Như VietTimes đã đề cập, trong các ngày từ 18-20/5/2020, Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm.
Trong đó, ông Đinh Ngọc Hệ - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng), Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn (Bộ Quốc phòng) bị truy tối về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị cáo Nguyễn Văn Hiến - nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã nghỉ hưu - bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Sinh viên năm nhất làm Giám đốc Cty Yên Khánh
Theo cáo trạng, năm 2005, Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”) nhờ Vũ Thị Hoan (cháu gái) sinh viên năm thứ nhất hệ cao đẳng trường Đại học Công nghiệp Tp. HCM đứng tên giám đốc, là người đại diện theo pháp luật để thành lập Công ty Yên Khánh (Yên Khánh), với vốn điều lệ là 1,7 tỷ đồng, đăng ký tại nhà riêng của Út “trọc”.
Cơ cấu cổ đông của Yên Khánh bao gồm: Vũ Thị Hoan và Đỗ Văn Trưởng (bảo vệ Công ty Đức Bình). Tới năm 2007, Đinh Thị Hiên là thành viên góp vốn thay Đỗ Văn Trường. Thực chất, Hoan, Trường, Hiên không có vốn góp.
Vũ Thị Hoan làm Giám đốc nhưng không có thực quyền, mọi việc Hoan đều làm theo chỉ đạo, điều hành của ông Đinh Ngọc Hệ. Ngày 19/12/2012, theo chỉ đạo của Hệ, Hoan đã ký quyết định bổ nhiệm Phạm Văn Diệt làm Giám đốc điều hành của Yên Khánh.
Những năm đầu, công ty không có cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực, tài chính, kinh nghiệm kinh doanh. Hiện nay, pháp nhân này có tên là CTCP Tập đoàn Yên Khánh, vốn điều lệ 1.250 tỷ đồng, bao gồm: Vũ Thị Hoan (868,75 tỷ đồng), Đinh Thị Hiên (375 tỷ đồng) và Đinh Ngọc Liên (6,25 tỷ đồng). Cáo trạng cho biết, thực chất, những cá nhân này chỉ đứng tên trên danh nghĩa nhưng không có vốn góp.
Ngoài ra, Đinh Ngọc Hệ còn nhờ người nhà, người thân, bạn bè đứng tên trên danh nghĩa để thành lập một số công ty, trong đó có: CTCP Tập đoàn Đức Bình, CTCP Đầu tư Cái Mép, CTCP An Hiền, CTCP Thương mại nước giải khát Khánh An, CTCP Xăng dầu Thái Sơn B.Q.P, CTCP Đầu tư phát triển Thái Sơn Bộ Q.P.
“Các công ty trên có tư cách pháp nhân, trên danh nghĩa pháp luật là độc lập nhưng thực tế hoạt động hoàn toàn dưới sự chỉ đạo và điều hành của Đinh Ngọc Hệ” - cáo trạng nêu.
Lấy rẻ “đất vàng”
Cũng theo bản cáo trạng, năm 2006, ông Đinh Ngọc Hệ biết Quân chủng Hải Quân (QCHQ) có chủ trương chuyển mục đích sử dụng khu đất số 7 - 9 đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. HCM (khu đất số 7-9 Tôn Đức Thắng) sang làm kinh tế.
Thời điểm đó, công ty Yên Khánh mới được thành lập, vốn điều lệ chỉ là trên danh nghĩa đăng ký kinh doanh, không có thực, không có cơ cấu tổ chức, nhân sự, chưa thi công dự án nào.
Tuy nhiên, Đinh Ngọc Hệ đã chỉ đạo nhân viên thuộc quyền lập tờ trình số 10/CV-YK ngày 8/3/2006 để Vũ Thị Hoan ký, gửi QCHQ xin liên kết đầu tư xây dựng vào khai thác Tòa nhà cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại tại khu đất nêu trên.
Nội dung tờ trình, theo cơ quan điều tra, phản ánh không đúng sự thật về năng lực tài chính, chất lượng nguồn nhân lực và các dự án mà Yên Khánh đã, đang thực hiện liên doanh với đối tác.
Do không kiểm tra, thẩm định về năng lực của Yên Khánh, không biết thông tin doanh nghiệp này đưa ra là gian dối, ngày 15/5/2006, Vũ Văn Khánh (nguyên Giám đốc Cty Hải Thành, đã mất năm 2015) và Vũ Thị Hoan đã ký Hợp đồng nguyên tắc liên doanh liên kết thực hiện dự án tại khu đất số 7-9 Tôn Đức Thắng.
Cơ quan điều tra xác định, khu đất số 7-9 Tôn Đức Thắng chưa được chuyển đổi sang đất làm kinh tế nhưng các bị can Bùi Như Thiềm và Đoàn Mạnh Thảo đã tham mưu cho bị can Nguyễn Văn Hiến ký ủy quyền giao cho Bùi Văn Nga (Giám đốc Cty Hải Thành thay ông Vũ Văn Khánh) ký hợp đồng liên doanh làm kinh tế với Yên Khánh.
Tới ngày 4/9/2006, Bùi Văn Nga và Vũ Thị Hoan đã ký hợp đồng liên doanh số 7 với nội dung thành lập Công ty liên doanh TNHH Yên Khánh Hải Thành (Yên Khánh Hải Thành) để thực hiện dự án xây dựng và vận hành một cao ốc đa chức năng tại khu đất số 7-9 Tôn Đức Thắng, thời hạn 49 năm, vốn điều lệ của công ty liên doanh là 320 tỷ đồng.
Trong đó, Hải Thành góp 32 tỷ đồng bằng quyền sử dụng khu đất số 7-9 Tôn Đức Thắng, Yên Khánh góp 288 tỷ đồng bằng tiền mặt. Công ty Yên Khánh bảo đảm thanh toán cho Hải Thành một khoản thu nhập ổn định, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty liên doanh.
Cụ thể, khoản thanh toán trong 5 năm đầu là 3 USD/m2/tháng; 5 năm tiếp theo là 4 USD/m2/tháng; từ năm thứ 11 đến năm thứ 15 là 4,5 USD/m2/tháng; từ năm thứ 16 đến hết 49 năm định kỳ 5 năm một lần điều chỉnh giá, nhưng tỷ lệ tăng không quá 10% so với trước đó.
Cựu đô đốc Nguyễn Văn Hiến (Ảnh: Internet)
|
Ông Nguyễn Văn Hiến đã được cấp dưới trình ký một loạt các văn bản như: Quyết định số 9930/QĐ-BTL-TC về việc bàn giao mặt bằng Khoa Đa khoa, Cục Hậu cần tại khu đất số 7-9 Tôn Đức Thắng cho Hải Thành sử dụng vào mục đích liên doanh với đối tác; Công văn số 671/BTL-Kte gửi UBND Tp. HCM xin ý kiến quy hoạch khu đất số 7-9 Tôn Đức Thắng; Quyết định số 1636/QĐ-BTL-Kte về việc cho phép Hải Thành góp vốn với Yên Khánh để thành lập pháp nhân mới.
16.000 m2 đất vàng quận 4 mà Đô đốc Nguyễn Văn Hiến từng “nhắm” giao cho BĐS Bản Việt |
Được biết, sau khi nhận bàn giao khu đất từ Hải Thành vào ngày 24/12/2007, Yên Khánh đã cho Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Phan Thành thuê từ năm 2009 đến 2014, thu về số tiền hơn 30,8 tỷ đồng; cho ông Đào Văn Đạt thuê làm bãi giữ xe từ năm 2015 - 2019, thu được hơn 1,656 tỷ đồng. Công ty Yên Khánh Hải Thành đã chuyển về cho đơn vị của QCHQ số tiền hơn 16,57 tỷ đồng.
Tới ngày 3/2/2010, Sở Tài nguyên và Môi trường Tp. HCM (Sở TN&MT) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất (GCNQSDĐ) số 7-9 Tôn Đức Thắng mang tên công ty Hải Thành. Tuy nhiên, Phạm Văn Diệt đã chỉ đạo Trần Văn Lâm (nhân viên cty Yên Khánh) đến chi nhánh Hải Thành phía Nam nhận giấy giới thiệu và đi nộp 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ tại Kho bạc Nhà nước để nhận GCNQSDĐ. Sau đó, Phạm Văn Diện nộp hồ sơ cho Sở TN&MT để làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất từ Hải Thành sang Yên Khánh Hải Thành. Ngày 18/3/2010, Sở TN&MT đã cấp GCNQSDĐ cho công ty Yên Khánh Hải Thành.
Sau khi có GCNQSDĐ, Út “trọc” đã sử dụng để thế chấp tại một số ngân hàng để phục vụ chuyện làm ăn, trong khi dự án tại khu “đất vàng” 7-9 Tôn Đức Thắng vẫn trong tình trạng “đắp chiếu” nhiều năm.
Long đong số phận khu “đất vàng” số 7 - 9 Tôn Đức Thắng (Quận 1, TP. HCM) |
Bên cạnh khu đất số 7-9, các khu đất số 1-1A-2 và 9-11 đường Tôn Đức Thắng (Tp. HCM) cũng có nguồn gốc là đất quốc phòng, thuộc quyền quản lý của QCHQ. Ngày 13/3/2006, Thường vụ Đảng ủy QCHQ họp phiên mở rộng nghe ông Vũ Văn Khánh (Giám đốc Hải Thành) báo cáo phương án kinh doanh tại 3 khu đất trên.
Tới ngày 2/10/2006, Thường vụ Đảng ủy QCHQ đã đề nghị và được Thành ủy, UBND Tp. HCM chấp thuận chủ trương để lại toàn bộ tiền sử dụng đất cho BTL Hải quân để chi phí giải phóng mặt bằng (nếu có) và đầu tư xây dựng doanh trại hoặc cơ sở phúc lợi cho các đơn vị quân đội của Hải Quân.
Các bị can Nguyễn Văn Hiến, Bùi Như Thiềm, Bùi Văn Nga, Đoàn Mạnh Thảo đã ký nhiều văn bản báo cáo, đề nghị xin chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng, đưa 3 lô đất vào hợp tác kinh doanh.
Cáo trạng cho biết, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đã nhất trí về chủ trương nhưng yêu cầu QCHQ thực hiện đúng quy định của pháp luật, không ảnh hưởng đến nhiệm vụ quốc phòng. Đặc biệt, ngày 6/10/2009, Văn phòng BQP đã có Công văn số 5371/VP-NC thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng BQP với nội dung: “Thực hiện theo Thông tư 35/2009/TT-BQP ngày 20/7/2009 của BQP, đất vẫn do QCHQ quản lý. Không được góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất vì sẽ bị mất đất”.
Hành vi của ông Nguyễn Văn Hiến không vì mục đích vụ lợi Ông Nguyễn Văn Hiến bị cáo buộc đã không kiểm tra, tin tưởng vào cấp dưới nên đã ký, phê duyệt các văn bản để đưa 3 khu đất quốc phòng vào liên doanh làm kinh tế không đúng quy định của Bộ Quốc phòng, Chính phủ và Luật Đất đai năm 2003; không kiểm tra và chỉ đạo năng lực thực tế của Yên Khánh; không kiểm tra việc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng 3 khu đất; không kiểm tra việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Sau khi ủy quyền cho Giám đốc Hải Thành ký hợp đồng, ông Hiến đã không trực tiếp kiểm tra việc thực hiện của các cơ quan và Hải Thành, dẫn đến bị đối tác sử dụng GCNQSDĐ mang đi thế chấp, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển nhượng quyền sở hữu cho bên thứ ba. Hậu quả làm cho QCHQ mất quyền quản lý, sử dụng 3 khu đất (1-1A-2, 7-9 và 9-11 đường Tôn Đức Thắng, Tp. HCM) trong thời gian 49 năm, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước hơn 939,28 tỷ đồng. Nhà chức trách xác định hành vi của ông Hiến do chủ quan, tin tưởng vào sự tham mưu của một số cán bộ thuộc quyền, do cùng thời gian phải thực hiện nhiều chức trách, nhiệm vụ nên thiếu kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo trực tiếp. Quá trình điều tra không phát hiện động cơ, mục đích vụ lợi./. |