Đại chiến công nghệ bắt đầu: Liệu Google có bị cướp mất "cần câu cơm"?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong hơn 25 năm, các cỗ máy tìm kiếm luôn được xem như cánh cửa dẫn tới internet. Phần thưởng tương tự một lần nữa xuất hiện, và Google đang đứng trước nguy cơ để mất "bữa trưa" về tay các chatbot AI.
Ảnh minh họa: shutterstock
Ảnh minh họa: shutterstock

Alta Vista, website đầu tiên cho phép người dùng tìm kiếm văn bản đầy đủ của web, đã nhanh chóng bị lật đổ bởi Google - công ty thống trị lĩnh vực tìm kiếm trên mạng sau này.

Bộ máy tìm kiếm của Google, hiện vẫn đang là trái tim trong hoạt động kinh doanh của họ, đã giúp cho công ty mẹ của nó, Alphabet trở thành một trong những công ty có giá trị lớn nhất thế giới với doanh thu 283 tỉ USD trong năm 2022, cùng giá trị vốn hóa thị trường 1.300 tỉ USD.

Google bây giờ không chỉ đơn thuần là một cái tên phổ biến mà nhà nhà đều biết, nó còn trở thành một động từ.

Nhưng không có gì tồn tại mãi mãi, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Có thể lấy ra ví dụ về IBM, công ty từng có thời thống trị ngành máy tính; hay Nokia, từng có thời là ông hoàng trong ngành điện thoại di động. Cả hai công ty này đều bị lật đổ bởi những sự chuyển dịch lớn trong công nghệ.

Giờ đây, các công ty công nghệ lại đang thèm khát một sự sáng tạo mới có khả năng kiến tạo sự chuyển dịch tương tự - một cơ hội để lật đổ những kẻ thống trị. Các chatbot được vận hành bởi trí tuệ nhân tạo (AI) giúp cho người dùng thu thập thông tin thông qua các đoạn hội thoại được gõ bằng tay.

Kẻ đang ở thế thống trị trong lĩnh vực này hiện nay là ChatGPT, sản phẩm của một startup có tên OpenAI. Tính đến cuối tháng 1/2023, chỉ sau 2 tháng kể từ khi ra mắt, ChatGPT đã thu hút được hơn 100 triệu người sử dụng, giúp nó trở thành “ứng dụng có đà tăng trưởng người dùng nhanh nhất trong lịch sử,” theo như đánh giá của ngân hàng UBS.

AI không có gì mới lạ. Nó vốn đã được sử dụng trong nhiều sản phẩm, nhưng chỉ ở hậu trường, trong khi ChatGPT lại đặt AI vào tâm điểm của sàn diễn, bằng cách để cho người dùng trò chuyện một cách trực tiếp với AI.

ChatGPT có thể viết văn bản theo vô số phong cách khác nhau, giải thích được các khái niệm phức tạp, tổng kết một đoạn văn và trả lời nhiều câu hỏi hóc búa. Nó thậm chí vượt qua được những kỳ thi tuyển sinh trường luật hay y. Và nó có thể tổng hợp kiến thức từ website như lên danh sách các điểm du lịch phù hợp với các tiêu chí nhất định, đề xuất món ăn hay lộ trình.

Khi được hỏi, ChatGPT có thể giải thích lý do mà nó đưa ra câu trả lời như vậy và cung cấp chi tiết. Nói ngắn gọn, rất nhiều thứ mà người ta phải sử dụng các cỗ máy tìm kiếm để hỏi, thì giờ có thể hỏi chatbot.

Bởi vậy mà kể từ khi ChatGPT xuất hiện, các công ty đối thủ bắt đầu tung đòn hòng chiếm được cơ hội thống trị.

Vào ngày 7/2, Microsoft – đã đầu tư hơn 11 tỉ USD vào OpenAI, công bố một phiên bản mới của bing, công cụ tìm kiếm của họ. Satya Nadella, ông chủ của Microsoft, coi đây như một cơ hội để thách thức Google.

Về phần mình, Google đưa ra tuyên bố về Bard, chatbot của riêng họ, như một “người đồng hành” với bộ máy tìm kiếm của họ. Công ty này cũng chi 300 triệu USD mua cổ phần của Anthropic, một startup được thành lập bởi các cựu nhân viên của OpenAI, và xây dựng một chatbot có tên Claude.

Giá cổ phiếu của Baidu – được mệnh danh Google của Trung Quốc – cũng tăng mạnh sau khi tuyên bố sẽ cho ra mắt chatbot có tên Ernie trong tháng 3.

Nhưng liệu có nên tin tưởng các chatbot, và chúng có ý nghĩa như thế nào với hoạt động tìm kiếm và quảng cáo? Liệu nó có báo trước một khoảnh khắc Schumpeterian (quá trình đột biến công nghiệp liên tục cách mạng hóa cấu trúc kinh tế từ bên trong, không ngừng phá hủy cái cũ, tạo ra cái mới), trong đó AI sẽ lật đổ các công ty đương nhiệm và nâng tầm các công ty mới nổi? Câu trả lời phụ thuộc vào ba điều: lựa chọn đạo đức, tiền tệ hóa và kinh tế độc quyền.

ChatGPT thường xuyên mắc sai lầm. Nó thường được mô tả như một kẻ giảng đạo, tự tin thái quá vào những câu trả lời của mình và bất chấp tính chính xác.

Không giống như các bộ máy tìm kiếm, trong đó phần lớn định hướng người dùng tới những trang khác và không đưa ra tuyên bố nào về độ tin cậy, các chatbot thường đưa ra câu trả lời như thể đó là chân lý.

Các chatbot cũng có thể đưa ra những câu trả lời mang tính thiên vị, định kiến và sai lệch khi chúng quét thông tin trên internet. Chắc chắn sẽ có những sự tranh cãi, bởi chúng đưa ra những câu trả lời không chính xác hay mang tính công kích (Google được cho là đã hoãn công bố chatbot của họ do những vấn đề tương tự).

Các chatbot cũng thận trọng khi thảo luận về những đề tài hóc búa. Cụ thể, khi đề nghị ChatGPT đưa ra lời khuyên về y tế, nó sẽ mở đầu câu trả lời bằng một tuyên bố nói rằng nó “không thể chẩn đoán một số bệnh tình cụ thể”; nó cũng từ chối đưa ra lời khuyên về cách chế tạo một trái bom. Thế nhưng có thể dễ dàng “lách luật” khi hỏi theo kiểu khác, ví dụ hỏi nó về câu chuyện của một người chế tạo bom, và nó sẽ kể với nhiều chi tiết kỹ thuật được cung cấp.

Khi các công ty công nghệ quyết định xem đề tài nào là quá nhạy cảm, họ sẽ phải lựa chọn xem vạch lằn ranh ở đâu. Tất cả những điều này sẽ làm dấy lên nhiều câu hỏi về kiểm duyệt, tính khách quan và bản chất của sự thật.

Liệu các công ty công nghệ có thể kiếm tiền từ chatbot?

OpenAI đã khởi động phiên bản thương mại của ChatGPT, với giá 20 USD/tháng để truy cập nhanh, ngay cả trong lúc cao điểm.

Còn Google và Microsoft, hiện đã bán quảng cáo trên các bộ máy tìm kiếm của họ, chạy các đoạn quảng cáo bên cạnh các câu trả lời của chatbot – ví dụ đoạn quảng cáo liên quan tới du lịch sẽ xuất hiện cùng với câu trả lời về chủ đề du lịch.

Tuy nhiên, mô hình kinh doanh này có thể không bền vững. Vận hành một chatbot đòi hỏi sức mạnh xử lý nhiều hơn so với việc chỉ đưa ra kết quả tìm kiếm, bởi vậy mà chi phí cũng tăng, biên lợi nhuận giảm.

Vì vậy, các mô hình khác chắc chắn sẽ xuất hiện, như tính phí nhiều hơn cho các bên quảng cáo nhằm gây ảnh hưởng tới các câu trả lời mà chatbot đưa ra, hay để lại đường dẫn tới website của khách hàng quảng cáo trong các câu trả lời.

Hãy thử hỏi ChatGPT về xe hơi nên mua, và nó sẽ trả lời rằng có rất nhiều nhãn hiệu tốt, vậy nên lựa chọn ra sao thì tùy nhu cầu người dùng. Nhưng các chatbot trong tương lai có thể sẵn sàng đưa ra một nhãn hiệu cụ thể. Tuy nhiên, liệu người dùng có sẵn sàng sử dụng chúng trong khi hiểu rằng tính khách quan của nó đã bị ảnh hưởng bởi tiền của các bên quảng cáo?

Tiếp đến là câu hỏi về tính cạnh tranh. Có thông tin tốt là Google đang bị những công ty mới nổi như OpenAI kìm chân. Nhưng điều chưa rõ là liệu các chatbot có phải là bên cạnh tranh với các bộ máy tìm kiếm, hay chỉ mang tính chất phụ trợ?

Triển khai các chatbot dưới dạng tiện ích bổ sung (add-on) cho trang tìm kiếm, hay như đối tác hội thoại độc lập, cũng có thể là một hướng đi. Nhưng khi khả năng của chúng được cải thiện, các chatbot có thể trở thành một giao diện cho tất cả các dịch vụ, như đặt phòng khách sạn, đặt bàn nhà hàng, đặc biệt là khi nó có hỗ trợ giọng nói, như Alexa hay Siri. Nhưng nếu như giá trị chính của chatbot là một lớp trên cùng của các dịch vụ số khác, thì nó sẽ có lợi cho các công ty đang cung cấp những dịch vụ đó.

Thực tế rằng, những công ty mới nổi như Anthropic và OpenAI đang thu hút quá nhiều sự chú ý từ Google và Microsoft cho thấy các công ty nhỏ hơn cũng có cơ hội cạnh tranh trong lĩnh vực mới này. Họ sẽ chịu sức ép lớn về doanh thu.

Nhưng sẽ ra sao nếu một công ty chatbot mới nổi phát triển được một công nghệ cao cấp hơn và một mô hình kinh doanh mới hơn, và trở thành một “gã khổng lồ” trong ngành? Đó chính là điều mà Google từng làm được. Các chatbot làm dấy lên nhiều câu hỏi khó, nhưng chúng cũng tạo ra một cơ hội để biến thông tin trên mạng trở thành hữu ích hơn và dễ tiếp cận hơn.

Như trong những năm 1990, khi các bộ máy tìm kiếm lần đầu tiên xuất hiện, một phần thưởng giá trị khổng lồ - trở thành cánh cửa của internet – có thể một lần nữa chờ kẻ thắng cuộc giành lấy./.

Theo The Economist