[ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN] Khủng hoảng ngân hàng nông thôn ở Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Một người đàn ông đã gửi khoản tiền 6 triệu USD vào các tài khoản tại 3 ngân hàng nông thôn ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Nhưng ông không thể truy cập vào các tài khoản của mình kể từ tháng 4/2022.

Khách hàng gửi tiền tổ chức biểu tình, với hy vọng lấy lại được khoản tiền dành dụm cả đời (Ảnh: CNN)
Khách hàng gửi tiền tổ chức biểu tình, với hy vọng lấy lại được khoản tiền dành dụm cả đời (Ảnh: CNN)

Vị doanh nhân 45 tuổi này, tạm gọi là Peter, đến từ thành phố Ôn Châu, và chỉ là một trong số hàng nghìn người gửi tiền đang đấu tranh để thu hồi lại khoản tiền tiết kiệm của họ từ ít nhất 6 ngân hàng ở các tỉnh nông thôn miền Trung của Trung Quốc. “Tôi sắp suy sụp rồi. Tôi không thể ngủ nổi,” Peter nói với CNN Business.

Khi ông cố gắng truy cập tài khoản của mình, một thông báo xuất hiện trên trang chủ của ngân hàng nói rằng website này đang được bảo trì và các dịch vụ sẽ được nối lại sau một khoảng thời gian, Peter nói với CNN Business. Hai tháng sau, các dịch này vẫn chưa được nối lại.

Sự việc phát sinh từ tháng 4 năm nay, khi 4 ngân hàng nông thôn ở tỉnh Hà Nam tạm ngừng cho khách hàng rút tiền.

Đầu tháng 6/2022, truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin cho biết, 4 ngân hàng nông thôn ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) đã gặp phải vấn đề về thanh khoản. Các nhà băng này bao gồm: Yuzhou Xinminsheng Village Bank, Shangcai Huimin County Bank, Zhecheng Huanghuai Community Bank và New Oriental Country Bank of Kaifeng.

Ở Trung Quốc, các ngân hàng địa phương chỉ được cho phép nhận tiền gửi từ các khách hàng trong khu vực của họ. Tuy nhiên, nhà chức trách cho rằng, một số ngân hàng địa phương đã sử dụng 'các nền tảng của bên thứ ba' để thu hút thêm tiền gửi từ các khách hàng bên ngoài khu vực hoạt động. Trong trường hợp của ông Peter, nơi ông sinh sống cách các ngân hàng ở Hà Nam hơn 700 dặm.

Cơ quan quản lý đã tố cáo một cổ đông lớn của 4 ngân hàng này có hành vi thu hút tiền gửi của khách hàng một cách bất hợp pháp. “Công ty Henan New Fortune Group, một cổ đông của 4 ngân hàng nông thôn, đã thu hút tiền của người dân một cách bất hợp pháp thông qua các nền tảng bên thứ ba, và các tay môi giới,” Ủy ban Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc nói với hãng Tân Hoa Xã hồi tháng 5.

“Cảnh sát đã mở một cuộc điều tra để làm rõ vấn đề này,” tuyên bố nói thêm.

Hiện tượng người dân đồng loạt rút tiền đã trở thành hiện tượng xảy ra khá thường xuyên trong những năm gần đây tại các ngân hàng cỡ nhỏ ở Trung Quốc. Một số ngân hàng đã bị cáo buộc có hoạt động tài chính không minh bạch hoặc tham nhũng. Nhưng giới chuyên gia lo ngại về một vấn đề tài chính lớn hơn nhiều, bắt nguồn từ tác động của thị trường bất động sản đổ vỡ và các khoản nợ xấu tăng đột biến do đại dịch COVID-19.

Hiện chưa có con số ước tính chính thức được đưa ra về số tiền mà những khách hàng gửi nói trên không thể rút. Nhưng theo số liệu thống kê của Sanlian Lifeweek, khoảng 400.000 khách hàng trên khắp Trung Quốc không thể tiếp cận với khoản tiền gửi của họ.

Con số trên chỉ là “giọt nước” nếu so với toàn hệ thống ngân hàng khổng lồ của Trung Quốc, nhưng giới chuyên gia nói rằng khoảng 1/4 tổng tài sản của ngành này lại được nắm giữ bởi 4.000 ngân hàng cho vay cỡ nhỏ, thường có quyền sở hữu và cơ cấu quản lý không rõ ràng, dễ bị tác động bởi tham nhũng và đà suy thoái của nền kinh tế.

“Quy mô của các vụ bê bối ngân hàng, trong đó các quan chức ngân hàng biển thủ và ăn trộm tiền của khách hàng, là đáng báo động. Những gì mà chúng ta nhìn thấy chỉ là phần nổi của tảng băng,” Frank Xie, Giáo sư đến từ ĐH South Carolina chuyên nghiên cứu doanh nghiệp và nền kinh tế Trung Quốc, nhận định.

“Trong lúc nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm sâu, tình trạng thiếu hụt tài chính trở nên tồi tệ hơn, và các khoản thanh toán nợ trở nên phổ biến với các công ty Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, đột biến rút tiền gửi ngân hàng có thể diễn ra thường xuyên hơn và với quy mô lớn hơn,” ông nói.

Nhiều người gửi tiền đã chịu đựng tới mức cực hạn. Cuối tháng trước, hàng trăm khách hàng đã đổ tới Trịnh Châu, thủ phủ của Hà Nam, để tổ chức biểu tình bên ngoài văn phòng của cơ quan quản lý ngân hàng và yêu cầu hoàn tiền lại cho họ.

Một cuộc biểu tình khác cũng được lên kế hoạch trong tháng này. Nhưng khi những khách hàng nọ đến Trịnh Châu, họ choáng váng khi phát hiện ra rằng mã y tế của họ - vốn là màu xanh khi họ bắt đầu đi tới đây – đã chuyển sang màu đỏ, CNN dẫn lời 6 người trong số đó và các bài đăng trên mạng xã hội. Bất cứ ai có mã đỏ - thường là những người nhiễm COVID-19 hoặc bị chính quyền coi là có nguy cơ mắc bệnh cao – đều trở thành người không được hoan nghênh.

Họ bị cấm tham gia các hoạt động cộng đồng, phương tiện giao thông công cộng và sẽ phải cách ly trong vài tuần.

Ủy ban Y tế tỉnh Hà Nam sau đó nói với website tin tức nhà nước Thepaper.cn rằng họ “đang điều tra và làm rõ” những khiếu nại từ các khách hàng nhận phải mã đỏ.

Điều gì đằng sau vụ việc ở Hà Nam?

Ở Hà Nam, Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc đã đổ lỗi cho công ty đầu tư tư nhân nắm cổ phần lớn ở cả 4 ngân hàng.

Tuần trước, cảnh sát tỉnh Hà Nam cho hay một băng nhóm tội phạm mà đứng đầu là người quản lý công ty đầu tư nọ “bị tình nghi sử dụng 4 ngân hàng nông thôn để thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng.” Cảnh sát nói rằng một số nghi phạm đã bị bắt giữ.

Website của công ty Henan Fortune Group không còn nữa. Họ cũng không đưa ra bất cứ tuyên bố nào và được tin là đã giải tán.

Đầu tuần này, 4 ngân hàng nông thôn ở Hà Nam nói rằng họ sẽ bắt đầu thu thập thông tin từ những khách hàng bị ảnh hưởng bởi việc ngừng hệ thống giao dịch trực tuyến. Động thái này được các nhà điều hành tài chính yêu cầu thực hiện.

Thông tin mang đến cái thở phào nhẹ nhõm cho nhiều khách hàng. Khoản tiền gửi lên tới 500.000 NDT (khoảng 75.000 USD) sẽ được bảo đảm trong trường hợp ngân hàng phá sản, nhưng điều đó chưa đủ đối với một số người – như ông Peter – và nếu cuộc điều tra của chính quyền kết luận rằng khoản tiền gửi của họ là các giao dịch “không tuân thủ quy định”, họ có thể mất trắng.

“Tôi rất lo lắng về cách mà chính quyền sẽ xử lý đối với lượng tiền gửi của chúng tôi,” ông Ye, nói với CNN. Ye là một nhân viên công nghệ 30 tuổi đến từ thành phố Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông – cách vị trí các ngân hàng mà ông sử dụng tới 1.500 km. Tổng giá trị khoản tiền mà ông gửi tại các ngân hàng này là 160.000 NDT (24.000 USD).

“Chúng tôi được các ngân hàng này bảo rằng, các sản phẩm tiền gửi bên họ là hợp pháp, và rằng các khoản tiền này được bảo vệ bởi cơ chế bảo hiểm tiền gửi,” ông nói. “Chúng tôi chỉ muốn lấy lại tiền.”

4 ngân hàng này – Yuzhou Xinminsheng Village Bank, Shangcai Huimin County Bank, Zhecheng Huanghuai Community Bank, New Oriental Country Bank of Kaifeng – chưa đưa ra bình luận gì.

Tài sản nợ đầy rủi ro

Đầu năm 2021, chính quyền Bắc Kinh đã ban hành lệnh cấm các ngân hàng bán các sản phẩm tiền gửi thông qua các nền tảng trực tuyến thuộc bên thứ ba, vì lo ngại rằng sự mở rộng nhanh chóng lĩnh vực fintech (công nghệ tài chính) có thể tạo nên nhiều rủi ro cho hệ thống tài chính. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc coi hoạt động như trên là “các hoạt động tài chính phi pháp.”

Vậy tại sao các ngân hàng cỡ nhỏ địa phương ở Hà Nam lại phớt lờ lệnh cấm đó và huy động tiền gửi từ khách hàng – như ông Ye, người sống ở cách đó rất xa?

Cơ quan quản lý ngân hàng và bảo hiểm quốc gia Trung Quốc nói rằng, các nền tảng trực tuyến bên thứ ba cho phép các ngân hàng bỏ qua hạn chế về địa lý và phát triển kinh doanh trên phạm vi toàn quốc.

Trong trường hợp ở Hà Nam, rất nhiều hãng truyền thông nhà nước đưa tin rằng các sản phẩm tiền gửi được bán qua nhiều nền tảng liên kết với, hoặc được sở hữu bởi, các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc như Baidu và JD.com. Các nền tảng này – Du Xiaoman Financial (của Baidu) và JD Finance (của JD) – cũng chưa đưa ra bình luận gì.

“Các nhà điều hành của chính phủ trung ương dường như không thể thực thi được các quy định nhằm ngăn chặn kiểu đột biến rút tiền gửi ngân hàng này, Frank Xie nói. Ông thêm rằng tham nhũng xảy ra “tràn lan” ở các tổ chức tài chính cấp địa phương.

“Vấn đề cốt lõi là hệ thống tài chính của Trung Quốc đơn giản là mở rộng quá nhanh so với kích thước của nền kinh tế trong thập kỷ qua,” Logan Wright, giám đốc hãng nghiên cứu thị trường Trung Quốc Rhodium Group, cho hay.

Quy mô của ngành ngân hàng Trung Quốc đã tăng gấp 6 lần kể từ năm 2008, với tổng tài sản đạt 50 nghìn tỉ USD, theo con số thống kê của chính phủ nước này.

Cấu trúc vốn của các hãng cho vay nhỏ cũng tạo ra nhiều rủi ro hơn, giới chuyên gia nhận định.

So sánh với các ngân hàng lớn, các ngân hàng nhỏ phải dựa nhiều hơn vào các khoản tiền gửi. Rất nhiều trong số chúng đưa ra mức lãi suất cao để thu hút tiền gửi thương mại và tiền gửi liên ngân hàng. Nhưng do nền kinh tế đang chững lại, những khách hàng vay tiền không đủ khả năng trả lãi ngân hàng, khiến các ngân hàng nhỏ gặp khó trong việc trả lãi cho khách hàng gửi tiền.

Sức khỏe tài chính suy giảm

Cuộc khủng hoảng ở Hà Nam xuất hiện trong bối cảnh niềm tin của người dân đối với hệ thống tài chính đang suy giảm.

Trong thập kỷ trước, Bắc Kinh đã nỗ lực trấn áp các hoạt động ngân hàng “ám muội” – tức các hoạt động cho vay không có biên bản, không đúng quy định của các tổ chức tài chính – bởi lo ngại rằng phần lớn nguồn vốn đã được chuyển hướng sang rót cho các nhà phát triển địa ốc và các dự án phát triển cơ sở hạ tầng của chính phủ, dẫn đến tình trạng tích lũy nợ và kéo theo nhiều rủi ro tài chính.

Năm 2019, Trung Quốc đã tịch biên Ngân hàng Baoshang, trụ sở tại Nội Mông, chỉ ra nhiều nguy cơ về tín dụng. Đây là vụ tịch biên hồi ngân hàng đầu tiên trong hơn 20 năm và ngân hàng này được tuyên bố phá sản. Năm tiếp theo, có ít nhất 5 vụ đột biến rút tiền gửi tại các ngân hàng cỡ nhỏ, chủ yếu là do tâm lý hoang mang của người dân sau khi đọc một số bài viết liên quan tới tình hình căng thẳng tài chính tại các ngân hàng hoặc các vụ điều tra chống tham nhũng nhằm vào giới lãnh đạo ngân hàng.

“Nhiều tổ chức tài chính vẫn đang vật lộn với các khoản lỗ của họ do tình trạng trên gây ra, đặc biệt là ở các tỉnh miền Trung, Đông Bắc và miền Tây, nơi mà các hoạt động ám muội trong ngân hàng diễn ra ngày càng nhiều và với nhịp độ nhanh nhất trong thập kỷ qua,” ông Wright nói.

Càng thêm phần khó khăn là “đà tăng trưởng chậm của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19, càng khiến cho các tổ chức tài chính phải hứng thêm rủi ro tín dụng mới,” vị chuyên gia nói thêm.

Hiệu ứng lây lan

Các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao cuộc điều tra của chính phủ trong vụ đột biến rút tiền gửi ở Hà Nam. Giới phân tích dự báo rằng vụ việc sẽ gây ra hiệu ứng lây lan tới các ngân hàng khác.

“Nền kinh tế chính là nguyên nhân chính khiến cho các ngân hàng chịu ảnh hưởng đang trải qua nhiều khó khăn, và có khả năng cao là các ngân hàng khác cũng sẽ bị ảnh hưởng, có lẽ là cả các ngân hàng lớn hơn, do số phận của thị trường bất động sản và giá bất động sản đang bấp bênh,” George Magnus, chuyên gia phân tích đến từ ĐH Oxford, nói.

Nền kinh tế Trung Quốc đang phải chật vật vì chính sách zero-COVID. Nhiều thành phố bị phong tỏa cục bộ hoặc toàn phần kể từ tháng 3, ảnh hưởng lớn tới nhiều hoạt động. Nhiều chuyên gia phân tích lo ngại rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục thu hẹp trong quý thứ hai.

Bất động sản, lĩnh vực khổng lồ của Trung Quốc, chiếm tới 30% GDP, đang trong đà suy giảm tồi tệ. Doanh số bán của top 100 nhà phát triển bất động sản của nước này đã giảm 59% trong tháng 5, so với năm trước đó, theo một nghiên cứu của công ty Cric China.

Evergrande – một trong số những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc – đang trải qua một đợt tái cấu trúc khổng lồ sau khi vỡ nợ trong năm ngoái. Các nhà phân tích từ lâu đã lo ngại rằng sự sụp đổ của Evergrande sẽ gây hiệu ứng tiêu cực tới ngành bất động sản và lan sang cả hệ thống tài chính.

Các khoản cho vay mua bất động sản chiếm tới gần 30% dư nợ với các tổ chức tài chính Trung Quốc.

Giới phân tích chưa vội lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính, bởi Ngân hàng trung ương chắc chắn sẽ đảm bảo rằng những ngân hàng lớn và quan trọng được bảo vệ. Nhưng sự bất bình của người dân do các vụ biến động rút tiền gửi lại là quan ngại lớn đối với chính phủ. Như trong trường hợp ở Trịnh Châu, khi nhiều người biểu tình có mã y tế hóa màu đỏ trong tuần trước, sự việc đã gây ra cả một làn sóng trên mạng xã hội.


Theo CNN