Phiên tòa xét xử Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”), Nguyễn Văn Hiến (nguyên Đô đốc, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) và các đồng phạm liên quan đến 3 khu đất đường Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. HCM đang nhận được sự quan tâm lớn của truyền thông và dư luận.
Như VietTimes từng đề cập, các khu đất liên quan đến vụ án này đã được Công ty Hải Thành đem góp vốn liên doanh trái phép với đối tác tư nhân theo tỷ lệ 1:9, trong đó: ở khu đất số 7-9 là Công ty TNHH Sản xuất thương mại Dịch vụ Yên Khánh (Yên Khánh); khu đất số 9-11 là Công ty TNHH Mai Anh (Mai Anh); và khu đất số 2 là Công ty TNHH Cảnh Hưng (Cảnh Hưng).
Trong khi Yên Khánh và Mai Anh đã được dư luận đề cập nhiều lần, thì Công ty TNHH Cảnh Hưng (Cảnh Hưng) - nhà đầu tư sơ cấp của khu đất số 2 Tôn Đức Thắng (Tp. HCM) lại ít được truyền thông để ý.
Vậy lai lịch của Cảnh Hưng thế nào...
Cảnh Hưng của ai?
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, Cảnh Hưng được thành lập từ tháng 11/2005, đăng ký địa chỉ trụ sở chính ngay tại số 2 Tôn Đức Thắng (Tp. HCM). Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Phạm Duy Tân (SN 1954), quê quán Ninh Bình.
Ông Tân từng công tác tại Xí nghiệp vận tải 19/5 Ninh Bình (từ năm 1979 - 1985) và Công ty cơ khí Thủy sản 3 - Bộ Thủy sản (từ năm 1986 - 1993) trước khi đứng ra kinh doanh riêng. Năm 1994, ông Tân thành lập Công ty TNHH Thương mại Khánh Thiện.
Tên gọi Khánh Thiện có lẽ được lấy cảm hứng từ một vùng quê tại tỉnh Ninh Bình của ông Phạm Duy Tân: xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh. Yên Khánh, nên biết, cũng là quê hương của Út “trọc” Đinh Ngọc Hệ và cựu Trung tướng Công an Bùi Văn Thành.
Công ty TNHH Thương mại Khánh Thiện (Khánh Thiện) hiện đăng ký ngành nghề chính là bán buôn thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông.
Dù được thành lập đã nhiều năm, nhưng cập nhật tới tháng 12/2018, quy mô vốn điều lệ của Khánh Thiện mới chỉ ở mức 20 tỷ đồng. Trong đó, ông Phạm Duy Tân và người thân trong gia đình là bà Phạm Thị Tố Loan (SN 1984) mỗi người sở hữu 50% vốn điều lệ.
“Hệ sinh thái” của gia đình ông Phạm Duy Tân chưa dừng lại ở đó.
Theo tìm hiểu của VietTimes, vợ chồng ông Phạm Duy Tân - bà Nguyễn Thu Hồng (SN 1957), bà Phạm Thị Tố Loan, và các cá nhân khác có liên hệ như ông Phạm Trung Kiên, ông Hà Anh Tuấn đã phát triển các hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực như: khách sạn, dược phẩm, y tế, thương mại, logistics, dịch vụ hàng không, bất động sản,…
Đối với lĩnh vực logistics và dịch vụ hàng không, có thể kể tới: CTCP Đầu tư Công nghiệp Hàng không, CTCP Kho vận giao nhận Ngoại thương Mộc An Châu; CTCP ICD Tân Cảng - Long Bình; CTCP Thương mại và Dịch vụ Nội Bài Hà Nội, CTCP Đầu tư Công nghiệp Hàng không.
Ở lĩnh vực khách sạn, Công ty TNHH Dịch vụ Khánh Thiện hiện có các khách sạn Paris và Phú Đạt ở Quận 1, Tp.HCM.
Trong lĩnh vực dược phẩm, thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe với thương hiệu Paramed, có thể kể tới: Công ty TNHH Y tế Iparamed, Công ty TNHH Dược phẩm Cát Thịnh, Công ty TNHH Dịch vụ Kỹ thuật cao Khánh Thiện, CTCP Đầu tư Y tế Thiện Mỹ, CTCP Dịch vụ và Đầu tư Y tế Health Boutique.
Cú “lướt sóng” ở số 2 Tôn Đức Thắng
Cảnh Hưng được biết đến như nhà đầu tư sơ cấp tại khu đất vàng rộng 1.215 m2, tọa lạc ở số 2 Tôn Đức Thắng, Tp. HCM.
Theo cáo trạng, ngày 14/2/2006, Vũ Văn Khánh (khi đó là Giám đốc Công ty Hải Thành) và ông Phạm Duy Tân (Giám đốc Cảnh Hưng) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh xây dựng khu cao ốc văn phòng tại khu đất nêu trên. Trong đó, Hải Thành sẽ góp vốn bằng giá trị Quyền sử dụng đất (QSDĐ), Cảnh Hưng góp vốn bằng tiền mặt.
Ngày 15/7/2006, ông Nguyễn Văn Hiến (nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) đã ký Quyết định số 4050/QĐ-BTL-TC giao cho Hải Thành sử dụng khu đất số 2 Tôn Đức Thắng vào mục đích hợp tác liên doanh làm kinh tế với Cảnh Hưng.
Lưu ý là Cảnh Hưng mới chỉ được thành lập trước đó ít tháng. Và ở giác độ nào đó, có thể nói, nó được thành lập cho sứ mệnh hợp tác với Hải Thành.
Tới ngày 30/8/2006, Bùi Văn Nga (Giám đốc Hải Thành thay ông Khánh) và ông Phạm Duy Tân ký hợp đồng liên doanh thành lập Công ty TNHH liên doanh Cảnh Hưng Hải Thành (Cảnh Hưng Hải Thành) vốn điều lệ 15 triệu USD.
Trong đó, Hải Thành góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất 1,5 triệu USD (10%), Cảnh Hưng góp 13,5 triệu USD (90%). Bên cạnh đó, Hải Thành còn được Cảnh Hưng trả cho một khoản thu nhập ổn định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty liên doanh.
Cựu đô đốc Nguyễn Văn Hiến cho thuê 3 khu “đất vàng” với giá bao nhiêu? |
Rồi 1 năm sau, CTCP Đầu tư Châu Thổ lại nhượng lại toàn bộ vốn cho Công ty TNHH Đầu tư Thịnh Vượng Phương Nam, trong một thương vụ mang tính chất nội bộ, bởi 2 doanh nghiệp này mang đậm hình bóng của MIKGroup - DN có nhiều liên hệ với giới chủ VPBank.
Với dòng vốn từ VPBank, dự án nhanh chóng được triển khai, quy mô 27 tầng cao và 4 tầng hầm. Trước khi hoàn thành dự án lại thêm một lần đổi tên, thành: Waterfront Saigon.
Chi tiết này rất đáng lưu ý. Bởi trên bản cáo trạng, Viện Kiểm sát quân sự trung ương cho biết Cảnh Hưng đã bán cổ phần cho các đối tác là Công ty TNHH Waterfront Sài Gòn và ông Nguyễn Công Thành.
Theo tìm hiểu của VietTimes, Công ty TNHH Waterfront Sài Gòn mới được thành lập vào tháng 6/2017, với quy mô vốn điều lệ là 180 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: Đoàn Thị Ly (98,5%), Trang Thị Nguyệt (0,5%) và Nguyễn Tiến Đạt (1%).
Bà Đoàn Thị Ly (SN 1980) hiện đảm nhiệm cương vị Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Waterfront Sài Gòn.
Ngày 26/8/2019, ông Phạm Duy Tân đã bất ngờ ký quyết định giải thể Cảnh Hưng. Có thể bởi nó đã hoàn thành sứ mệnh và cũng có thể vụ án Út “trọc” đã đánh động pha “lướt sóng” xưa.../.