Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov đã phân tích giải đáp vấn đề này và nhiều câu hỏi trong cuộc phỏng vấn với RIA Novosti.
RIA Novosti: Quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ đang trải qua giai đoạn gian nan nhất trong lịch sử hiện đại. Xin Đại sứ cho biết, ngài có thấy lối thoát triển vọng cho cuộc khủng hoảng hiện nay?
Đại sứ A. Karlov: Chúng ta không phải là bên gây nên những tổn thất nghiêm trọng cho mối quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ. Vụ bắn hạ máy bay quân sự là một thách thức chưa từng có đối với Nga. Tôi không nhớ từng có trường hợp nào chiến đấu cơ NATO bắn rơi máy bay quân sự của chúng ta.
Như Tổng thống Nga đã nói rõ ràng, chúng ta không ngờ lại có cú đâm vào lưng từ Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng ta chờ đợi Thổ Nhĩ Kỳ xin lỗi chính thức, trừng phạt thủ phạm và bồi thường thiệt hại. Việc Thổ Nhĩ Kỳ chỉ tuyên bố lấy làm tiếc với chuyện đã xảy ra thực sự là chưa đủ, không đúng với mức độ nghiêm trọng của vụ việc.
Nga đã áp dụng các biện pháp kinh tế đặc biệt với Thổ Nhĩ Kỳ, ngừng hoạt động của Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế và một diễn đàn xã hội. Toàn bộ cơ chế tham vấn chính trị giữa hai nước cũng bị đóng băng, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov hủy chuyến thăm Istanbul và cuộc hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu.
Cuộc gặp Nga-Thổ duy nhất cấp bộ trưởng ngoại giao đã diễn ra sau 24 tháng 11 tại Belgrade, bên lề buổi họp Hội đồng Các bộ trưởng Ngoại giao OSCE hôm 3 tháng 12, sau khi phía Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần đề nghị. Đáng tiếc, sự kiện không đem lại hiệu quả mong muốn. Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần bày tỏ ý định tổ chức cuộc hội đàm cấp cao.
Việc làm này vô nghĩa nếu họ không thay đổi lập trường. Tôi e rằng, các mối liên lạc sẽ tiếp tục bị đóng băng. Có một số quốc gia mà chúng ta chỉ duy trì chứ không phát triển quan hệ trong nhiều thập kỷ. Ví dụ, mối quan hệ của chúng ta với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là như vậy, nếu Ankara không thay đổi quan điểm của họ.
RIA Novosti: Các biện pháp trừng phạt kinh tế của LB Nga có thể dẫn tới hậu quả gì đối với Thổ Nhĩ Kỳ?
Đại sứ A. Karlov: Chúng ta chưa bao giờ nói Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia thù địch với chúng ta. Vấn đề liên quan tới một bộ phận ban lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay không chấp nhận tìm thỏa hiệp. Đáng tiếc, do đó mối quan hệ sẽ diễn ra ở cấp độ thấp, kim ngạch thương mại giảm mạnh.
Chỉ trong tháng Giêng 2016, khối lượng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga đã giảm ba lần, chưa tính tới các khía cạnh "xuất khẩu vô hình" như xây dựng, du lịch, vận tải có doanh thu tới 15 tỷ đôla hàng năm. Những chỉ số này cũng sẽ rớt mạnh.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đánh mất hàng triệu lượt khách du lịch Nga. Hàng nông sản của Thổ Nhĩ Kỳ cũng thuộc diện bị áp đặt hạn chế. Nhiều nhà cung cấp Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rất khó hoặc không bao giờ có cơ hội quay lại thị trường Nga, bởi doanh nghiệp cạnh tranh từ Ai Cập, Israel, Azerbaijan, Iran đang lập tức thế chỗ họ.
Theo nghiên cứu mới nhất của Turkish Social, Economic and Political Research Foundation, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thiệt hại tới 11 tỷ đô la vì suy giảm quan hệ với Nga.
RIA Novosti: Thổ Nhĩ Kỳ được coi là kênh quá cảnh chính của những người Nga muốn tham gia nhóm khủng bố "nhà nước Hồi giáo" (IS) bị cấm ở Nga. Phía Nga làm việc như thế nào với nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề này? Những con số nào có thể được nói tới?
Ông A. Karlov: Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những kênh dẫn dắt chiến binh nước ngoài vào lãnh thổ do IS kiểm soát. Sự hợp tác giữa Liên bang Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề này rõ ràng là chưa đủ.
Bởi lý do này, chúng ta không thể nêu số liệu thống kê các công dân Nga bị tạm giữ trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria với nghi vấn tham gia hàng ngũ IS. Tôi chỉ có thể dựa vào con số do Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Efka Ala công bố.
Theo ông, tổng cộng trong năm 2015 đã có 2.783 người nước ngoài từ 89 quốc gia bị Thổ Nhĩ Kỳ tạm giữ. Các phương tiện truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ dẫn nguồn tin riêng viết, trong số đó có khoảng 100 người Nga, theo tôi con số này là sát với thực tế…
Chuyện thường xảy ra là các công dân Nga bị bắt vì tình nghi tham gia IS lại được Thổ Nhĩ Kỳ trục xuất (như thông báo theo nguyện vọng của đối tượng bị giữ) sang các nước thứ ba mà Nga hoặc không có quan hệ ngoại giao (Gruzia), hoặc quan hệ căng thẳng (Ukraine).
Tôi nghĩ rằng, việc một đối tượng bị nghi ngờ tham gia IS và không muốn quay lại Nga sẽ càng khẳng định người này có liên quan đến IS hoặc muốn gia nhập IS. Thế nhưng tôi không biết có trường hợp công dân Nga nào bị bắt giữ hoặc đang thụ án ở Thổ Nhĩ Kỳ với cáo buộc hoạt động cho IS.
RIA Novosti: Sau khi Lực lượng Không quân vũ trụ (VKS) của Nga bắt đầu mở hoạt động ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần cáo buộc Nga vi phạm không phận nước này, trong đó có trường hợp cường kích Su-24 bị bắn rơi. Đại sứ không ít lần đã được triệu tập nhận thông báo về các vi phạm mà Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc. Phía Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra những cơ sở bằng chứng gì?
Đại sứ A. Karlov: Các dữ liệu giám sát khách quan chính là cơ sở then chốt. Chỉ có chúng mới đủ sức chứng minh đã xảy ra vụ việc vi phạm không phận. Không thể bác bỏ các dữ liệu. Nếu chỉ có lời tuyên bố là vào một thời điểm nào đó, ở vị trí nào đó máy bay Nga đã dường như vượt qua biên giới, thì đấy chỉ là một tuyên bố.
Phía Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện những tuyên bố kiểu như vậy. Lần nào, chúng tôi cũng yêu cầu đối tác cung cấp dữ liệu giám sát khách quan. Nhưng chúng tôi không nhận được. Vì vậy, nói máy bay Nga vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ là những câu chuyện không nghiêm túc.
Lần gần đây nhất, ngày 29 tháng 1, phía Thổ Nhĩ Kỳ viện dẫn thông tin từ NATO, được cho là lần đầu tiên đã ghi lại sự vi phạm. Chúng tôi cũng đề nghị NATO trao số liệu giám sát khách quan, nhưng vẫn không thấy gì.
Như người ta khẳng định, đây là các dữ liệu bí mật. Nga bị công khai cáo buộc vi phạm biên giới, nhưng người ta nói các bằng chứng là bí mật. Chuyện này thật khó hiểu!
Theo Sputnik