Cuộc chiến giá dầu Nga - Arab Saudi kết thúc: OPEC+ đạt thỏa thuận lịch sử

VietTimes -- Các nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới đã đạt được một thỏa thuận về việc cắt giảm gần 1/10 sản lượng toàn cầu, chấm dứt một cuộc chiến giá cá hủy diệt giữa Arab Saudi và Nga.
Nhu cầu dầu khí toàn thế giới đã giảm mạnh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 (Ảnh: AP)
Nhu cầu dầu khí toàn thế giới đã giảm mạnh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 (Ảnh: AP)

Sau hơn một tuần lễ với hàng loạt cú điện đàm song phương và 4 ngày họp trực tuyến giữa các vị Bộ trưởng trên khắp thế giới – trong đó có cả OPEC+ và nhóm G20 – một thỏa thuận cuối cùng đã được nhát trí nhằm giảm thiểu tầm ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với nhu cầu dầu mỏ của toàn thế giới.

Các cuộc đàm phán tưởng chừng như đã sụp đổ do sự phản kháng của Mexico, nhưng rồi lại diễn ra suôn sẻ nhờ các hoạt động ngoại giao tích cực diễn ra hồi cuối tuần trước, trong đó có sự can thiệp của cá nhân Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã giúp đưa ra một giải pháp.

“Đó là các biện pháp chưa từng có tiền lệ trong bối cảnh chưa từng có tiền lệ” – Ed Morse, chuyên viên quan sát diễn biến giá dầu mỏ thuộc hãng Citigroup, nhận định – “Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong các cuộc thảo luận về cắt giảm sản lượng dầu, Mỹ đã đóng vai trò quan trọng trong việc dàn hòa giữa Arab Saudi và Nga để có được thỏa thuận mới của OPEC+”.

Theo thỏa thuận mới, OPEC+ sẽ cắt giảm 9,7 triệu thùng dầu mỗi ngày – thấp hơn chút ít so với đề xuất ban đầu là 10 triệu thùng. Mỹ, Brazil và Canada trên giấy tờ sẽ cắt giảm thêm 3,7 triệu thùng. Giới chức OPEC hiện đang tiếp tục theo dõi phản ứng từ các nước thành viên G20.

Mexico đã giành được một chiến thắng ngoại giao bởi họ chỉ phải cắt giảm có 100.000 thùng.

Thỏa thuận của OPEC+ đã khép lại một tháng đầy bất ổn khi mà giá dầu thô Brent, vốn được xem là thước đo tiêu chuẩn giá dầu thế giới, hạ giá xuống mức thấp nhất trong gần 2 thập kỷ, còn 20 USD/thùng. Hồi đầu năm nay, giá dầu Brent là trên 70 USD/thùng. Các vị Bộ trưởng của OPEC+ đã phải chạy đua với thời gian trong cuộc họp trực tuyến hôm Chủ nhật vừa qua, chỉ 4 giờ đồng hồ trước khi thị trường dầu mỏ mở cửa trở lại, để đạt được thỏa thuận.

“Chúng tôi đã chứng minh được rằng OPEC+ đang sống” – Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi Abdulaziz bin Salman nói với Bloomberg News trong cuộc phỏng vấn được thực hiện chỉ vài phút sau khi thỏa thuận đạt được – “Tôi còn hơn cả vui mừng trước thỏa thuận này”.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang làm tê liệt ngành hàng không và các hoạt động giao thông dưới đất, nhu cầu xăng dầu, xăng máy bay và dầu diesel đã giảm đột biến. Điều này đe dọa tới tương lai của ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ, sự ổn định của các nước độc lập với dầu khí và vắt kiệt nguồn lợi nhuận thu từ dầu khí của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới.

Mặc dù Nga và Arab Saudi đã gạt đi những sự khác biệt để hướng tới thỏa thuận này, nhưng bên thắng lớn nhất dường như lại là Tổng thống Trump – người đã từ chối cắt giảm mạnh sản lượng dầu của Mỹ, trong khi cá nhân ông đứng ra dàn xếp thỏa thuận bằng những cú điện đàm với Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Quốc vương Salman của Arab Saudi.

“Thỏa thuận lớn với OPEC+ đã xong. Thỏa thuận này sẽ cứu vớt hàng trăm nghìn công việc trong ngành năng lượng ở Mỹ” – Tổng thống Trump viết trên Twitter, gửi lời cảm ơn tới ông Putin, Quốc vương Salman – “Tôi đã nói chuyện với họ…Một thỏa thuận vĩ đại cho tất cả”.

Ông Trump cũng trở thành vị Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ trong hơn 30 năm qua thúc đẩy việc áp giá dầu cao hơn.

Việc cắt giảm sản lượng dầu dự kiến sẽ kéo dài trong khoảng 2 năm, mặc dù mức cắt giảm không mạnh như trong 2 tháng đầu tiên thực hiện kế hoạch mà sẽ được điều chỉnh theo thời gian. Sau tháng 6 năm nay, mức cắt giảm 10 triệu thùng/ngày sẽ giảm xuống còn 7,6 triệu thùng/ngày và duy trì cho đến hết năm. Từ năm 2021 cho tới tháng 4/2022, mức cắt giảm sẽ là 5,6 triệu thùng/ngày.

Câu hỏi được đặt ra cho thị trường dầu mỏ là liệu mức cắt giảm của OPEC+ có đủ để vực dậy giá dầu trong bối cảnh đầy nhu cầu đang sụt giảm mạnh như hiện nay hay không.

Trong lúc nhiều quốc gia trên thế giới dự kiến kéo dài lệnh phong tỏa để chống dịch COVID-19, số người chết vì dịch bệnh tăng dần ở New York, tỷ lệ thất nghiệp bùng nổ ở Mỹ…việc đáng ngại nhất trên thị trường dầu mỏ chính là vấn đề về sức tiêu thụ chứ không phải là nguồn cung nữa.

OPEC hiểu rõ về thách thức này. Theo Bloomberg News, OPEC đã nói với các Bộ trưởng rằng họ dự kiến nhu cầu dầu mỏ trên toàn thế giới có thể giảm tới 20 triệu thùng/ngày trong tháng 4.

“Lượng cầu giảm gấp đôi so với mức cắt giảm sản lượng là 9,7 triệu thùng/ngày” – Amrita Sen, trường phòng phân tích giá dầu thuộc hãng tư vấn Energy Aspects Ltd, nhận định – “Và với việc Mexico đã làm mất rất nhiều thời gian mới chấp nhận thỏa thuận, sự tín nhiệm của nhóm này (OPEC) cũng bị ảnh hưởng”.