Trung Quốc: vụ buộc phá dỡ 39 tòa cao ốc của Tập đoàn Evergrande gây rúng động dư luận

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Dư luận Trung Quốc đang xôn xao về vụ chính quyền thành phố Đam Châu, Hải Nam ra lệnh phá dỡ 39 tòa nhà cao tầng, cho rằng không thể bắt các doanh nghiệp phải trả giá cho sự vô trách nhiệm của các quan chức.
Toàn cảnh đảo nhân tạo Hải Hoa vi phạm nghiêm trọng về luật bảo vệ môi trường (Ảnh: Sina).
Toàn cảnh đảo nhân tạo Hải Hoa vi phạm nghiêm trọng về luật bảo vệ môi trường (Ảnh: Sina).

“39 công trình xây dựng vi phạm quy định trên đảo Hải Hoa đã được lệnh phá dỡ” – từ mấy ngày nay, quyết định xử phạt hành chính do Cục Thi hành án hành chính tổng hợp thành phố Đam Châu, tỉnh Hải Nam đưa ra cho rằng 39 tòa nhà cao tầng được xây dựng trong khu đất 2-14-1 của Đảo số 2 thuộc đảo nhân tạo Hải Hoa đã bị thu hồi giấy phép quy hoạch được cấp bất hợp pháp cho dự án, công ty phát triển nhà liên quan được lệnh phải phá dỡ chúng trong thời hạn 10 ngày. Nếu quá thời hạn mà không phá dỡ, Cục Thi hành án sẽ tổ chức phá dỡ theo quy định của pháp luật.

Quyết định này ban hành lập tức gây rúng động cả giới kinh doanh lẫn dư luận, nhiều ý kiến khác nhau đã xuất hiện cả trên các cơ quan truyền thông lẫn mạng xã hội.

Đảo Hải Hoa bao gồm ba hòn đảo nhân tạo độc lập hình ba bông hoa, với diện tích khoảng 783 ha được lấp biển tạo nên. Dự án này từng bị cáo buộc "phình to túi tiền, hủy hoại sinh thái", bằng phương thức "biến to thành nhỏ". Dự án lấp biển này qua mấy lần bị phạt đã được chia thành 36 tiểu dự án với diện tích dưới 27 ha mỗi cái để “mãn thiên quá hải”, khiến dự án bị cấm đã được phê duyệt, dẫn đến việc phá hủy vĩnh viễn các khu vực rạn san hô và vỏ sò điệp trắng rộng lớn. Trong cuộc bình chọn "Mười kiến trúc xấu xí hàng đầu Trung Quốc" năm 2021, khu phức hợp xây dựng trên đảo Hải Hoa đứng đầu bảng và được coi là "ví dụ điển hình của thứ văn hóa rẻ tiền, trọc phú, ngông cuồng, phá hoại sinh thái biển, quái dị, hỗn loạn”.

Khu vực 39 tòa nhà bị buộc phá dỡ (mũi tên) trên đảo số 2 (Ảnh: Sina).

Khu vực 39 tòa nhà bị buộc phá dỡ (mũi tên) trên đảo số 2 (Ảnh: Sina).

39 tòa nhà tổng trị giá 7,7 tỷ NDT (1,2 tỷ USD) này có tổng diện tích xây dựng khoảng 435 ngàn mét vuông với tổng số 2.839 căn, bao gồm 2.716 căn hộ ở và 123 căn shophouse, một số căn đã được bán cho khách hàng.

Trước việc 39 tòa cao ốc rất khang trang sắp bị phá bỏ, nhiều cư dân mạng cảm thán “Xây đã tốn tiền, phá dỡ cũng tốn tiền, tiền nào cũng là máu và nước mắt!”, “Xây dựng trái phép - ai đã vi phạm? Ai đã phê duyệt? Một câu nói là phá dỡ, coi tài sản của đất nước, doanh nghiệp và nhân dân như một trò đùa, tỉnh Hải Nam cần xem xét lại", "Tôi ghét nhất kiểu xây xong bắt phá dỡ, và không kẻ có trách nhiệm liên quan nào bị trừng trị, lãng phí tài nguyên, lãng phí nhân lực, tài lực, vật lực; đó là tội lớn nhất”…

Hàng chục bài báo về vụ việc này xuất hiện trên các cơ quan truyền thông, với các luồng ý kiến khác nhau. Có ý kiến ủng hộ làm nghiêm để bảo vệ môi trường sinh thái biển, nhưng phần lớn ý kiến thiên về cần truy trách nhiệm của những cơ quan, cá nhân đã phê duyệt, cấp phép cho quy hoạch lấp biển, xây dựng nhà, không nên bắt doanh nghiệp và người mua nhà chịu thiệt.

Quyết định xử phạt buộc Tập đoàn Evergrande phá dỡ 39 tòa nhà của Cục Thi hành án hành chính tổng hợp thành phố Đam Châu (Ảnh: Sina).

Quyết định xử phạt buộc Tập đoàn Evergrande phá dỡ 39 tòa nhà của Cục Thi hành án hành chính tổng hợp thành phố Đam Châu (Ảnh: Sina).

Ông Tư Mã Nam, một học giả, nhà văn nổi tiếng đã viết bài “Mười câu hỏi về việc ra lệnh phá dỡ các tòa nhà trên đảo Hải Hoa, Hải Nam”, nêu lên mười vấn đề:

“(1) Việc phá dỡ dĩ nhiên là trừng phạt người vi phạm nhưng cũng gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, là những thiệt hại không thể bù đắp được cho người mua nhà, người xây dựng và chủ đầu tư.

(2) Các cuộc thảo luận nóng, thậm chí tranh cãi liên miên trong xã hội cho thấy chính quyền địa phương có thể đã mắc sai lầm trong quá trình ra quyết định về vấn đề này. Mà sai phạm lần đầu tiên được xác lập trên cơ sở chính quyền địa phương đã phê duyệt trái quy định.

(3) Cho đến nay vẫn chưa tìm ra giải pháp tổng thể về căn bản, việc phá dỡ đơn giản không những không phải là giải pháp tốt mà còn có thể che giấu thực chất của vấn đề.

(4) Đáng bị trừng phạt là những kẻ vi phạm quy định, chứ không phải những tòa nhà, sau khi các tòa nhà bị phá bỏ, hệ sinh thái hoặc vịnh biển cũng vẫn không được phục hồi, chỉ gây ra bất ổn xã hội và phá hủy một lượng của cải khổng lồ.

(5) Chính quyền trung ương đề xuất xây dựng nâng cao năng lực quản trị của hệ thống quản trị. Điểm xuất phát cơ bản là chịu trách nhiệm trước người dân. Chính quyền địa phương ở Hải Nam làm bừa như thế là tự tát vào mặt, tạo nghiệp và coi thường của cải xã hội.

Các tòa cao ốc đã hoàn thành bị buộc phải phá dỡ (Ảnh: Jiemian).

Các tòa cao ốc đã hoàn thành bị buộc phải phá dỡ (Ảnh: Jiemian).

(6) Cục Thi hành án hành chính tổng hợp thành phố Đam Châu, tỉnh Hải Nam chịu sự lãnh đạo của ai? Ban lãnh đạo đã tham khảo ý kiến ​​của ai khi đưa ra quyết định này? Ai là người quyết định cuối cùng? Tính chính danh của việc thực thi pháp luật này ở đâu?

(7) Cũng giống như một bữa tiệc, cơm đã chín, rượu đã rót, mâm đã bày mà hất đổ. Bất kể ai mời khách, ai đi chợ, ai trả tiền, cuối cùng mâm cỗ bị hất đổ gây lãng phí đều là tiền mồ hôi xương máu của dân. 39 tòa nhà bị phá bỏ đương nhiên doanh nghiệp vi phạm phải chịu trách nhiệm nhưng phía phê duyệt phải chịu trách nhiệm gì? Tham ô và lãng phí đều là phạm tội rất lớn.

(8) Một người bạn chung của tôi (Tư Mã Nam) và Hồ Tích Tiến (nguyên Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu) sống ở nước ngoài nói rằng ông ấy đã tức giận đến mức không ăn được khi nhìn thấy tin này. Trung Quốc có thực sự giàu có đến vậy không? Giàu đến mức hàng tỷ, hàng chục tỷ, nói vứt là vứt, nói hủy là hủy. Lại nghĩ đến việc vẫn có hàng trăm triệu người ở Trung Quốc chỉ thu nhập 1.000 nhân dân tệ mỗi tháng (3,5 triệu VND); hành vi động một tí là phá dỡ như thế này là không thể hiểu nổi. Xây nhà là GDP, phá nhà cũng là GDP, loại GDP này là thứ của nợ. Lời nói tuy khó nghe nhưng không thể không nói ra và lời khó nghe là ở chỗ này.

(9) Là những người bình thường, chúng tôi không biết nhiều về cơ sở để chính quyền địa phương Hải Nam ra quyết định đập bỏ các tòa nhà. Tương tự, chúng tôi cũng không hiểu việc chính quyền địa phương Hải Nam thích cấp thì cấp giấy phép quy hoạch.

Quản lý của chính phủ không phải là trò trẻ con, và hành vi thực thi pháp luật sáng nắng chiều mưa như vậy được đặt trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang suy thoái như hiện nay chính phủ đang thiếu tiền, các doanh nghiệp thiếu tiền và người dân cũng thiếu tiền. Có thể lãng phí tiền như vậy sao?

(10) Tập đoàn Evergrande đã khéo hùng biện mượn tiền khắp thiên hạ, thực tế vay tới 2% GDP. Vốn âm như vậy là sự phát triển dã man. Đây là cú tát vào mặt Hứa Gia Ấn (ông chủ Evergrande). Trong danh sách đòi hỏi công lý, các tòa nhà đã xây dựng đã khiến ai đó khó chịu?

Đảo nhân tạo Hải Hoa về đêm (Ảnh: Sina).

Đảo nhân tạo Hải Hoa về đêm (Ảnh: Sina).

Người cũng cần bị đánh bị tát vào mặt chính là những cán bộ thẩm định phê duyệt sai phạm này, người dân quan tâm muốn biết, những người đó là ai? Họ phải chịu những trách nhiệm gì?

Làm thế nào để tránh những sự cố tương tự xảy ra trong tương lai, và chính quyền địa phương ở Hải Nam đã có những biện pháp chế tài gì?

Điều then chốt nhất, đâu là nguyên nhân sâu xa của việc phê duyệt trái luật này? Nếu đúng là đã có sự biến động về các tiêu chuẩn hợp pháp và bất hợp pháp như tin đồn thì cần phải nghiên cứu xem xét kỹ lưỡng”.

Trang tin Đa Chiều ngày 8/1 đăng bài “Các tòa nhà ở đảo Hải Hoa, Hải Nam bị ra lệnh phá bỏ, đừng bắt doanh nghiệp trả giá cho sự thiếu trách nhiệm của quan chức”, phản ánh ý kiến của nhiều người trên báo chí vừa qua.

Bài báo cho rằng, kiểu hoạt động thực thi pháp luật kì quặc, cho xây dựng rồi đập bỏ, khiến các doanh nghiệp và công chúng phải trả giá cho những hành động ngang ngược của các quan chức là điều không thể chấp nhận được. Trung Quốc có thực sự giàu có đến mức có thể dễ dàng và tùy tiện để lãng phí hàng tỷ, hàng chục tỷ nhân dân tệ? Các quan chức thành phố Đam Châu ở tỉnh Hải Nam sao có thể dễ dàng hủy hoại thành quả vất vả nhiều năm xây dựng của các doanh nghiệp và người lao động.

Giấy phép quy hoạch được cấp và hủy bỏ tùy tiện; chính sách giống như một trò đùa, các công ty Trung Quốc sẽ đi về đâu? Trung Quốc sẽ xây dựng và phát triển như thế nào trong tương lai? Những thay đổi chính sách kiểu sớm nắng chiều mưa của chính phủ sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin của các doanh nhân và công chúng Trung Quốc, sẽ rất bất lợi cho sự tiếp tục phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc đã bước vào thời kỳ suy thoái.

Việc xây dựng của doanh nghiệp đã được chính quyền địa phương phê duyệt nên doanh nghiệp không nên phải chịu trách nhiệm về sự phê duyệt trái luật của cán bộ, mà các cán bộ vi phạm pháp luật phải chịu trách nhiệm. Có như thế mới chặn đứng được việc xây dựng trái luật trong tương lai. Chỉ chú trọng xử lý doanh nghiệp không có quyền thế, bắt doanh nghiệp trả giá cho quan chức thiếu trách nhiệm thì tương lai sẽ có nhiều hơn quan chức phê duyệt trái quy định.

Cần phải biết rằng, các quan chức chịu trách nhiệm kiểm tra và phê duyệt là nguyên nhân sâu xa của các vụ việc kiểu này. Muốn giải quyết tận gốc vấn đề, phải tăng cường xử lý quan chức chứ không phải chĩa mũi dùi vào doanh nghiệp. Thành phố Đam Châu, Hải Nam chỉ ra lệnh cho chủ đầu tư Evergrande phá dỡ 39 tòa nhà, mà không nói rõ vấn đề sâu xa của việc phê duyệt trái luật, rõ ràng là đang né tránh vấn đề; không những không thể giải quyết vấn đề mà khiến vấn đề ngày càng nhiều hơn, lớn hơn, khiến nhiều người dân gặp rắc rối. Được biết một số căn hộ đã được bán cho người tiêu dùng, làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của họ?

Năm 2017, đoàn thanh tra bảo vệ môi trường trung ương của Trung ương bắt đầu thực hiện các đợt thanh tra nghiêm ngặt về môi trường, kết quả là nhiều dự án lấp biển ở Hải Nam buộc phải dừng lại và hủy bỏ. Một phần của việc xây dựng đảo Hải Hoa đã thay đổi từ việc đúng luật pháp và quy định thành vi phạm luật pháp và quy định, cũng là do thanh tra môi trường năm 2017. Tuy nhiên, dự án đảo Hải Hoa đã khởi động từ năm 2009 và đã qua nhiều thủ tục phê duyệt, liệu thanh tra môi trường năm 2017 có cần phải quay ngược lại quá khứ và tìm ra lỗi với đảo Hải Hoa?

Dư luận cho rằng các quan chức đã phê duyệt phải chịu trách nhiệm về việc 39 tòa nhà bị phá bỏ thay vì doanh nghiệp và người dân (Ảnh: Dwnews).

Dư luận cho rằng các quan chức đã phê duyệt phải chịu trách nhiệm về việc 39 tòa nhà bị phá bỏ thay vì doanh nghiệp và người dân (Ảnh: Dwnews).

“Pháp luật không đề cập đến quá khứ” là lẽ thường cơ bản, cuộc điều tra và trừng trị tham nhũng của Trung Quốc cũng chủ yếu nhằm vào những kẻ “không chùn tay, không chịu dừng lại” sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vì Trung Quốc bắt đầu thanh tra bảo vệ môi trường nghiêm ngặt vào năm 2017, hoàn toàn có thể xác định mốc vào một ngày tháng nhất định trong năm 2017 để các dự án đã được phê duyệt trước ngày này có thể tiến hành bình thường và các dự án sau ngày này sẽ được xem xét và phê duyệt nghiêm ngặt được tránh xuất hiện các vấn đề về môi trường. Đó là cách làm hợp lý và có lợi cho doanh nghiệp, dân chúng và quốc gia.

Điều tệ hại là nhiều quan chức Trung Quốc không dám chịu trách nhiệm, không dám hành động, chỉ biết buông lời ca ngợi trung ương, thiếu sự chân thành và khả năng giải quyết vấn đề, họ sẽ chỉ đẩy vấn đề của chính mình lên đầu các doanh nghiệp và người dân Trung Quốc. Các doanh nghiệp và người dân Trung Quốc cũng không có quyền bảo vệ mình trước chính phủ. Kết quả là lợi ích của nhiều doanh nghiệp và người dân Trung Quốc đã bị xói mòn bởi quyền lực công, và sự phát triển của Trung Quốc đã sa vào sự không xác định.

Bài báo kết luận: Chính sách kiểu sáng nắng chiều mưa. Hôm nay chính quyền nói bạn hợp pháp hợp quy, ngày mai lại nói bạn vi phạm pháp luật và trái quy định. Các doanh nghiệp Trung Quốc nên phát triển như thế nào và đi về đâu? Nhân danh bảo vệ môi trường, gây trở ngại cho sự phát triển của Trung Quốc và tạo ra khó khăn cho các doanh nghiệp đang trở thành một chủ đề mới đáng được chính phủ Trung Quốc nghiên cứu kỹ lưỡng. Những người nắm quyền nên hiểu rằng bảo vệ môi trường là vì sự phát triển tốt hơn của Trung Quốc, không phải để giày vò các doanh nghiệp, tạo ra những trở ngại cho sự phát triển của Trung Quốc và những rắc rối không đáng có trong cuộc sống của dân chúng.