Đà Nẵng sử dụng dữ liệu số làm nền tảng hỗ trợ ra quyết định điều hành

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – “Đà Nẵng triển khai chuyển đổi số theo 3 trục “hạ tầng – dữ liệu - thông minh”, trong đó, dữ liệu đóng vai trò nền tảng để hỗ trợ ra quyết định”- ông Nguyễn Quang Thanh - Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng - thông tin.

Đà Nẵng đang nỗ lực chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh theo 3 trục “hạ tầng - kết nối - thông minh”
Đà Nẵng đang nỗ lực chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh theo 3 trục “hạ tầng - kết nối - thông minh”

Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi số. Trong thời gian qua, bên cạnh việc thực thi chuyển đổi số mạnh mẽ trên hầu hết các lĩnh vực, Đà Nẵng còn đi sâu đưa ứng dụng của chuyển đổi số vào công tác quản lý, điều hành.
Với mục đích tìm hiểu về định hướng chuyển đổi số, vấn đề dữ liệu số và khai thác ứng dụng từ chuyển đổi số tại Đà Nẵng, VietTimes đã có cuộc phỏng ông Nguyễn Quang Thanh - Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng - về vấn đề này.

Chuyển đổi số theo 3 trục

- Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của dữ liệu trong công cuộc chuyển đổi số, khi đây cũng là định hướng của Bộ TT&TT và Chính phủ khi chọn năm 2023 là “Năm dữ liệu số Quốc gia”?

Ông Nguyễn Quang Thanh: Việc ứng dụng các công nghệ là để tiếp cận phương thức làm việc từ truyền thống sang nền tảng kỹ thuật số, trong đó, dữ liệu có vai trò quyết định tạo ra giá trị mới.

Đối với TP thông minh, hoạt động chuyển đổi số dựa trên dữ liệu, tác động mạnh mẽ đến phương pháp quản trị và phát triển theo xu hướng kinh tế số, xã hội số, tăng cường chất lượng cuộc sống của người dân nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thúc đẩy năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

vt_hoi truyen thong so.png
Ông Nguyễn Quang Thanh - Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng

Cách tiếp cận của Đà Nẵng trong triển khai chuyển đổi số được thực hiện theo 3 trục là “hạ tầng - kết nối - thông minh”, trong đó, dữ liệu đóng vai trò là nền tảng (data centric) trong việc hỗ trợ ra quyết định (data driven).

Việc phát triển dữ liệu số của các địa phương hướng tới phát triển toàn diện các trụ cột của chuyển đổi số nhằm bảo đảm các dữ liệu được tạo lập, xây dựng và phát triển, được phân thành 3 lớp:

Thứ nhất là dữ liệu số trong phát triển chính quyền số. Đây là số lượng các chính sách được ban hành; thu thập, xây dựng và cung cấp dữ liệu số; thực hiện năng lực khai thác và phân tích dữ liệu, hỗ trợ ra quyết định của chính quyền nhằm cung cấp các dịch vụ thông minh hơn cho người dân, doanh nghiệp;

Thứ hai, dữ liệu số trong phát triển kinh tế số. Đó là doanh thu được tạo ra từ lĩnh vực công nghệ số, các doanh nghiệp hoạt động trên nền tảng số; tỉ trọng tạo ra giá trị mới nhờ tính đa dạng, tốc độ, càng chia sẻ càng phong phú, chính xác, thúc đẩy những mô hình kinh doanh mới cho các khởi nghiệp mới dựa trên sáng tạo và các dịch vụ giúp TP phát triển kinh tế tri thức với hạ tầng dữ liệu số tin cậy và ổn định;

Thứ ba, dữ liệu số trong phát triển xã hội số. Điều này khẳng định xu hướng của cộng đồng, giúp chính quyền dự báo có kịch bản để hành động, kết nối các cộng đồng, sẵn sàng để người dân, doanh nghiệp thực hiện chức năng phản biện, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước.

Cùng với định hướng của Bộ TT&TT chọn năm 2023 là "Năm dữ liệu số quốc gia", TP Đà Nẵng đã lựa chọn chủ đề chuyển đổi số năm 2023 là “Khơi thông nguồn dữ liệu để tạo ra giá trị mới”.

- Để lãnh đạo ra quyết định, rất cần sự hỗ trợ từ dữ liệu và vai trò của dữ liệu giữ vị trí quan trọng trong bối cảnh quản lý, điều hành hiện nay. Là đơn vị thực thi, ông có thể chia sẻ những vấn đề trong công tác triển khai thu thập, khai thác dữ liệu cũng như phân tích tại địa phương?

Ông Nguyễn Quang Thanh: Đến nay, TP đã hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) nền như: CSDL công dân (hơn 1,3 triệu dữ liệu, đạt 100% dân số); CSDL doanh nghiệp (gần 44.000 dữ liệu, đạt 100% doanh nghiệp); CSDL nhân hộ khẩu; CSDL cán bộ công chức viên chức (với hơn 33.600 dữ liệu, đạt 100%); CSDL thủ tục hành chính;... Các cơ sở dữ liệu nền này được kết nối, chia sẻ dùng chung qua nền tảng Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử TP.

TP đã bước đầu hình thành hệ thống CSDL GIS. Sở TN&MT đã triển khai đo đạc, số hóa dữ liệu của hơn 560.000 thửa đất, xây dựng CSDL đất đai (bao gồm: CSDL địa chính cho 7 quận, huyện; CSDL thống kê, kiểm kê đất đai cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh; CSDL quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, cấp tỉnh; CSDL giá đất). Trên bản đồ nền địa chính, Sở Xây dựng đã xây dựng CSDL không gian đô thị và quy hoạch, trong đó đã cập nhật 1 đồ án quy hoạch chung, 7 đồ án quy hoạch phân khu và hơn 6500 đồ án quy hoạch chi tiết toàn TP.

Các cơ quan, địa phương đã xây dựng 560 CSDL và ứng dụng chuyên ngành như: CSDL không gian quy hoạch đô thị, CSDL giáo dục nghề nghiệp, CSDL nguồn gốc thực phẩm, CSDL hộ tịch, CSDL lao động,... để phục vụ cung cấp dịch vụ công; triển khai 23 hệ thống CSDL và phần mềm quản lý nhà nước chuyên ngành của các sở, ngành và các quận, huyện nhằm mô phỏng toàn bộ hoạt động, quy trình nghiệp vụ quản lý nhà nước trong nội bộ của cơ quan, địa phương. Các hệ thống CSDL và phần mềm quản lý Nhà nước chuyên ngành có API chia sẻ dữ liệu về Kho dữ liệu dùng chung TP và các ứng dụng khác.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng đã thu thập dữ liệu thông qua các thiết bị IoT được xem là nguồn dữ liệu của TP. Trong đó, hơn 38.000 camera giám sát với 1.800 camera giám sát an ninh của Công an TP, 300 camera giám sát giao thông của Sở GTVT, 200 camera tại bộ phận một cửa các cấp, camera giám sát tàu, thuyền và các camera xã hội hóa.

vt_da nang 1.jpg
Giao diện ứng dụng Danang Smart City

Hệ thống mạng lưới M2M với hơn 483.000 thuê bao phục vụ cho các hệ thống đo đếm tự động trong lĩnh vực cấp điện, cấp nước, giám sát hành trình, dịch vụ ngân hàng (máy POS). VNPT Đà Nẵng cung cấp hệ thống liên lạc và giám sát hành trình vệ tinh cho 359 tàu cá.

Đà Nẵng cũng đã triển khai kết nối, đồng bộ dữ liệu với CSDL quốc gia quốc gia, Hệ thống thông tin và CSDL của bộ ngành như: CSDL quốc gia về dân cư, CSDL quốc gia về doanh nghiệp, hệ thống thông tin quản lý cấp phiếu lý lịch tư pháp đồng bộ về đơn đăng ký, tình hình và kết quả giải quyết 4 thủ tục lĩnh vực cấp phiếu lý lịch tư pháp); phần mềm quản lý hộ tịch dùng chung (đồng bộ về đơn đăng ký, tình hình và kết quả giải quyết 23 thủ tục lĩnh vực hộ tịch); phần mềm quản lý thông tin đất đai VILIS (đồng bộ thông tin về tình hình, kết quả giải quyết các thủ tục đất đai, thông báo thực hiện nghĩa vụ thuế từ cơ quan thuế),…

Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến gấp 1,5 lần trung bình toàn quốc

- Ông có thể kể ra ví dụ điển hình về việc dữ liệu giúp lãnh đạo ra quyết định, nâng cao hiệu quả trong quản lý điều hành ở địa phương?

Ông Nguyễn Quang Thanh: Các dữ liệu được thu thập, xây dựng và phân tích đã góp phần chuyển đổi hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản lý đô thị của các cơ quan TP như: Theo dõi công việc lãnh đạo TP giao; báo cáo điện tử và điều hành; giám sát cung cấp dịch vụ công; giám sát giao thông, phát hiện và xử phạt nguội vi phạm giao thông; giám sát bãi đỗ xe, đậu đỗ xe trái phép; quan trắc tự động chất lượng môi trường nước, không khí; giám sát hành trình xe cứu thương; sử dụng CSDL công chứng tại các văn phòng công chứng để ngăn chặn 1 tài sản thế chấp nhiều lần, nhiều nơi, đồng thời thu phí khai thác CSDL công chứng (Nghị quyết số 100/2022/NQ-HĐND ngày 15/12/2022) vừa đảm bảo kinh phí duy trì, vận hành hệ thống, vừa góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách;...

Năm 2020, TP đã xây dựng và đưa vào sử dụng thí điểm Kho dữ liệu dùng chung toàn TP để thu thập, làm sạch, chuẩn hóa các CSDL nền và một số CSDL chuyên ngành (có cấu trúc) phục vụ chia sẻ sử dụng chung và phân tích dữ liệu thông minh, ra quyết định chỉ đạo, điều hành.

TP cũng đã đưa vào hoạt động Cổng Dữ liệu mở phục vụ cung cấp dữ liệu mở của người dân, doanh nghiệp tra cứu, khai thác (qua API, web, SMS, Zalo). Hiện nay, TP Đà Nẵng đã cung cấp hơn 600 tập dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp tra cứu, khai thác, hình thành nên những sản phẩm mới, dịch vụ mới; các ứng dụng về Trí tuệ nhân tạo (AI) đã được áp dụng như: Trợ lý số (bao gồm chatbot/voicebot) tự động hướng dẫn thủ tục hành chính, dịch vụ công, thông tin kinh tế xã hội,...; triển khai nền tảng di động Da Nang Smart city cung cấp hơn 30 dịch vụ thông minh và các tiện ích tra cứu, thông tin, thông báo kịp thời đến người dân, cộng đồng (tra cứu hồ sơ một cửa, điểm thi, vi phạm giao thông, giá đất, theo dõi lượng mưa,...).

Với việc triển khai nền tảng công dân số, mỗi người dân có 1 tài khoản số và 1 kho dữ liệu số, đăng nhập 1 lần và kế thừa lại dữ liệu số trong các lần sử dụng dịch vụ tiếp theo. Đến nay, TP đã có khoảng 260.000 tài khoản công dân số (hơn 43% dân số trưởng thành); góp phần đưa tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt hơn 78% (gấp 1,5 lần trung bình toàn quốc).

- Vấn đề mà rất nhiều địa phương gặp phải là dữ liệu thường được thu thập từ nhiều nguồn, nhiều đặc tính. Vậy địa phương đã làm gì để chắt lọc thông tin, đảm bảo thông tin sạch, sống, phục vụ cho công tác ra quyết định chính xác, hiệu quả, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Thanh: TP thông minh, chuyển đối số hoạt động dựa trên dữ liệu, dữ liệu được thu thập, phân loại, lưu trữ bởi các chủ thể là cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng, trong đó dữ liệu của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp được tổ chức có cấu trúc, phổ biến nhất ở dạng cơ sở dữ liệu quan hệ và phần lớn được lưu trữ trong các lược đồ được xác định; đối với dữ liệu cộng đồng thường tồn tại theo đa cấu trúc, bán cấu trúc, phi cấu trúc và đa dạng như dưới dạng văn bản, video, âm thanh, hình ảnh,… việc trích chọn, lưu trữ, xử lý theo mô hình dữ liệu lớn (BigData) có đặc điểm tốc độ tăng nhanh (Velocity), đa dạng về cấu trúc (Variety), khối lượng lớn (Volume).

Để dữ liệu được tin cậy và có ích, Đà Nẵng đã bảo đảm tính liên thông, kết nối giữa các vùng, các sở ngành quận huyện và chia sẻ dữ liệu của các bộ, ngành Trung ương; sự đồng bộ từ lãnh đạo đến chuyên viên để Hệ thống thống nhất về dữ liệu, không tắc về quy trình. Đặc biệt đảm bảo tính xuyên suốt trong tiến trình "thu thập > lưu trữ > xử lý > ra quyết định".

Bên cạnh đó, đảm bảo tính nhất quán về chính sách quản lý, chuẩn hoá và đồng bộ về mặt công nghệ, dữ liệu trên tất cả các lĩnh vực tạo nên sự thống nhất trong việc trao đổi dữ liệu, đẩy nhanh quá trình xây dựng dữ liệu để phát triển TP thông minh.

Ngoài ra, hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, cán bộ công chức viên chức trong việc sử dụng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu để giải quyết công việc để làm giàu cho dữ liệu, tạo ra giá trị mới phải được nâng lên thành nhu cầu tự thân của từng đơn vị, không chỉ dừng lại ở mức 1 chiều, chỉ biết dùng mà không có trách nhiệm tạo ra.

Năm 2023 là năm quản trị và phát triển hạ tầng dữ liệu

- Theo báo cáo mới đây của ĐH Havard, hiện doanh nghiệp chỉ sử dụng được 50% dữ liệu có cấu trúc và 1% dữ liệu phi cấu trúc. Tỷ lệ này ở chính quyền ra sao thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Thanh: Lõi của các hoạt động chuyển đối số là dữ liệu. Dữ liệu được thu thập, phân loại, lưu trữ bởi các chủ thể là cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng, trong đó các dữ liệu có cấu trúc dạng cơ sở dữ liệu quan hệ là hữu hạn, còn lại là các dữ liệu bán cấu trúc, phi cấu trúc, đa dạng như dưới dạng văn bản, video, âm thanh, hình ảnh,… là vô hạn. Vì vậy, để xử lý cái vô hạn đó nhằm trích chọn, lưu trữ, xử lý theo mô hình dữ liệu lớn cần có các công cụ phù hợp. Việc lựa chọn mô hình dữ liệu nào để có được dữ liệu tin cậy và có ích Đà Nẵng đang xây dựng kế hoạch phát triển dữ liệu.

vt_ngam linh vat quy mao o da nang 11.jpg
Đà Nẵng vận hành hệ thống giao thông bằng dữ liệu camera thông minh

Trong kế hoạch chuyển đổi số, TP đã xác định nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch trong năm 2023 là quản trị và phát triển hạ tầng dữ liệu; giao các sở, ngành đặc tả, xây dựng Danh mục cơ sở dữ liệu của từng lĩnh vực chuyên ngành (giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường, giáo dục, y tế, du lịch,...); rà soát, kiểm kê, đánh giá và hoàn thiện chất lượng dữ liệu trong các cơ sở dữ liệu; đưa vào chia sẻ, khai thác để tạo ra giá trị mới.

- Kho dữ liệu dùng chung là một trong những bước tiến đột phá của Đà Nẵng và giúp Đà Nẵng đoạt liên tiếp nhiều giải thưởng chuyển đổi số. Vậy trong thời gian qua, Đà Nẵng đã khai thác, sử dụng và phát triển Kho dữ liệu dùng chung như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Thanh: Từ những kết quả ban đầu đạt được trong triển khai ứng dụng Kho dữ liệu dùng chung, đã được Ban tổ chức Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam ghi nhận và trao giải cho hạng mục Cơ quan Chuyển đổi số xuất sắc năm 2020, thời gian qua, ứng dụng Kho dữ liệu dùng chung tiếp tục được kết nối, cập nhật dữ liệu từ nhiều nguồn CSDL khác nhau ở địa phương như: CSDL công dân; nhân khẩu, hộ khẩu; doanh nghiệp; bảo hiểm xã hội; cấp phép xây dựng; cấp phép lái xe; du lịch; đất đai; môi trường…

Hiện tại, Kho dữ liệu đã xây dựng được 95 chuẩn và 402 quy tắc, có 215 bảng dữ liệu với tổng 1.812 trường, trong đó có 11.045.231 dữ liệu đạt chất lượng và 2.035.822 dữ liệu không đạt chất lượng. Các dữ liệu đạt chất lượng khi đưa về Kho dữ liệu sẵn sàng chia sẻ cho các hệ thống thông tin khác khai thác sử dụng thông qua trục tích hợp, liên thông, chia sẻ dữ liệu của TP và dùng làm đầu vào để phân tích các bài toán liên quan đến dữ liệu.

Trong quá trình triển khai, vận hành, khai thác Kho dữ liệu dùng chung, TP cũng gặp một số khó khăn như: Các cơ quan Trung ương như Bộ Công an, Tổng cục thuế, Tổng cục thống kê... chưa thực hiện chia sẻ dữ liệu cho địa phương do vướng các quy định pháp luật chuyên ngành trái với quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP; Các Bộ, ngành Trung ương chưa ban hành các chuẩn dữ liệu để phục vụ kết nối, chia sẻ; Các CSDL chuyên ngành của TP triển khai, hình thành trong quá trình hoạt động chưa được thu thập đầy đủ, không chất lượng, chuẩn hóa. Do đó tính khả dụng của dữ liệu thấp, cần có thời gian tiếp tục rà soát, hoàn thiện.

Hiện nay, hệ thống Kho dữ liệu dùng chung đang được TP tiếp tục đầu tư để nâng cấp, mở rộng. Cụ thể, Kho dữ liệu sẽ được tích hợp thêm nhiều nguồn CSDL chuyên ngành có cấu trúc đã và đang được TP xây dựng, phát triển; đồng thời, mở rộng hệ thống để xử lý các dữ liệu bán/phi cấu trúc; xây dựng hệ thống ứng dụng cho phép thực hiện các báo cáo nghiệp vụ thông minh, trình diễn dữ liệu trực quan.

Mục tiêu của dự án là hoàn thiện Kho dữ liệu tập trung của TP Đà Nẵng phục vụ việc phân tích thông minh, chia sẻ dữ liệu, cung cấp thông tin, khai phá tri thức, hỗ trợ việc ra quyết định, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố; cung cấp toàn bộ dữ liệu cho Trung tâm giám sát, điều hành và xử lý tập trung, đa nhiệm của TP (Trung tâm IOC); bảo đảm triển khai và hoàn thành các mục tiêu của Đề án xây dựng TP thông minh trên địa bàn TP Đà Nẵng.

- Một vấn đề nữa của dữ liệu là tính bảo mật thông tin. Xin ông vui lòng cho biết việc phân quyền của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với hệ thống dữ liệu TP như thế nào?

Ông Nguyễn Quang Thanh: Hệ thống dữ liệu của TP được trang bị các thiết bị bảo mật, an toàn thông tin chuyên dụng (tường lửa, phòng chống xâm nhập trái phép); sử dụng các giao thức bảo mật trong truy cập dữ liệu, mã hóa dữ liệu khi lưu trữ vào Kho dữ liệu; xác thực, phân quyền theo đúng vai trò, quyền hạn truy cập dữ liệu của từng cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức; thiết lập các công cụ giám sát dữ liệu để theo dõi các hoạt động của người dùng và phát hiện các hành vi đáng ngờ, giám sát và quản lý các lịch sử truy cập, cập nhật, thay đổi dữ liệu và các hoạt động khác liên quan đến dữ liệu; thực hiện sao lưu dự phòng dữ liệu để đảm bảo rằng dữ liệu luôn được bảo vệ và có thể phục hồi khi cần thiết.

- Cảm ơn ông đã chia sẻ!