Indorama Netherlands B.V – thành viên của nhà sản xuất hạt nhựa PET lớn nhất thế giới Indorama Ventures – vừa thông báo chào mua công khai cổ phiếu CTCP Công nghiệp – Dịch vụ - Thương mại Ngọc Nghĩa (Mã CK: NNG).
Theo đó, Indorama Netherlands B.V muốn chào mua 81,57 triệu cổ phiếu, nhằm thâu tóm toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành của NNG. Với mức giá chào mua 26.219 đồng/cp, thành viên của Indorama Ventures dự chi tối đa 2.138,7 tỉ đồng (tương đương 3,08 tỉ Baht) cho thương vụ này. Thời gian nhận đăng ký bán kéo dài từ 28/2 – 11/4/2022.
Điều kiện huỷ bỏ đợt chào mua công khai khi số lượng cổ phiếu đăng ký bán không đạt tỉ lệ tối thiểu 74,72 triệu cổ phiếu, tương đương 91,6% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của NNG. Đáng chú ý, số lượng cổ phiếu này tương đương với số lượng cổ phiếu mà 5 cổ đông lớn của NNG đang nắm giữ.
Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2021, NNG ghi nhận 5 cổ đông lớn, lần lượt là: Tempel Four Limited (29,32 triệu cổ phiếu; chiếm 35,95% VĐL), ông La Văn Hoàng (17,13 triệu cổ phiếu; chiếm 21,01% VĐL), bà Bùi Bích Hồng (10,55 triệu cổ phiếu; tương đương 12,94% VĐL), bà La Bùi Hồng Ngọc (10,32 triệu cổ phiếu; tương đương 12,66% VĐL), và ông La Bùi Hoàng Nghĩa (7,37 triệu cổ phiếu; tương đương 9,04% VĐL).
Cơ cấu cổ đông của NNG còn cô đặc hơn nữa. Ở phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 (AGM 2021) của NNG, tổ chức ngày 23/9/2021, có 22 cổ đông tham dự, đại diện cho 75,59 triệu cổ phiếu, chiếm tỉ lệ 92,669% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty.
Biên bản họp cho thấy, AGM 2021 của NNG đã thông qua 11 nội dung. Tuy nhiên, ở một chi tiết đáng chú ý, các nội dung liên quan đến báo cáo hoạt động kinh doanh năm 2020 và kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 của NNG chỉ được thông qua với tỉ lệ tán thành ở mức 61,04%.
Vì sao Indorama Ventures muốn thâu tóm nhựa Ngọc Nghĩa?
Được biết, NNG đang có bốn cơ sở sản xuất ở Việt Nam với tổng công suất sản xuất 5,5 tỉ đơn vị phôi, chai và bao bì nhựa PET. Công ty cũng là nhà cung cấp bao bì nhựa cho nhiều tên tuổi lớn như Unilever, Coca-Cola, Pepsi, Vinamilk. Năm ngoái, công ty này ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt ở mức 1.854,7 tỉ đồng và 103,3 tỉ đồng – tăng trưởng lần lượt 11,5% và 23,38% so với năm 2020.
Phía Indorama Ventures cho hay, NNG có đội ngũ quản lý giàu kinh nghiệm, có kiến thức sâu rộng trong ngành và có mối quan hệ lâu năm với các thương hiệu lớn trong ngành đồ uống.
Đây cũng là cơ sở để nhà sản xuất hạt nhựa PET có trụ sở tại Thái Lan tiến hành chào mua công khai NNG như là một phần trong chiến lược mở rộng vị thế của tập đoàn trong mảng bao bì và mở rộng hoạt động tại các thị trường có tiềm năng phát triển cao ở Châu Á (như Việt Nam) và Châu Phi.
Trong báo cáo thường niên năm 2020, Indorama Ventures cho biết đang dẫn đầu thị phần ở nhiều thị trường mới nổi. Đồng thời, tập đoàn này cũng cho biết sẽ tìm kiếm các cơ hội ở các thị trường đang phát triển như Việt Nam, Ethiopia và Maroc. Tập đoàn này cũng tỏ ra lạc quan với triển vọng thị trường, với kỳ vọng lượng tiêu thụ hạt nhựa PET trên toàn cầu sẽ tăng lên 31 triệu tấn vào năm 2023, đạt tốc độ CARG từ 4% đến 5% từ năm 2020 đến năm 2023.
“Mức sống ngày càng cao, đô thị hóa đang phát triển, cơ sở hạ tầng bán lẻ đang phát triển và sự thay thế của các loại bao bì truyền thống là chất xúc tác tăng trưởng chính cho nhựa PET”, báo cáo nêu.
Ngoài Indorama Ventures, ngành nhựa Việt Nam cũng chứng kiến sự bành trướng của một ‘tay chơi’ khác đến từ Thái Lan – Tập đoàn SCG. Thông qua các công ty con và các doanh nghiệp thành viên, SCG thâu tóm CTCP Nhựa Bình Minh (Mã CK: BMP), Công ty Bao bì Biên Hoà, Công ty sản xuất Nhựa Duy Tân - doanh nghiệp đứng đầu Việt Nam về bao bì nhựa cứng./.