Cựu giám đốc bảo mật Facebook: “Mỹ muốn ngăn chặn các cuộc tấn công mạng vào cuộc bầu cử 2018 ư? Đã quá muộn rồi”

VietTimes -- Ông Alex Stamos, cựu Giám đốc bảo mật của Facebook, vừa cảnh báo rằng đã quá muộn để Mỹ có thể bảo vệ được cuộc bầu cử năm 2018 trước các cuộc tấn công mạng, nhưng đồng thời, ông cũng đề xuất một số giải pháp để bảo vệ cho các cuộc bầu cử sau, trước mắt là cuộc bầu cử năm 2020.
Ông Alex Stamos (Ảnh Getty Images)
Ông Alex Stamos (Ảnh Getty Images)

Ông Alex Stamos, cựu Giám đốc bảo mật của Facebook vừa đưa ra một lời cảnh báo hết sức đáng lo ngại về mối đe dọa có sự can thiệp và tấn công mạng sâu hơn vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ khi ông cho rằng hiện nay “đã quá muộn để bảo vệ được cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2018 ở Mỹ” và cuộc bầu cử này “đang phải đối mặt với nguy cơ trở thành một World Cup của chiến tranh thông tin”.

Cần biết rằng lời cảnh báo của ông Stamos là hoàn toàn có cơ sở khi ông đã từng đảm nhiệm vị trí phụ trách các giải pháp đối phó của Facebook trước những cuộc tấn công can thiệp được cho là của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Kể từ khi rời Facebook đầu tháng này, đây là lần đầu tiên ông Stamos lên tiếng, ông đã từng chỉ trích sự chậm trễ của các nhà lập pháp Mỹ trước các cuộc tấn công mạng được cho là do Nga thực hiện nhắm vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 trên tạp chí pháp luật Lawfare, và đã đề xuất những bước đi mà ông cho là cần thiết để bảo vệ an toàn cho các cuộc bầu cử.

“Trên một số khía cạnh nào đó, nước Mỹ đang cho cả thế giới biết rằng họ không quá quan tâm đến vấn đề này và bất cứ thủ phạm nào gây ra cuộc chiến tranh thông tin chống lại Phương Tây cũng chỉ bị trừng phạt rất nhẹ nhàng. Tuy sai lầm này làm cho nước Mỹ không có sự sẵn sàng để bảo vệ cho cuộc bầu cử năm 2018, nhưng họ vẫn còn cơ hội để bảo vệ nền dân chủ Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2020”, ông Stamos viết.

Vị chuyên gia bảo mật 39 tuổi này cho rằng Nga đã đi tiên phong trong các kỹ thuật tác chiến thông tin năm 2016, và “cuốn sách tổng hợp các kỹ thuật này” hiện đã được công khai cho các quốc gia và những tin tặc tấn công mạng khác, với hậu quả tiềm ẩn cực kỳ khó lường.

Phía Mỹ đã cáo buộc những chuyên gia tấn công mạng của Nga sử dụng Facebook để phát tán các thông tin sai lệch và gây ra sự chia rẽ ở Mỹ trong thời gian diễn ra cuộc vận động tranh cử năm 2016, nhằm hỗ trợ cho ứng cử viên mà Nga muốn làm Tổng thống Mỹ là ông Donald Trump – cũng như tấn công và làm rò rỉ email của các ứng viên đảng Dân chủ.

Facebook đã bị các tài khoản bí mật này tấn công bất ngờ. Các quan chức cao cấp của Facebook, trong đó có cả CEO Mark Zuckerberg, nói rằng họ trước đó chỉ tập trung vào các mối đe dọa an ninh truyền thống như là các cuộc tấn công ăn cắp thông tin mà không xem xét một cách đúng mực việc nền tảng của mình đang bị sử dụng sai mục đích.

Kể từ đó đã có thêm nhiều chiến dịch tấn công vào Facebook được phơi bày sau cuộc bầu cử năm 2016 với các mục tiêu trên toàn thế giới, trong đó có cả 4 chiến dịch được cho là do Iran và Nga phát động vừa bị Facebook công bố phát hiện ra tuần này.

Ông Stamos cảnh báo rằng nếu không có các bước đi mạnh tay, thì chắc chắn sẽ còn nhiều chiến dịch tấn công mạng và can thiệp khác vào các cuộc bầu cử của Mỹ trong tương lai: “Nước Mỹ có rất nhiều kẻ thù với khả năng tác chiến mạng trình độ cao, như là Trung Quốc hay Triều Tiên, họ thậm chí có thể quyết định các ứng cử viên và các vị trí trong chính quyền theo hướng của họ - trong đó có cả những nhân vật được đảng Dân chủ ủng hộ và đảng Cộng hòa phản đối.

“Cũng có nhiều nhóm trong nước có thể sử dụng các kỹ thuật tương tự để tấn công, bởi các hình thức tấn công hay can thiệp này nếu do người Mỹ thực hiện thì lại không phạm pháp. Trong khi đó các quốc gia đồng minh với Mỹ cũng không thể ngồi yên được bởi các đối thủ của các quốc gia này đang dùng mọi thủ đoạn để lựa chọn một chính phủ Mỹ có lợi cho họ”.

Ông Stamos, hiện nay đang tham gia giảng dạy tại đại học Stanford, và ông đã đề ra 4 bước mà ông cho là nước Mỹ cần làm để đảm bảo an toàn cho mình:

- Thứ nhất, Quốc hội Mỹ cần phải quy định các chuẩn pháp lý nhằm giải quyết vấn đề phát tán thông tin sai lệch trên mạng.

- Thứ hai, Mỹ phải tái đánh giá một cách thận trọng những nhân vật trong chính phủ phải chịu trách nhiệm về vấn đề bảo mật trên không gian mạng.

- Thứ ba, mỗi bang phải xây dựng cho mình khả năng bảo vệ trước các cuộc bầu cử.

- Thứ tư, người Mỹ phải lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu rằng các cuộc tấn công mạng trong tương lai phải được điều tra một cách nhanh chóng, và những vấn đề liên quan phải được công khai cho tất cả dân chúng được biết ngay trước mỗi cuộc bầu cử, và cần có các biện pháp mạnh về tài chính và các loại vũ khí mạng để Tổng thống được sử dụng ngay nhằm trừng trị những người gây ra các cuộc tấn công mạng.