Đằng sau khoản cho vay linh hoạt gần 1.000 tỉ đồng của Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – CTCP Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô do gia đình đại gia Nguyễn Văn Niên nắm 100% vốn, có thế mạnh trong lĩnh vực xây lắp, bất động sản tại Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
Ông Nguyễn Văn Niên - Chủ tịch Sông Hồng Thủ Đô - từng là Tổng Giám đốc của Tổng Công ty Bến Thành Matxcova (Nguồn: Đại học Hùng Vương)
Ông Nguyễn Văn Niên - Chủ tịch Sông Hồng Thủ Đô - từng là Tổng Giám đốc của Tổng Công ty Bến Thành Matxcova (Nguồn: Đại học Hùng Vương)

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây đã chấp thuận việc niêm yết các lô trái phiếu mã SHT119009 và SHT119008 của CTCP Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô (Sông Hồng Thủ Đô). Các lô trái phiếu này có tổng giá trị theo mệnh giá là 234 tỉ đồng, kỳ hạn 5 năm, được phát hành từ năm 2019.

Sông Hồng Thủ Đô tiền thân là CTCP Thương mại Sông Hồng Thủ Đô, thành lập từ năm 2004 với quy mô vốn điều lệ ban đầu ở mức 15 tỉ đồng. Trải qua 7 đợt tăng vốn, công ty đã nâng quy mô vốn điều lệ lên mức 1.610 tỉ đồng, về cơ bản vẫn là một doanh nghiệp gia đình.

Tính đến ngày 30/6/2020, vợ chồng đại gia Nguyễn Văn Niên (SN 1957) – Trần Diệu Hà (SN 1960) nắm giữ tới 160,7 triệu cổ phần, tương đương 99,81% vốn của Sông Hồng Thủ Đô. Số cổ phần còn lại của doanh nghiệp này, tương đương 0,19% vốn điều lệ, do người con trai Nguyễn Trần Nam (SN 1995) đứng tên.

Ông Nam khả năng đã nhận chuyển nhượng số cổ phần nêu trên tại Sông Hồng Thủ Đô từ ông Nguyễn Văn Phúc trong nửa đầu năm 2020.

Ít ai biết rằng, ông Nguyễn Văn Niên - Chủ tịch HĐQT Sông Hồng Thủ Đô – là một trong hai người sáng lập, đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc của Tổng Công ty Bến Thành Matxcova từ tháng 8/1993 - 6/1996.

Sau đó, ông Niên đã thành lập và là chủ tịch của trung tâm thương mại Sông Hồng - Matxcova. Việc trở thành Chủ tịch của Sông Hồng Thủ Đô như là bước đánh dấu cho việc hồi hương của vị doanh nhân kín tiếng này.

Cơ cấu cổ đông của CTCP Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô

Cơ cấu cổ đông của CTCP Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô

Theo tìm hiểu của VietTimes, riêng trong năm 2019, Sông Hồng Thủ Đô đã thực hiện 2 đợt phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ thêm 910 tỉ đồng.

Sẽ không có gì đáng nói nếu phần lớn số vốn tăng thêm lại được Sông Hồng Thủ Đô cho vay ngược lại chính các cổ đông, thậm chí ngày tăng vốn trùng với ngày ký kết hợp đồng cho vay.

Cụ thể, trong năm 2019, Sông Hồng Thủ Đô đã nhận góp vốn từ ông Nguyễn Văn Niên và bà Trần Diệu Hà lần lượt là 514 và 396 tỉ đồng. Số tiền 910 tỉ đồng này nhiều khả năng được phục vụ cho các đợt tăng vốn hôm 7/5 và 13/6/2019.

Tuy nhiên, cũng trong ngày 13/6/2019, Sông Hồng Thủ Đô đã ký hợp đồng, cho vay ông Nguyễn Văn Niên và bà Trần Diệu Hà tổng số tiền là 886,5 tỉ đồng. Trước đó nữa, ngày 5/6/2019, công ty này cũng cho ông Nguyễn Văn Phúc vay 73,5 tỉ đồng.

Sông Hồng Thủ Đô cho biết đây là các khoản vay nhằm tận dụng nguồn vốn nhàn rỗi, với kỳ hạn linh hoạt, để khi cần có thể tất toán hợp đồng. Dù vậy, mức lãi suất của các khoản cho vay cũng rất khiêm tốn, gần như cho có. Bởi mức lãi suất vay dưới 1 tháng chỉ là 1,2%/năm, trên 1 tháng cũng chỉ là 1,65%/năm – thấp hơn cả mức lạm phát và mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng trong năm 2019.

Trên giấy tờ, các đợt tăng vốn đã góp phần giúp cơ cấu tài chính của Sông Hồng Thủ Đô trở nên “đẹp” hơn.

Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của Sông Hồng Thủ Đô giảm từ 0,83 lần (cuối năm 2018) xuống chỉ còn 0,56 lần (cuối năm 2019), tương tự, hệ số nợ trên tổng tài sản cũng giảm từ 0,45 xuống 0,36 lần.

Sông Hồng Thủ Đô mạnh cỡ nào?

Sông Hồng Thủ Đô hoạt động trong 3 lĩnh vực chính, bao gồm: thi công xây lắp, bất động sản và kinh doanh dịch vụ, nhà hàng khách sạn.

Trong lĩnh vực thi công xây lắp, Sông Hồng Thủ Đô là đơn vị thi công loạt công trình tại tỉnh Vĩnh Phúc như: dự án Đường từ nút giao thông nhà thi đấu thành phố Vĩnh Yên vào KĐT mới Nam Vĩnh Yên, Khu công viên quảng trường tỉnh Vĩnh Phúc, Dự án thoát nước khu công viên quảng trường tỉnh.

Trong lĩnh vực bất động sản, công ty này đang liên kết với đối tác thực hiện Dự án Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II với tổng vốn đầu tư 3.000 tỉ đồng. Trong đó, Sông Hồng Thủ Đô sở hữu 20% vốn điều lệ của doanh nghiệp dự án. Dự án đang trong quá trình giải phóng mặt bằng và thi công.

Ngoài ra, Sông Hồng Thủ đô còn đang thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái Sông Hồng – Nam Đầm Vạc (diện tích 37,2ha, tổng vốn đầu tư 3.882,7 tỉ đồng); Khu dịch vụ du lịch Sông Hồng Thủ Đô – Bắc Đầm Vạc (9,1ha, tổng vốn đầu tư 487,4 tỉ đồng), dự án Khu dân cư nông thôn mới tại xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ (300 tỉ đồng).

Đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, nhà hàng khách sạn, công ty đang khai thác và vận hành khu khách sạn Sông Hồng Resort với quy mô 10ha tại hồ Bắc Đầm Vạc.

Công ty cho biết trong thời gian tới dự kiến sẽ thực hiện đầu tư các công trình có giá trị lớn theo hình thức BT và BOT như: Dự án đường cầu Đồng Quang đến Quốc lộ 32 theo hình thức BOT – vườn quốc gia Xuân Sơn (1.200 tỉ đồng), Công trình phố đi bộ phường Tiên Cát – Tp. Việt Trì theo hình thức BT (2.100 tỉ đồng). Đây là 2 dự án trọng điểm của tỉnh Phú Thọ./.