Đạm Hà Bắc sắp lên sàn UPCoM

VietTimes -- Ngày 26/7 tới đây, 272 triệu cổ phiếu DHB của Công ty cổ phần Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc sẽ chào sàn UPCoM với giá 6.800 đồng cổ phiếu.
Đạm Hà Bắc - "đứa con đầu lòng" của phân đạm Việt Nam - Ảnh: DHB
Đạm Hà Bắc - "đứa con đầu lòng" của phân đạm Việt Nam - Ảnh: DHB

Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), 272 triệu cổ phiếu của CTCP Phân đạm và hóa chất Hà Bắc vừa được chấp thuận niêm yết trên sàn giao dịch UPCoM với mã chứng khoán là DHB.  Dự kiến, giá tham chiếu của trong ngày đầu tiên giao dịch của DHB là 6.800 đồng/ cổ phiếu.

Tiền thân của Đạm Hà Bắc là Nhà máy phân đạm Hà Bắc, được khởi công xây dựng từ năm 1960, đây là kết quả của hiệp định của Chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc về việc Trung Quốc giúp Việt Nam xây dựng nhà máy phân đạm. Tháng 1/2016, công ty này đã chuyển đổi mô hình thành CTCP.  

Sau gần 50 năm hình thành và phát triển, Đạm Hà Bắc đã đạt được những thành quả nhất định như Công ty đã sản xuất hơn 2 triệu tấn đạm urê, 2 tỷ KWh điện, 45.000 tấn NH3 thương phẩm, 180.000 tấn phân trộn NPK, 30.000 tấn CO2 lỏng rắn chất lượng cao, 3.500.000 chai Oxy thương phẩm, 1500 tấn than hoạt tính... phục vụ nền kinh tế.

 Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Đạm Hà Bắc bắt đầu đi xuống trong thời gian gần đây, nhất là từ năm 2015, sau khi hoàn tất dự án mở rộng sản xuất. Dự án này là một trong 4 nhà máy thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt nam có tên trong danh sách 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của Ngành công thương.

Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán bởi AASC, năm 2016, Đạm Hà Bắc đạt 2.194 tỷ đồng doanh thu, 3.223 tỷ đồng chi phí, công ty báo lỗ 1.040 tỷ đồng, tổng mức lũy kế là 1.720 tỷ đồng. Quý 1/2017, Đạm Hà Bắc tiếp tục ghi nhận lỗ thêm 217 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên 1.937 tỷ đồng.

Bản thông tin trước niêm yết của Đạm Hà Bắc cho thấy, tính đến 31/12/2016, tổng tài sản của Đạm Hà Bắc chỉ đạt 9.909 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả lên tới 8.896 tỷ đồng, bao gồm: 7.445 tỷ đồng nợ dài hạn  và 1.450 tỷ đồng nợ ngắn hạn. Đáng chú ý, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn lần lượt là 560 tỷ đồng và 7.372 tỷ đồng, trong khi vốn chủ hữu tính đến thời điểm cuối năm 2016 chỉ là 783 tỷ đồng/ vốn góp của chủ sở hữu là 2.722 tỷ đồng. Được biết, tính đến 19/4/2017, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam vẫn là công ty mẹ sở hữu đến 97,66% vốn điều lệ của công ty này.