Đà Nẵng gỡ bỏ quảng cáo bia Larue chưa phù hợp ở phố đi bộ Bạch Đằng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết địa phương đã tiếp thu ý kiến và chỉ đạo UBND Hải Châu điều chỉnh quảng cáo chưa phù hợp liên quan bia Larue trên phố đi bộ Bạch Đằng.

Biểu tượng Đà Nẵng ở phố đi bộ sau khi dỡ bỏ quảng cáo của hãng bia Larue.
Biểu tượng Đà Nẵng ở phố đi bộ sau khi dỡ bỏ quảng cáo của hãng bia Larue.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, việc tháo dỡ hình ảnh chai bia trên bảng chữ DANANG đặt tại phố đi bộ Bạch Đằng đã hoàn thành chiều 6/6. Công tác chuẩn bị cho khai trương phố đi bộ vào chiều nay (7/6) đã hoàn thành.

Theo ghi nhận của VietTimes, một số nội dung quảng cáo cũng của hãng bia Larue vẫn được duy trì ở một số mô hình trang trí khác.

Theo lãnh đạo TP Đà Nẵng, phố đi bộ đang triển khai thí điểm, nên địa phương sẽ cầu thị, ghi nhận các nội dung phản ánh của người dân và báo giới để ngày càng hoàn thiện sản phẩm, nhằm phục vụ người dân và du khách

Trước đó như VietTimes đã đưa tin, việc nhà tài trợ đặt các quảng cáo chai bia lên dòng chữ DANANG trên phố đi bộ Bạch Đằng gây phản cảm trong du khách và người dân.

Ngay khi tiếp nhận thông tin, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo UBND quận Hải Châu nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp.

Ông Trương Thanh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hải Châu, cho biết: "Cảm ơn quý báo đài và bạn đọc đã phản ánh thông tin. Chúng tôi hết sức cầu thị, nếu chưa phù hợp chúng tôi sẽ điều chỉnh nhưng vẫn phải đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, mong mọi người hãy ủng hộ để có một sản phẩm phục vụ nhân dân một cách trong sáng và tốt nhất. Mong nhận được sự góp ý chân thành trên tinh thần xây dựng".

Phố đi bộ Bạch Đằng được đầu tư khoảng 13 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và một phần kinh phí xã hội hoá từ doanh nghiệp. Không gian của phố đi bộ bắt đầu từ khu vực cầu Rồng - Công viên Apec đến cầu Trần Thị Lý với chiều dài 1,2 km nối với cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi, tạo nên không gian liên hoàn tại đây. Phố đi bộ có thời gian hoạt động từ 15h đến 24h các ngày trong tuần.

Phố đi bộ Bạch Đằng được thiết kế gồm 3 cụm ki-ốt bán hàng di động với 12 ki-ốt trên toàn tuyến vỉa hè phía Đông đường Bạch Đằng. Các ki-ốt sẽ sử dụng container loại 20 feet (dài 6m, rộng 2,5m) và do hộ kinh doanh tự đầu tư, trang trí. Đồng thời sẽ có 5 cụm xe bán hàng lưu động với 15 xe trên làn xe phía đông đường Bạch Đằng, vị trí xe xen kẽ với các ki- ốt.

vt_di bo 2.png
Hình ảnh chai bia trên dòng chữ Đà Nẵng như VietTimes phản ánh

Bên cạnh đó, phố đi bộ sẽ có 5 điểm check-in với các mô hình độc đáo; không gian sinh hoạt cộng đồng, có ghế đá ngồi trên vỉa hè; cùng các công trình phụ trợ như: khu vệ sinh công cộng, thùng rác cảnh quan và thùng đựng rác tái chế…

Sau khi được đưa vào hoạt động, tại phố đi bộ Bạch Đằng sẽ diễn ra các chương trình biểu diễn âm nhạc, nghệ thuật; các lễ hội, sự kiện, hoạt động nghệ thuật đường phố... Đặc biệt, tuyến đi bộ sẽ khớp nối với tuyến đi bộ qua cầu Nguyễn Văn Trỗi và đường Trần Hưng Đạo, cũng như qua cầu Rồng trở thành điểm nhất du lịch cho người dân và du khách.

Để vận hành phố đi bộ Bạch Đằng, Đà Nẵng sẽ sử dụng 1 làn xe phía đông đường Bạch Đằng vào các ngày trong tuần, 3 làn còn lại là 1 chiều, đặt biển báo giới hạn 40km/h theo giờ và hạn chế xe cơ giới theo giờ. Đối với các ngày thứ 6, thứ 7 và Chủ nhật sẽ cấm xe toàn bộ tuyến đường Bạch Đằng, đoạn từ đường Bình Minh 10 đến Công viên APEC.

vt_pho di bo 1.png
Một mô hình trang trí ở phố đi bộ Bạch Đằng