"Cuồng phong" bủa vây thị trường bất động sản Trung Quốc: Làn sóng bùng nợ thế chấp bắt đầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày càng nhiều người mua nhà ở Trung Quốc từ chối trả nợ các khoản vay thế chấp đối với các dự án bất động sản đang trong quá trình xây dựng, làm dấy lên lo ngại cuộc khủng hoảng lan rộng sang hệ thống tài chính.
Ảnh minh họa: China Daily
Ảnh minh họa: China Daily

Bloomberg vừa dẫn báo cáo của hãng nghiên cứu China Real Estate Information Corp cho biết, tính đến ngày 13/7, nhiều người mua nhà ở Trung Quốc đã ngừng trả nợ các vay thế chấp ngân hàng đối với ít nhất 100 dự án nhà ở tại hơn 50 thành phố. Con số này tăng từ 58 dự án trong ngày 12/7 và từ 28 dự án được ghi nhận hôm 11/7, theo Jefferies Financial Group Inc (JFG).

“Lượng người trong danh sách tăng lên gấp đôi mỗi ngày", chuyên gia phân tích tại JFG Shujin Chen cho biết trong một báo cáo công bố hôm 14/7. “Sự việc càng gây ảnh hưởng tới tâm lý người mua, đặc biệt là đối với các sản phẩm hình thành trong tương lai do các nhà phát triển bất động sản tư nhân chào bán".

Các dự án bị chậm tiến độ chiếm khoảng 1% tổng dư nợ thế chấp tại Trung Quốc, theo Jefferies. Nếu như tất cả người mua nhà đều vỡ nợ, thì nợ xấu có thể tăng thêm tới 388 tỉ NDT (58 tỉ USD), chuyên gia này ước tính. Báo cáo của Chen không đưa ra ước tính cụ thể về số lượng người đang từ chối trả nợ.

Sự việc trên cũng phản ánh rõ “trận cuồng phong” đang bủa vây ngành bất động sản của Trung Quốc, hiện đang ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn người dân tầng lớp trung lưu, gây ra mối đe dọa đối với an sinh xã hội. Nhiều ngân hàng Trung Quốc vốn đã vấp phải nhiều thách thức từ áp lực thanh khoản từ các nhà phát triển bất động sản, giờ lại phải đối phó với làn sóng người mua nhà vỡ nợ.

Các nhà phân tích tin rằng giá trị nhà giảm có thể là yếu tố khiến người dân Trung Quốc từ chối trả tiền vay thế chấp. “Các nhà đầu tư quan ngại về việc người mua nhà không chịu trả tiền vay thế chấp, đơn giản là do giá bất động sản thấp, và tác động của nó đối với doanh số bán nhà,” ông Chen viết.

Giá bán bất động sản trung bình của các dự án trong năm 2022 thấp hơn khoảng 15% so với giá mua 3 năm trước, các nhà phân tích của Citigroup Inc cho hay. Giá nhà ở Trung Quốc đã giảm trong 9 tháng liền vào tháng 5 vừa qua, và giá trong tháng 6 dự kiến được công bố trong cuối tuần này.

Cuộc khủng hoảng đang bủa vây các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã bước vào một giai đoạn mới, trong đó tình trạng bán tháo nợ lan tới những công ty từng được cho là an toàn, bao gồm Country Garden Holdings Co., nhà phát triển bất động sản lớn nhất.

Tác động tổng thể đối với các ngân hàng Trung Quốc là có thể kiểm soát được, nhưng những tổ chức tín dụng quốc doanh - bao gồm Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc và Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) - sẽ dễ bị tổn thương hơn bởi các khoản vay thế chấp. Những nhà băng này cũng chịu ảnh hưởng khi niềm tin của nhà đầu tư suy yếu.

Các nhà phân tích tại Nomura Holdings Inc nói rằng, việc người mua từ chối trả nợ thế chấp bắt nguồn từ tình trạng bán nhà ở hình thành trong tương lai ở Trung Quốc. Niềm tin vào các dự án nhà ở sẽ bị suy giảm, trong lúc nỗi lo về tiền của các nhà phát triển càng tăng.

Ngay cả trước khi khủng hoảng diễn ra, các nhà phát triển chỉ bàn giao được khoảng 60% số nhà mà họ đã bán trong giai đoạn 2013-2020, trong khi các khoản vay thế chấp đã tăng thêm 26,3 nghìn tỉ NDT, các nhà phân tích của Nomura, trong đó có ông ting Lu, cho hay.

“Việc bán nhà hình thành trong tương lai ngày càng gây ra rủi ro cho các nhà phát triển, những người mua nhà, hệ thống tài chính và cả kinh tế vĩ mô,” ông Lu viết. Thất bại trong việc xây nhà ở đúng thời hạn đã làm giảm niềm tin của người mua nhà, khiến họ không sẵn lòng mua bất động sản mới, và làm tăng giá nguyên vật liệu thô./.

Theo Bloomberg