Cựu ngoại trưởng Mỹ Kissinger đề nghị Ukraine cắt đất đổi hòa bình, Kiev phản đối và bác bỏ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cho rằng Ukraine nên chấp nhận từ bỏ một phần lãnh thổ của mình để đạt được một hiệp định hòa bình với Nga, chấm dứt ngay lập tức cuộc chiến tranh kéo dài đã ba tháng. Phía Ukraine mạnh mẽ phản đối và bác bỏ.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đề nghị Ukraine "đổi lãnh thổ lấy hòa bình" (Ảnh: Reuters).
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đề nghị Ukraine "đổi lãnh thổ lấy hòa bình" (Ảnh: Reuters).

Theo tin của Newsweek ngày 24/5, ông Kissinger, năm nay 98 tuổi, cựu Ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Richard Nixon đầu thập niên 1970, đã nói tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ hôm thứ Hai (23/5) rằng, Ukraine không tái khởi động các cuộc đàm phán, tiếp tục đối đầu với Nga, sẽ gây ra hậu quả mang tính tai họa đối với sự ổn định của châu Âu.

Ông chỉ ra rằng, trong hai tháng tới cần thiết phải triển khai các cuộc tham vấn để tránh tạo ra cục diện bất ổn và căng thẳng không thể vượt qua. "Lý tưởng nhất là đường phân giới nên trở lại như trước chiến tranh. Theo đuổi cuộc chiến vượt quá thời điểm đó sẽ không liên quan gì đến tự do của Ukraine, mà là tiến hành một cuộc chiến tranh mới chống lại Nga."

Ngoài việc cảnh báo Nga và Ukraine không nên kéo dài chiến tranh, ông Kissinger cũng thúc giục hai bên đàm phán. Ông nói: “Trong suốt 400 năm qua, Nga đều là một phần không thể tách rời của châu Âu, phát huy vai trò như một lực lượng cân bằng vào những thời điểm then chốt”. Ông cũng nhấn mạnh rằng các nước phương Tây cần ghi nhớ tầm quan trọng của Nga ở châu Âu và không nên hành động nóng vội, đừng để bị cuốn theo “cảm xúc nhất thời”.

Xung đột Nga-Ukraine kéo dài đã ba tháng khiến cả hai bên bị thiệt hại nghiêm trọng .

Xung đột Nga-Ukraine kéo dài đã ba tháng khiến cả hai bên bị thiệt hại nghiêm trọng .

Như Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko nói hôm thứ Hai (23/5), Moscow đã nói rõ họ để ngỏ khả năng mở lại các cuộc đàm phán hòa bình nếu Ukraine thực hiện bước đầu tiên. Ông Rudenko cho biết Moscow sẽ sẵn sàng quay trở lại bàn đàm phán một khi Ukraine thể hiện lập trường mang tính xây dựng, ít nhất là có phản hồi đối với các đề xuất được Nga đưa ra, Nga sẽ chuẩn bị quay trở lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, ông không nói rõ yêu cầu về “lập trường xây dựng” đối với Ukraine rốt cuộc là gì.

Tuy nhiên, Ukraine dường như ngày càng không muốn thỏa hiệp về việc nhượng một số lãnh thổ cho Moscow để đạt được thỏa thuận hòa bình. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với Diễn đàn Kinh tế Thế giới thông qua hình thức truyền hình rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin không quan tâm đến các cuộc đàm phán hoặc bất cứ điều gì được thảo tại diễn đàn. Ông nói “ông Putin chỉ quan tâm đến mỗi việc ‘hung hăng làm bừa’ và giết chóc".

Nga đã bị cấm tham gia Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos năm nay vì hành động đưa quân vào Ukraine. Trong gần một tuần qua, Ukraine đã phản đối mạnh mẽ khả năng cắt nhượng bất kỳ vùng lãnh thổ nào cho Nga để đạt được một thỏa thuận hòa bình.

Đã ba tháng kể từ khi Nga tiến hành “Chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, NATO cam kết cung cấp vũ khí không hạn chế cho quân đội Ukraine, Mỹ cũng đã thông qua dự luật viện trợ 40 tỷ USD cho Ukraine. Ukraine hy vọng khôi phục lại vùng lãnh thổ bị mất, nhưng cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger chỉ ra rằng Ukraine nên từ bỏ một phần lãnh thổ của mình để đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga nhằm chấm dứt ngay lập tức chiến tranh Ukraine-Nga. Về điều này, nghị sĩ Ukraine Oleksiy Goncharenko chỉ trích Kissinger vẫn còn sống trong thế kỷ trước.

Ông Goncharenko nói trong cuộc trả lời phỏng vấn đài CNBC: "Tôi nghĩ Kissinger vẫn đang sống ở thế kỷ 20, nhưng chúng ta đang ở thế kỷ 21. Chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ một tấc đất nào, đây sẽ là tín hiệu tồi tệ nhất đối với Tổng thống Nga Putin. Chúng ta nên ngăn cản Putin và đừng để ông ta đi xa hơn. Cách tốt nhất để xây dựng hòa bình là Ukraine gia nhập EU càng sớm càng tốt”.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cũng tuyên bố:“ Tôi tôn trọng Kissinger, nhưng tôi rất biết ơn vì ông ấy hiện không giữ bất kỳ vị trí chính thức nào trong chính phủ Mỹ. Ông ấy có ý kiến ​​riêng của mình, nhưng chúng tôi kịch liệt phản đối. Đấy không phải là điều chúng tôi nên làm."

Phát biểu qua truyền hình tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, ông Zelensky kêu gọi quốc tế có các biện pháp trừng phạt mạnh hơn với Nga.

Phát biểu qua truyền hình tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, ông Zelensky kêu gọi quốc tế có các biện pháp trừng phạt mạnh hơn với Nga.

Giới quân sự phương Tây cho rằng, hiện nay mỗi ngày Quân đội Nga tiêu tốn 900 triệu USD cho việc chiến tranh với Ukraine, nhưng chỉ miễn cưỡng giữ được các vị trí ban đầu ở miền Đông Ukraine và chiếm thêm được 2 thành phố. Ukraine và phương Tây cho rằng Quân đội Nga bị thiệt hại nghiêm trọng, 1/4 số đơn vị chiến thuật cấp tiểu đoàn không còn hiệu quả chiến đấu, kể từ khi cuộc chiến bắt đầu đến nay, hơn 10 tướng lĩnh đã thiệt mạng. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace ước tính rằng hơn 30.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng và ông dự đoán quân đội Nga sẽ phải ngừng cuộc tấn công vào giữa tháng 6.

Ông Kissinger nói: "Lý tưởng nhất là, đường phân giới nên trở lại nguyên trạng trước chiến tranh, nghĩa là trở lại nguyên trạng quan hệ Ukraine-Nga trước chiến tranh". Điều này có nghĩa là ông ta cho rằng Nga nên được phép tiếp tục bảo lưu Crimea mà họ sáp nhập năm 2014.

Thực ra, Kissinger đã nhắc nhở Ukraine ngay từ 8 năm trước rằng muốn tồn tại và phát triển thì không nên lựa chọn giữa phương Tây và phương Đông, không nên trở thành “tiền đồn” của bên này chống lại bên kia và không nên gia nhập NATO. Nay ông lại đề nghị Ukraine “cắt đất cầu hòa”.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có một bài phát biểu cứng rắn tại lễ khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới, kêu gọi cộng đồng quốc tế áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga, áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với tất cả các ngân hàng của Nga, đồng thời tránh xa ngành công nghệ thông tin Nga, tất cả các doanh nghiệp nước ngoài cần phải rời khỏi Nga. Phản ứng của ông Zelensky rõ ràng rất khác với quan điểm của ông Kissinger.