Với kết quả bầu chọn này, Đà Nẵng sẽ cùng 21 thành phố khác trên thế giới tham gia vòng bình chọn cuối cùng của cuộc thi Thành phố Xanh Quốc tế để chọn ra một thành phố xuất sắc đạt giải Thành phố Xanh Toàn cầu.
Tham gia cuộc thi, Đà Nẵng đã gây ấn tượng với Ban giám khảo bởi các giải pháp tiếp cận toàn diện và tham vọng về thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu nhằm góp phần thực hiện mục tiêu mà Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015 đặt ra. Cam kết giảm 25% lượng phát thải các-bon vào năm 2030, so với mức phát thải 2016 là những mục tiêu Đà Nẵng đưa ra khi tham gia cuộc thi.
Và để thực hiện điều này, Đà Nẵng đã triển khai nhiều sáng kiến tập trung vào năng lượng sạch như lắp đặt các hệ thống pin năng lượng mặt trời, sử dụng xăng sinh học, đặc biệt một nhà máy chế biến rác thải đô thị thành năng lượng đang được khởi xướng xây dựng; hay phát triển giao thông xanh như dự án xe buýt nhanh, đi xe chung; và phát triển hệ thống xử lý nước thải trên toàn thành phố.
Chương trình Thành phố Xanh Quốc tế là một sáng kiến của WWF (World Wide Fun for Nature – Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới) nhằm kêu gọi các thành phố trên khắp thế giới hãy hành động và hướng tới một hành tinh tương lai thân thiện với môi trường đồng thời xây dựng và thực hiện các kế hoạch đầy tham vọng để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đối với cuộc thi năm nay, có 132 thành phố đến từ 23 quốc gia trên thế giới tham dự. Và Việt Nam có 3 địa phương tham gia là Đà Nẵng, Đông Hà và Hội An, cả 3 cũng đã vượt qua vòng loại cùng 37 thành phố khác trên toàn cầu.
Để tham gia cuộc thi, các thành phố dự thi phải có một bản Báo cáo Khí hậu và các-bon cùng với các cam kết và hành động phát triển bền vững về các lĩnh vực môi trường, giao thông, xây dựng/nhà ở, năng lượng, lương thực và nguồn nước... Căn cứ vào đó, ban giám khảo sẽ chọn ra các “Thành phố Xanh Quốc gia” đại diện cho nước mình (mỗi nước một thành phố) để vào vòng chung kết. Quán quân cuộc thi sẽ được vinh danh là “Thành phố Xanh Toàn cầu”.