Ủng hộ năng lượng xanh nhưng Phố Wall vẫn rót hàng trăm tỉ USD vào doanh nghiệp dầu khí

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhiều nhà đầu tư vẫn tiếp tục rót tiền cho các công ty dầu khí, với dự đoán rằng họ sẽ kiếm được bộn tiền trong nhiều năm tới và sẽ kiểm soát được công nghệ năng lượng mới.
Nhiều nhà đầu tư hy vọng rằng đạo luật mới sẽ tăng cường quá trình chuyển dịch sang các loại năng lượng tái sinh như điện mặt trời, điện gió (Ảnh: AP)
Nhiều nhà đầu tư hy vọng rằng đạo luật mới sẽ tăng cường quá trình chuyển dịch sang các loại năng lượng tái sinh như điện mặt trời, điện gió (Ảnh: AP)

Đạo luật Giảm Lạm phát mà Quốc hội Mỹ mới thông qua bao gồm kế hoạch rót vốn lên tới hàng trăm tỉ USD cho cả các công ty khởi nghiệp năng lượng tái tạo và các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Chiến lược nghe có vẻ mâu thuẫn này đã được các nhà đầu tư Phố Wall thực hiện từ lâu.

Trong khi đổ tiền cho các dự án xanh hướng tới giảm lượng khí thải carbon, các công ty ở Phố Wall vẫn tiếp tục rót vốn cho các công ty dầu khí thông qua nguồn vốn vay trực tiếp, xóa nợ hoặc đầu tư cơ sở hạ tầng.

Số tiền được huy động thông qua trái phiếu và các khoản vay phát triển dự án xanh, và số vốn dành cho các công ty dầu khí là tương đương nhau, khoảng 570 tỉ USD trong năm ngoái, theo Dealogic.

Mặc dù huy động vốn ở cả hai lĩnh vực này đã chậm lại do biến động của thị trường trong năm nay, nhưng tỷ lệ rót vốn năng lượng xanh/nhiên liệu hóa thạch gần như giữ nguyên.

Lượng trái phiếu và vốn vay thường niên theo hạng mục (Ảnh: Dealogic)

Lượng trái phiếu và vốn vay thường niên theo hạng mục (Ảnh: Dealogic)

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, việc từ bỏ hoàn toàn các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch là điều phi thực tế, bởi dầu, khí và than đá vẫn chiếm khoảng 80% năng lượng của toàn thế giới.

Tình trạng khan hiếm năng lượng và thực phẩm gây ra do cuộc chiến ở Ukraine đã nhắc lại cho chúng ta về thực tế đó, và nêu bật những rủi ro của quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái sinh mà một số nước châu Âu đang thực hiện.

Dự luật được Hạ viện Mỹ thông qua vào thứ Sáu tuần trước dường như cũng đưa ra chiến lược tương tự. Người hậu thuẫn dự luật này, nghị sĩ Joe Manchin cùng các nghị sĩ khác đã gọi đây là “chính sách đặt cược tất tay vào năng lượng”.

Chiến lược này được phản ánh trong nhiều hạng mục đầu tư, thậm chí ngay cả đối với những người muốn sử dụng nguồn tiền của họ để giải quyết những vấn đề về biến đổi khí hậu.

“Vấn đề ở đây không phải là chọn một trong hai”, Megan Starr - chuyên gia đến từ công ty đầu tư tư nhân Carlyle Group Inc. Hãng này cho hay họ sẽ làm việc với các công ty nằm trong danh mục đầu tư như Compañía Española de Petróleos SA (Cepsa) có trụ sở tại Madrid, và công ty dầu khí SieraCol Energy của Colombia.

Một phần chính thức trong Đạo luật Giảm Lạm phát chính là gói chi tiêu năng lượng, dự kiến sẽ có hiệu lực chính thức sau khi được Tổng thống Joe Biden ký duyệt trong tuần này.

Đạo luật này sử dụng công cụ miễn thuế để kích thích nguồn tiền đầu tư vào lĩnh vực sản xuất xe điện, năng lượng tái sinh và pin. Các điều khoản của đạo luật hỗ trợ giảm thiểu sử dụng dầu khí và miễn thuế đối với các công nghệ mới như lưu trữ carbon và công nghệ hydrogen, nhằm thúc đẩy các khoản đầu tư vào các lĩnh vực này.

Đảng Cộng hòa nói rằng đạo luật này sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ. Một số tổ chức thương mại công nghiệp dầu mỏ cũng chỉ trích việc tăng thuế đối với những công ty để rò rỉ khí methane và một số điều khoản khác trong đạo luật.

Nhưng nhiều người khác lại xem đạo luật này như mối lợi cho các công ty nhiên liệu hóa thạch lớn nhất, các ngân hàng và công ty đầu tư đã đổ tiền vào tất cả các dự án năng lượng thuộc đủ loại hình.

Cũng có chỉ trích rằng đạo luật này chưa đủ mạnh, nên chắc chắc sẽ cần thêm hành động quyết liệt mới có thể đạt được các mục tiêu về khí hậu.

Nhưng vẫn có nhiều nhà đầu tư vào khí hậu ủng hộ hướng tiếp cận kết hợp của đạo luật này, bởi họ cho rằng nó sẽ tạo một sân chơi công bằng cho năng lượng tái tạo và nhiên liệu hóa thạch, để cho các thị trường tự quyết định xem nên nghiêng về bên nào và giảm thiểu khí thải theo thời gian.

Các quỹ được sử dụng để giải quyết các vấn đề gây quan ngại về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) – được điều hành bởi các tập đoàn quản lý tài sản lớn như BlackRock Inc. và State Street Corp. – nắm giữ cổ phần của các công ty dầu khí như Exxon Mobil Corp và Chevron Corp.

Điều này là để duy trì một số khoản đầu tư trong ngành công nghiệp này và tránh bỏ sót khi các tài sản dầu khí vượt qua thị trường, như trong phần lớn năm nay.

Một số nhà đầu tư nói rằng, phối hợp với các công ty năng lượng để giảm phát thải là cách tốt nhất để chống lại biến đổi khí hậu.

Một số công ty như BP PLC và Shell PLC vốn đã là những tay chơi lớn trong thị trường năng lượng tái sinh, bao gồm điện mặt trời và điện gió. Nhiều nhà đầu tư cũng đánh cược rằng các công ty dầu khí – vốn có hàng chục năm kinh nghiệm – sẽ trở thành những người tiên phong trong các lĩnh vực mới như nhiên liệu tái sinh và công nghệ chôn giữ carbon dưới lòng đất vĩnh viễn.

Không chỉ có Phố Wall mới đánh cược vào sự chuyển dịch dần dần. Nhiều công ty khởi nghiệp năng lượng sạch cũng có kế hoạch sử dụng khí tự nhiên trong vòng vài năm nữa, và được hậu thuẫn bởi các công ty năng lượng truyền thống.

“Anh không thể chuyển đổi ngay được,” Shannon Miller, CEO của Mainspring Energy Inc., chuyên bán các máy phát điện sạch có thể vận hành nhờ nhiều nguồn năng lượng khác như như khí đốt, hydrogen và ammonia, nhận định. Các đối tác của Mainspring có NextEra Energy Inc. và America Electric Power Co., trong đó tỉ phú Bill Gates cũng là một trong số các nhà đầu tư của họ.

Đạo luật mới cũng giúp cho Phố Wall đạt được những cam kết về chi tiêu cho năng lượng sạch của họ. Nhiều báo cáo từ các tổ chức như Tổ chức Các nhà đầu tư Biến đổi khí hậu đã kết luận rằng, nhiều ngân hàng chưa đủ nỗ lực để đạt được các mục tiêu về khí hậu.

Giới lãnh đạo ngân hàng thì nói rằng, họ chỉ có thể làm được nhiều nhất là đóng vai trò trung gian tài chính cho các xu hướng kinh doanh được phổ cập.

Bán các tài sản nhiên liệu hóa thạch hoặc chấm dứt mối quan hệ làm ăn có lợi nhuận – sẽ bị tiếp quản bởi các công ty tài chính nhỏ hơn – không mang lại lợi ích cho khí hậu, họ nói. Các cuộc thảo luận riêng tư với các công ty này cùng với các bước đột phát công nghệ có được nhờ các khoản đầu tư của họ thường không được nêu trong những bản đánh giá về khí hậu, họ nói.

Mặc dù Phố Wall bị nhiều người chỉ trích là không dịch chuyển đủ nhanh sang năng lượng tái tạo, nhưng họ cũng được bảo vệ bởi một số nhà phân tích, những người cho rằng ESG đại diện cho sự giảm đầu tư hoàn toàn cho nhiên liệu hóa thạch.

Các bang như West Virginia đã đá JPMorgan Chase & Co., BlackRock và nhiều bên khác ra khỏi các thị trường trái phiếu đô thị của họ, một động thái có thể làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường và làm tăng chi phí vay mượn đối với người đóng thuế, theo nhiều nghiên cứu.

Ngân hàng và các quỹ quản lý tài sản đã phản ứng bằng cách nhấn mạnh rằng họ sẽ rót vốn cho tất cả các loại năng lượng./.

Theo Wall Street Journal