Hôm thứ ba (12/11) vừa qua, Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Alan Greenspan đã chia sẻ quan điểm của mình về tiền mã hóa khi tham dự Hội thảo thường niên về triển vọng của nền kinh tế do Tạp chí Caijing (Tài chính) Trung Quốc tổ chức.
"Các ngân hàng trung ương chẳng có lý do gì để phát hành tiền mã hóa", ông Greenspan nói.
Vị cựu Chủ tịch FED giải thích rằng tiền tệ của quốc gia đang được "chống lưng" bởi mức tín dụng quốc gia, đây là điều mà không có tổ chức nào có thể cung cấp được.
"Mức tín dụng quốc gia của Mỹ vượt xa những gì mà Facebook có thể tưởng tượng" ông Greenspan nói.
Đầu năm nay, Facebook đã làm dậy sóng giới tài chính khi công bố kế hoạch phát hành một đồng tiền mã hóa có tên Libra. Tham gia vào dự án của Facebook có nhiều công ty trung gian thanh toán lớn trên toàn cầu. Tuy nhiên vào tháng trước, các công ty như Visa, Mastercard, Paypal, Stripe và eBay cho biết họ sẽ ngừng tham gia dự án Libra trong bối cảnh chính phủ Hoa Kỳ đang tăng cường sự giám sát đối với tiền mã hóa.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang nỗ lực phát triển một đồng tiền mã hóa của riêng mình, mặc dù không rõ bao giờ nó sẽ được phát hành.
Hồi đầu tháng 10, Chủ tịch Cục Dự trữ bang Philadelphia, Patrick Harker nói rằng việc các ngân hàng trung ương bao gồm cả FED sẽ phát hành tiền mã hóa là điều "không thể tránh khỏi". Ông Patrick nói rằng quan điểm của ông chỉ là thiểu số trong FED, nhưng nhân viên của ông đang nghiên cứu vấn đề này, theo Reuters.
Tiền mã hóa thu hút được sụ chú ý trên toàn thế giới vào năm 2017 khi giá Bitcoin tăng vọt từ vài trăm USD lên gần 20.000 USD. Nhiều người đam mê Bitcoin cho rằng giá trị của đồng tiền này nằm ở chính hệ thống phi tập trung của nó.
Nguồn: CNBC