Cuộc chiến ở Ukraine "vẽ lại bản đồ" năng lượng toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cuộc chiến ở Ukraine có thể tạo sự chuyển dịch trên các thị trường năng lượng trên toàn thế giới.
Cuộc chiến ở Ukraine đã gây ra sự gián đoạn dòng chảy xăng dầu trên diện rộng (Ảnh: Getty)
Cuộc chiến ở Ukraine đã gây ra sự gián đoạn dòng chảy xăng dầu trên diện rộng (Ảnh: Getty)

Gần 1 năm kể từ khi Nga khởi động cuộc chiến ở Ukraine, cuộc chiến đang tiếp diễn đã thu hút sự chú ý của dư luận về tầm ảnh hưởng tới thị trường xăng dầu Mỹ của những sự kiện cách đó hàng nghìn dặm, và khả năng dẫn tới sự biến đổi trong thị trường toàn cầu nhằm đảm bảo tốt hơn các nguồn cung năng lượng.

Chiến sự bắt đầu xảy ra từ ngày 24/2 năm ngoái đã gây ra “những mối quan ngại rộng khắp về những sự gián đoạn nghiêm trọng đối với dòng chảy dầu và khí đốt tới châu Âu,” Brian Milne, quản lý sản phẩm và chuyên gia phân tích đến từ DTN, nhận định. Sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga “có khả năng biến châu Âu thành con tin trong những tháng mùa Đông,” nếu như Nga cắt nguồn cung khí đốt cho họ.

Trong khi đó, Mỹ “cũng không né khỏi tầm tác động về giá năng lượng” của cuộc chiến này, theo Luke Tilley, trưởng kinh tế gia đến từ Wilmington Trust. Giá dầu ở Mỹ đã tăng 38% trong vòng chưa đầy 2 tuần lễ, gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng, góp phần vào “lạm phát một cách trực tiếp thông qua giá xăng, bên cạnh tác động do giá chi phí vận chuyển và các loại nguyên liệu khác tăng lên.”

Giá dầu thô WTI đã tăng từ khoảng 92 USD/thùng, trong ngày trước khi xảy ra chiến sự, lên mức 126,84 USD/thùng vào ngày 9/3.

Cuộc chiến đã gây ra sự gián đoạn thực sự trong nguồn cung, nhưng “những nỗ lực của châu Âu trong việc giảm nhu cầu là một nhân tố quan trọng giúp cuộc khủng hoảng này trở nên đỡ nghiêm trọng hơn,” ông Milne nói. “Những cuộc đàm phán với cái đầu lạnh” của EU cũng có tác dụng, khi họ chuyển hướng dòng chảy của dầu và khí đốt trên toàn cầu, từ đó tăng lượng dầu và khí đốt dự trữ.

Ông Tiller cho rằng, chỉ có một sự “giảm nhẹ” khoảng dưới 1% nguồn cung xăng toàn cầu sau khi cuộc chiến bùng nổ, từ tháng 3 cho đến tháng 4/2022, không thấm vào đâu nếu như so sánh với mức giảm 13% trong giai đoạn diễn ra đại dịch COVID-19.

“Một số đối tác thương mại vẫn sẵn sàng mua từ Nga và điều đó giúp cho dòng chảy xăng tiếp tục được duy trì,” ông Tiller nói thêm. Tính đến ngày 8/2, giá dầu thô WTI đã giảm 38% so với mức giá đỉnh hồi năm ngoái.

“Sau một năm chiến sự xảy ra, hiện tại tình hình đã có đôi chút chắc chắn hơn, mặc dù không thể như trước kia,” Patrick De Haan, chuyên gia phân tích xăng dầu tại GasBuddy, nhận định. “Tình hình bất ổn đến rồi đi, và dòng chảy dầu vẫn được duy trì mặc dù có rất nhiều lệnh cấm vận được áp đặt.”

EU đã ban hành lệnh cấm dầu thô và các sản phẩm từ dầu thô của Nga nhập khẩu bằng đường biển, trong khi G7 áp giá trần đối với các sản phẩm tương tự.

Các công ty dầu khí của Mỹ sẽ được hưởng lợi khi Nga mất đi khách hàng, và sản lượng dầu của họ suy giảm trong ngắn hạn, theo ông Milne. Vị chuyên gia tin rằng cuộc chiến ở Ukraine “đã mang tới một kỷ nguyên mới của thị trường năng lượng toàn cầu và sẽ tiếp tục làm thay đổi động lực trong các thị trường xăng dầu Mỹ.”

“Nhu cầu tăng mạnh của nước ngoài đối với dầu thô Mỹ sẽ định hướng dòng chảy dầu thô tới các cảng của bang Texas như Corpus Christi để xuất khẩu,” ông nói. Xu hướng này sẽ tiếp diễn khi lượng dầu thô xuất khẩu và sản lượng dầu thô của Nga suy giảm “do các lệnh trừng phạt và thực tế là phần lớn các nước EU từ chối nhập khẩu dầu của Nga.”

Trong khi đó, tác động từ cuộc chiến ở Ukraine cũng làm giảm GDP của thế giới trong ngắn hạn, làm chậm đà tăng nhu cầu dầu thô, khí đốt và dầu diesel. Thêm nữa, cuộc chiến này cũng làm dấy lên mối quan ngại về an ninh năng lượng, theo Milne. Điều đó sẽ “thúc đẩy các nước tìm kiếm những nguồn cung gần hơn với họ, thay vì tìm kiếm nguồn năng lượng rẻ nhất,” ông nói.

Theo Barrons