Đến 2030, trở thành 1 trong 3 ba trung tâm thiết kế chíp của cả nước
Ngày 1/6, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo về Đề án “Phát triển bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo TP Đà Nẵng” nhằm lấy ý kiến chuyên gia về định hướng phát triển chíp bán dẫn và vi mạch tại địa phương.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng cần đề xuất thí điểm các cơ chế, chính sách đột phá trên cơ sở kết hợp đồng thời việc khai thác nguồn nhân lực tại chỗ nhằm thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học của các địa phương khác và từ các nước phát triển chuyển giao tri thức. Việc thu hút nguồn nhân lực sẽ giúp Đà Nẵng nhanh chóng nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng, chuyển giao công nghệ để có thể đi thẳng, đi nhanh vào các khâu, các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị của các ngành điện tử, vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Cũng theo ông Thanh, song song với việc phát triển nguồn nhân lực, Đà Nẵng cần có các chính sách để thu hút đầu tư, tăng cường hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ có thế mạnh, từng bước xây dựng hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn trong bối cảnh Đà Nẵng định hướng lộ trình thiết kế, kiểm thử và phát triển trí tuệ nhân tạo.
“Mục tiêu của đề án nhằm đưa Đà Nẵng trở thành một trung tâm về thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo của Việt Nam. Trọng tâm là cung cấp được nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo chuyên nghiệp, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp dựa trên hệ thống đào tạo nhân lực có chất lượng tại Đà Nẵng”, ông Thanh nói.
Để đạt được mục tiêu này, ông Thanh cho biết, Đà Nẵng sẽ hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng, có chính sách ưu đãi vượt trội để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, hình thành mạng lưới chuyên gia trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo quốc tế đến đầu tư, kinh doanh. Qua đó, Đà Nẵng từng bước hình thành hệ sinh thái bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo đồng bộ.
Theo dự thảo Đề án “Phát triển bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo TP Đà Nẵng”, đến năm 2030, Đà Nẵng đào tạo (gắn với chính sách thu hút) ít nhất 5.000 nhân lực cho ngành bán dẫn, vi mạch, bao gồm 4.200 kỹ sư, 750 thạc sĩ và 50 tiến sĩ; hình thành mạng lưới trường đại học, cơ sở đào tạo lĩnh vực bán dẫn, vi mạch, trí tuệ nhân tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực này theo tiêu chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành một trong ba trung tâm lớn của cả nước về thiết kế chip, nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo, từng bước phát triển dịch vụ đóng gói, kiểm thử; quy mô số lượng doanh nghiệp thiết kế tại Đà Nẵng được tăng lên ít nhất 20 doanh nghiệp. Đồng thời phấn đấu thu hút ít nhất một doanh nghiệp đóng gói, kiểm thử.
Trong thời gian qua, Đà Nẵng cũng hình thành hệ thống ươm tạo, tăng tốc các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo. Trong giai đoạn 2025 – 2030 phấn đấu có ít nhất năm doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo được ươm tạo và tăng tốc phát triển.
Cần tập trung nguồn lực đầu tư
T.S Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN cho rằng, Đà Nẵng là 1 trong 3 TP dẫn đầu của Việt Nam về phát triển lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Vì vậy, bên cạnh việc xây dựng cơ chế, chính sách, Đà Nẵng cần khẳng định quyết tâm của lãnh đạo.
“Đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của Đề án. Quyết tâm ấy thể hiện thông qua việc dành nguồn lực đầu tư lớn để đào tạo nguồn nhân lực trong các khâu thiết kế, đóng gói…”, T.S Nguyễn Quân nói.
Cũng theo T.S Nguyễn Quân, lãnh đạo Đà Nẵng cần cam kết mức đầu tư như thế nào đối với đề án này; tham khảo ý kiến các chuyên gia xem rằng nhu cầu tối thiểu để đầu tư là bao nhiêu, cần có con số cụ thể. Bên cạnh đầu tư thông qua ngân sách Nhà nước và cơ chế đặc thù, Đà Nẵng cần huy động nguồn đầu tư khác, đặc biệt nguồn lực từ doanh nghiệp. Thành phố cần có quỹ phát triển khoa học nói chung để thu hút tất cả nguồn lực, kể cả nguồn lực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI...
“Sản xuất vi mạch, AI là lĩnh vực rất lớn, rất rộng. Tuy nhiên đối với Đà Nẵng thì không nên dàn trải, cần lựa chọn phân khúc, công đoạn cụ thể trong lĩnh vực này để tập trung thực hiện”, T.S Nguyễn Quân nhấn mạnh.
Còn ông Đoàn Quang Hoan, nguyên Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) thì cho rằng, Đà Nẵng cần tập trung vào lựa chọn phân khúc cụ thể, một số khâu quan trọng để thực hiện Đề án.
“Đà Nẵng cần cân nhắc ghép trí tuệ nhân tạo (AI) vào tên đề án. Bởi vì chip bán dẫn là ngành công nghiệp phần cứng, mang tính cụ thể, còn AI là tổ hợp của các thuật toán, toán học, phần mềm máy tính... điều này rất trừu tượng và rất rộng. Mặc dù có tương đồng về nguồn nhân lực, nhưng 2 lĩnh vực này có định hướng phát triển khác nhau, chính vì vậy cần đầu tư tập trung”, ông Đoàn Quang Hoan chia sẻ.
Kết luận hội thảo, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ghi nhận những ý kiến đóng góp đa chiều, giúp Đà Nẵng có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về mô hình phù hợp để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo tại TP Đà Nẵng.
“Đây là nguồn tư liệu quan trọng cho công tác hoàn thiện và triển khai Đề án, các chính sách đặc thù trong thời gian tới”, ông Hồ Kỳ Minh nói.
Trong khuôn khổ hội thảo, Sở TT&TT Đà Nẵng cùng Viện CNTT - Đại học Quốc gia Hà Nội đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác chuyên môn, nghiên cứu phát triển vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo tại TP Đà Nẵng.
Theo Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) Lê Hoàng Phúc, hiện Đà Nẵng có 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch; trong đó có 7 chi nhánh doanh nghiệp FDI gồm: Synopsys, Marvel, Uniquify, Savarti, Renesas, Synapse (nay là Quest Global), Sannei Hytechs; và 3 doanh nghiệp thiết kế vi mạch, bán dẫn Việt Nam là Fpt Semiconductor, Viettel Hi-Tech và Acronic (là doanh nghiệp nội địa của Đà Nẵng).
Về nguồn nhân lực kỹ sư thiết kế vi mạch ước tính có khoảng 550 kỹ sư (chiếm 7% tổng nhân lực thiết kế vi mạch toàn quốc). Phần lớn các sinh viên được đào tạo từ các trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) chiếm 80%, số còn lại từ Đại học Duy Tân, Đại học CNTT-TT Việt Hàn.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng hình thành mạng lưới trường đại học, cơ sở đào tạo ngành lĩnh vực bán dẫn, vi mạch, trí tuệ nhân tạo đạt chuẩn quốc tế; đào tạo mới và kết hợp chuyển đổi ít nhất 10% nhân lực ngành CNTT Đà Nẵng; có 20 doanh nghiệp thiết kế, dịch vụ thiết kế, 1 doanh nghiệp đóng gói kiểm thử, ít nhất 5 doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo được ươm tạo và phát triển; có 5.000 kỹ sư, trong đó 1.500 kỹ sư thiết kế và 3.500 kỹ sư kiểm thử, đóng gói.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu