Đài Loan hoặc Biển Đông, Trung Quốc với khả năng của hệ thống A2/AD sẽ sử dụng một loạt vũ khí "có trong tay" để tấn công, khống chế hệ thống chỉ huy và kiểm soát chung, mạng lưới liên lạc, biên đội tàu sân bay, sân bay tuyến trước, các hệ thống hậu cần của quân đội Mỹ, để ngăn cản hoặc chặn đứng quân đội Mỹ xâm nhập vào các khu vực chiến sự quan trọng; khả năng hành động tự do trên biển, trên không, không gian vũ trụ và không gian mạng của quân đội Mỹ sẽ bị hạn chế nghiêm trọng.

Hệ thống chiến lược A2/AD nói chung bao gồm các hệ thống tình báo, giám sát, trinh sát (ISR), hệ thống phòng thủ và tấn công tạo thành. Sau nhiều năm, PLA đã dần có được một mạng lưới giám sát và trinh sát hoàn chỉnh từ mặt đất, trên không và không gian. Ở mặt đất, ven biển Chiết Giang, Phúc Kiến và Quảng Đông đối diện với eo biển Đài Loan đã phát hiện thấy triển khai các loại radar tầm siêu xa khác nhau để cảnh báo sớm các tàu lớn, trung bình và máy bay quân sự ở khoảng cách từ xa trên mặt nước và trên không. Trên không, các máy bay cảnh báo sớm KJ-500, KJ-2000); máy bay đặc chủng Cao Tân (GX) được cải tiến từ máy bay vận tải Yun-8/9; máy bay trinh sát không người lái chiến lược Tường Long và máy bay trinh sát không người lái tầm cao siêu tốc WZ- 8 có thể phân tích, cảnh báo tại chỗ kịp thời.

Năm 2017, CCTV công bố các cánh tay máy Trung Quốc chế tạo dùng để "bắt cóc" vệ tinh của đối phương trong không gian (Ảnh: Đa Chiều).
Năm 2017, CCTV công bố các cánh tay máy Trung Quốc chế tạo dùng để "bắt cóc" vệ tinh của đối phương trong không gian (Ảnh: Đa Chiều).

Theo các thông tin công khai, PLA đã liên tục cho máy bay tác chiến điện tử Y-8/9 và máy bay trinh sát Tu-154MD tới gần các căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản và Hàn Quốc trong những năm gần đây để thu thập tín hiệu điện từ và tích lũy dùng cho tình báo chiến tranh. Hệ thống vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu ngày càng hoàn thiện phối hợp với hệ thống vệ tinh Thực Tiễn và Dao Cảm để cung cấp hỗ trợ giám sát trên diện rộng liên tục cho hoạt động tác chiến của PLA ở Tây Thái Bình Dương.

Ngoài việc thiết lập khả năng trinh sát không gian, Trung Quốc cũng đã xây dựng một hệ thống phản ứng nhanh trong không gian và hệ thống chống vệ tinh có thể nhanh chóng bổ sung các vệ tinh bị mất của mình trong thời chiến, cũng như kiềm chế các tài sản không gian mà quân đội Mỹ phải phụ thuộc rất nhiều trong các hoạt động tác chiến. Hiện tại, các tên lửa của Trung Quốc có thể được sử dụng để phản ứng nhanh gồm có loại Trường Chinh-11 (CZ-11) và Khoái Chu (KZ), trong khi công nghệ chống vệ tinh bao gồm tên lửa chống vệ tinh trực tiếp, công nghệ chống vệ tinh quỹ đạo chung và vũ khí laser chống vệ tinh.v.v. Năm 2007, Trung Quốc đã phóng tên lửa chống vệ tinh Khai Thác-1 (KT-1) bắn hạ thành công vệ tinh khí tượng Phong Vân (FY) trên quỹ đạo 1.000 km, gây ra sự phản ứng mạnh mẽ từ quân đội Mỹ.

Máy bay tàng hình J-20 đã được trang bị và triển khai trong không quân Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa xã).
Máy bay tàng hình J-20 đã được trang bị và triển khai trong không quân Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa xã).

So với phòng thủ thụ động, hệ thống tấn công của A2/AD càng mạnh mẽ hơn. Để làm tê liệt khả năng quân đội Mỹ tự do xâm nhập vào một số vùng biển nhất định, PLA đã bắt đầu vận hành một hệ thống tìm cách áp chế hoặc phá hủy các tài sản quân sự của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.

Phân loại theo các quân chủng, Không quân PLA có máy bay chiến đấu tàng hình J-20 mới được trang bị và máy bay chiến đấu đa năng J-16 có thể hỗ trợ chiến đấu tranh giành vùng trời biển gần và sử dụng tên lửa không đối không tầm xa để tấn công các máy bay quân sự phụ trợ của Mỹ (như máy bay cảnh báo sớm và máy bay tiếp dầu).

Máy bay ném bom chiến lược H-6K mang theo vũ khí tấn công chính là tên lửa hành trình KD-20A có tầm bắn tới 5.000 km, đủ để đe dọa các mục tiêu quan trọng của Mỹ trong chuỗi đảo thứ hai. Hải quân PLA có 2 nhóm tác chiến tàu sân bay (Liêu Ninh, Sơn Đông) được bảo vệ bởi các tàu khu trục tên lửa Type 052C/D, 055 có thể cạnh tranh quyền kiểm soát trên biển, kiểm soát trên không ở biển xa. Các tên lửa chống hạm siêu âm YJ-12A phóng từ trên không và trên biển cùng các tên lửa kiểu mới YJ-18 phóng từ trên không, trên biển đều có thể tiêu diệt các tàu chiến cỡ lớn và trung bình của Mỹ. Tàu ngầm hạt nhân tấn công 093A/B có thể tạo thành mối đe dọa liên tục cho các tàu Mỹ do khả năng che giấu và khả năng sống còn cao.

Tàu ngầm hạt nhân Type 093 được cho là tạo nên mối đe dọa liên tục cho các tàu Mỹ do khả năng ẩn giấu và sinh tồn cao (Ảnh: Đa Chiều).
Tàu ngầm hạt nhân Type 093 được cho là tạo nên mối đe dọa liên tục cho các tàu Mỹ do khả năng ẩn giấu và sinh tồn cao (Ảnh: Đa Chiều).

Ngoài lực lượng hải quân và không quân, quân chủng Tên lửa PLA là điều khiếp sợ nhất và cũng cay đắng nhất của quân đội Mỹ, nếu không Mỹ đã chẳng liên tục yêu cầu Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí Mỹ-Nga. Tên lửa đạn đạo Dongfeng-21D, tên lửa đạn đạo Dongfeng-26 và tên lửa hành trình Changjian-100 trong quân chủng Tên lửa được gọi là "sát thủ tàu sân bay" vì chúng đều có khả năng tấn công các tàu cỡ lớn và trung bình, đã trở thành thanh gươm Damocles treo trên đầu các tàu sân bay của Mỹ. Ngoài ra, các loại tên lửa Dongfeng-11 có tầm bắn (≤600 km), tên lửa Dongfeng-15 (≤900 km), Dongfeng-16 (≤1.500 km), Dongfeng-17 (≤1.900 km), Dongfeng-21 (≤3.100 km), Dongfeng-26 (≤5.000 km), tên lửa hành trình Dongfeng-10A (≤2.500 km) có phạm vi trùm lên kéo dài từ đảo Đài Loan đến Guam trong chuỗi đảo thứ Hai, là lực lượng nòng cốt áp chế hoặc tiêu diệt các lực lượng hạt nhân của quân đội Mỹ trong khu vực.

Trong số đó, tên lửa Dongfeng -17, lần đầu tiên được công khai vào ngày 1/10/2019, trong cuộc diễu binh nhân Quốc khánh Trung Quốc, là một tên lửa siêu thanh "siêu thời tiết, không cần hỗ trợ và đột phá mạnh" có thể tấn công chính xác các mục tiêu tầm trung và tầm ngắn. Tốc độ cực nhanh và quỹ đạo phức tạp khiến Dongfeng -17 khó bị đánh chặn, sau đó dễ dàng phá vỡ mạng lưới chống tên lửa của quân đội Mỹ để đạt được hiệu quả răn đe chiến lược với vai trò là vũ khí chiến thuật.

Tên lửa mang KZ của Trung Quốc có thể nhanh chóng phóng bổ sung các vệ tinh bị tổn thất trong chiến tranh (Ảnh: Đa Chiều).
Tên lửa mang KZ của Trung Quốc có thể nhanh chóng phóng bổ sung các vệ tinh bị tổn thất trong chiến tranh (Ảnh: Đa Chiều).

Các khả năng của hệ thống A2/AD PLA đã được sử dụng trong các cuộc tập trận thực tế và đã đạt kết quả mong muốn. Trước và sau khi công bố kết quả của vụ kiện trọng tài Biển Đông do Philippines khởi xướng vào tháng 7/2016, CCTV Trung Quốc đã đưa tin Hải quân và quân chủng Tên lửa PLA đã tiến hành các hoạt động chung ở Biển Đông, nói, “Các hạm tàu không sợ địch mạnh, kịp thời có mặt; hàng chục tên lửa mới của quân chủng Tên lửa đã sẵn sàng phóng từ cách xa ngàn dặm". Sau khi công bố kết quả phán xử, Trung Quốc đã phớt lờ kết quả của vụ kiện trọng tài – cho rằng Đường 9 đoạn trên biển của Trung Quốc không hợp lệ, Trung Quốc phải đình chỉ hoạt động lấp biển tạo đảo. Ý định của hạm đội Mỹ hỗ trợ Philippines quấy rối Biển Đông đã bị đánh bại; thậm chí Philippines sau đó đã ngả sang phía Trung Quốc. Trung Quốc đã “chống can thiệp” thành công khiến quân đội Mỹ thất bại.

Máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-21 của Mỹ độ tàng hình cao, khả năng đột phá mạnh (Ảnh: Đa Chiều).
Máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-21 của Mỹ độ tàng hình cao, khả năng đột phá mạnh (Ảnh: Đa Chiều).

Việc hoàn thiện hệ thống trang thiết bị A2/AD của PLA, cùng với quyết tâm của lãnh đạo Trung Quốc hoàn thành sứ mệnh lịch sử thống nhất, một khi PLA sử dụng quân đội ở Eo biển Đài Loan, Mỹ vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa thực dụng, được coi là rất khó khăn trong việc ngăn cản Trung Quốc thống nhất Đài Loan. Nhưng cũng dựa trên các yếu tố lịch sử và thực tế, Mỹ không thể ngồi yên chịu trận trước hệ thống A2/AD của quân đội Trung Quốc. Ngay cả khi hệ thống này chưa hoàn thành, Mỹ đã đưa ra hệ thống "Chiến tranh nhất thể hóa trên không trên biển" để đối phó.

Các máy bay chiến đấu tàng hình F-35 là mối đe dọa lớn cho các lực lượng Trung Quốc (Ảnh: US Airforce).
Các máy bay chiến đấu tàng hình F-35 là mối đe dọa lớn cho các lực lượng Trung Quốc (Ảnh: US Airforce).

"Trận chiến không hải nhất thể" được Mỹ đưa ra năm 2009 và chính thức trở thành chiến lược quân sự của Mỹ vào một năm sau. Nó nhằm mục đích tìm kiếm các khái niệm tác chiến mới nhằm làm suy yếu khả năng A2/AD của đối thủ và đảm bảo quyền tự do và vị trí chủ đạo của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương và Vịnh Ba Tư.

Từ quan điểm của quân đội Mỹ, tiền đề của việc “chống tiếp cận” là các hoạt động "làm mù", phá hủy khả năng trinh sát tình báo và giám sát của PLA, gây khó khăn cho việc theo dõi, ngắm bắn, tấn công và phòng thủ một cách hiệu quả. Trong đó, năm 2015 Hải quân Mỹ đã đề xuất khái niệm "sát thương kiểu phân tán", nhằm tăng cường khả năng tấn công của hạm tàu và thực hiện triển khai phân tán trong một vùng nước rộng nhằm áp đặt sức ép toàn bộ hoặc thậm chí bão hòa trên toàn bộ chuỗi sát thương của đối phương, đặc biệt là hệ thống giám sát tình báo.

Trong cùng thời gian, quân đội Mỹ cũng tích cực phát triển nhiều loại vũ khí chiến đấu mới, bao gồm máy bay ném bom tàng hình B-21 với khả năng đột phá mạnh mẽ, tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM) uy lực lớn và tên lửa tấn công phóng từ trên không và mặt đất tầm xa (JASSM) cùng các tên lửa đạn đạo tầm trung trên đất liền sau khi rút khỏi Hiệp ước INF .v.v. để làm suy yếu khả năng tác chiến của PLA, trong chuỗi đảo thứ hai.

Máy bay ném bom chiến lược B-1B của Mỹ mang tên lửa hành trình và tên lửa chống hạm kiểu mới là mối đe dọa lớn đối với tàu sân bay Trung Quốc (Ảnh: Reuters).
Máy bay ném bom chiến lược B-1B của Mỹ mang tên lửa hành trình và tên lửa chống hạm kiểu mới là mối đe dọa lớn đối với tàu sân bay Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Bài báo của Đa Chiều kết luận, hiện nay, sức mạnh tổng thể của quân đội Mỹ khiến PLA khó có thể vượt qua nó. Đây là nơi các máy bay trinh sát, máy bay ném bom và tàu khu trục của Mỹ thường xuyên “tiếp cận” vùng biển và vùng trời lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Nhưng đối với quân đội Mỹ, do hoạt động tác chiến ở nước ngoài xa lãnh thổ Mỹ chắc chắn sẽ là một "cuộc chiến kéo dài" liên quan đến chính trị, kinh tế và quân sự. Một khi điều gì đó xảy ra, PLA được dựa vào lãnh thổ, được hỗ trợ bởi năng lực sản xuất công nghiệp khổng lồ, đủ để "tiêu hao" quân đội Mỹ tới từ xa. Đối với Đài Loan, do ở quá gần Đại Lục và quá xa Hoa Kỳ, cần phải đối mặt với thực tế này.