Một DN nước ngoài trong lĩnh vực cơ khí ô tô đang hoạt động tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng). Ảnh: VGP/Minh Trang |
Chiều 23/2, TP. Đà Nẵng đã tổ chức tọa đàm với DN Nhật Bản trong lĩnh vực cơ khí chế tạo.
Với vị trí địa lý chiến lược là điểm đầu phía đông của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, Đà Nẵng có thế mạnh để phát triển các ngành công nghiệp như: Công nghiệp cơ khí chế tạo, sản xuất kim loại, lắp đặt máy móc và thiết bị… phục vụ xuất khẩu và thị trường trong nước.
Theo UBND TP. Đà Nẵng, trong những năm qua, ngành công nghiệp cơ khí chế tạo Đà Nẵng liên tục đạt mức tăng trưởng khá, với giá trị sản xuất hơn 2,25 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến tháng 12/2016, lĩnh vực cơ khí chế tạo dẫn đầu về số lượng dự án FDI tại Đà Nẵng với 125 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 11 tỷ USD.
Nhằm thu hút các DN cơ khí chế tạo công nghệ cao, Thành phố đã đầu tư xây dựng khu công nghệ cao với các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn. Ngoài ra, để đẩy mạnh khả năng sản xuất công nghiệp, Đà Nẵng cũng đã ban hành quyết định về các chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Sự đổi mới không ngừng của Đà Nẵng những năm gần đây đã tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển các ngành công nghiệp có giá trị và công nghệ cao, thu hút nhiều lao động và gia tăng năng lực cạnh tranh của Thành phố trong chuỗi phân công lao động toàn cầu.
Trao đổi với các nhà đầu tư Nhật Bản, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cam kết, Thành phố sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ các DN Nhật Bản khi đầu tư vào lĩnh vực cơ khí chế tạo. Với việc quy hoạch khu công nghệ cao, một trong ba khu công nghệ cao quốc gia của cả nước, Đà Nẵng thực hiện các chính sách với mức ưu đãi cao nhất của Chính phủ cho nhà đầu tư về thuế thu nhập DN, tiền thuê đất và các chính sách hỗ trợ đầu tư như cung ứng dịch vụ công một cửa và hỗ trợ DN thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao.
Đề cập đến vấn đề mà các nhà đầu tư Nhật Bản khá quan tâm, đó là nguồn nhân lực, ông Hồ Kỳ Minh cho biết, hiện nay Đà Nẵng có khoảng 20 trường đại học, cao đẳng và các trường này đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao rất tốt, đáp ứng nhu cầu tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước. Bên cạnh đó, Đà Nẵng đã có một số chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghệ. Cụ thể, Thành phố sẽ hỗ trợ trong việc đào tạo các kỹ sư, lao động đáp ứng có các chứng chỉ quốc tế và nâng cao kỹ năng ngoại ngữ tiếng Nhật, Anh.
Tại tọa đàm, lãnh đạo Đà Nẵng cũng kỳ vọng các nhà đầu tư Nhật Bản sau khi khảo sát, nghiên cứu thị trường Thành phố sẽ nhanh chóng đầu tư, thành lập công ty, tạo ra những DN vệ tinh ở trong nước, đào tạo nguồn nhân lực, sản xuất ngày càng nhiều các sản phẩm chất lượng cao tiêu chuẩn Nhật Bản và tạo ra ngày càng nhiều công ăn việc làm cho người lao động khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Nhật Bản hiện nay là nhà đầu tư nước ngoài dẫn đầu về số dự án FDI của Đà Nẵng với 115 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 397 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ thông tin và truyền thông, dịch vụ.
Các DN Nhật Bản đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của Thành phố, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 30.000 lao động địa phương và các tỉnh lân cận ở các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ.
Theo VGP