Cuộc chiến âm thầm của đặc nhiệm Mỹ tại 149 nước (P.2)
Tiệp Nguyễn
VietTimes -- Việc chính quyền Washington bao gồm cả nghị viện rất ít sự quan tâm tới việc kiểm soát việc triển khai lực lượng đặc nhiệm tới khắp các vùng trên thế giới có thể gây ra nhiều rủi ro cho Mỹ. Trong khi việc rút quân khỏi các cuộc chiến như Iraq được hoan nghênh thì Mỹ vẫn có thể bị kéo vào những cuộc xung đột phức tạp ở nước ngoài.
(tiếp theo kỳ trước)
Về chính thức có khoảng 5.300 quân Mỹ tại Iraq (thực tế con số có thể nhiều hơn). Rất nhiều trong số họ là lực lượng đặc biệt được sử dụng để huấn luyện và tư vấn cho quân đội chính phủ Iraq và quân người Kurd. Lực lượng tinh nhuệ Mỹ cũng giữ vai trò quyết định chống lại IS, cung cấp vũ khí và không quân bao gồm cả máy bay AC-130W Stinger II với pháo 105mm cho phép họ tham gia như lực lượng pháo binh trên không.
Trong chiến dịch này, lực lượng đặc nhiệm được "tung vào vai trò mới để phối hợp hỗ trợ hỏa lực", Linda Robinson một nhà phân tích chính về chính sách quốc tế của tập đoàn RAND, người đã dành 7 tuần tại Iraq, Syria và các nước lân cận viết: "Sự hỗ trợ về hỏa lực còn quan trọng hơn với lực lượng SDF, một nhóm vũ trang hạng nhẹ không chính quy đang là nhóm chính chống lại IS tại Syria".
Quân SDF người Kurd được lực lượng đặc biệt Mỹ hậu thuẫn.
Lực lượng đặc biệt đã đóng vai trò chính trong nỗ lực chiến tranh tại Syria. Trong khi biệt kích Mỹ bị giết trong chiến trường tại đây, nhóm ủy nhiệm của người Kurd và Ả rập - lực lượng SDF đã hoàn thành phần lớn nhất của việc chiến đấu để lấy lại phần lớn lãnh thổ từng bị IS chiếm đóng. Tướng Raymond Thomas đã thẳng thắn nói trong một Hội nghị an ninh tại Aspen, Colorado vào hè 2017: "Chúng ta đang ở giữa thủ đô của IS tại Raqqa. Chúng ta sẽ có lại nó sớm với đội quân ủy nhiệm của chúng ta, một lực lượng thay thế với quân số 50.000 người đang làm việc cho chúng ta và tuân lệnh chúng ta... Trong 2 năm rưỡi của cuộc chiến, họ đã chết hàng nghìn người và chúng ta chỉ mất 2 người. 2 cũng là số nhiều nhưng các bạn biết đấy bù lại chúng ta sẽ không có những tổn thất mà Mỹ đã từng phải chịu ở đâu đó".
Năm ngoái, nhân viên thuộc lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã bị giết tại Iraq, Syria, Afghanistan, Yemen, Somalia và các nước vùng ven biển châu Phi như Niger và Mali (cũng có những thông báo chỉ ra một lính mũ nồi xanh bị chết do SEAL). Tại Lybia, SEAL đã bắt cóc một đối tượng tình nghi của vụ tấn công năm 2012 ở Benghazi khiến 4 người Mỹ chết bao gồm cả đại sứ J. Christopher Stevens. Tại Philippines, lực lượng đặc biệt Mỹ đã tham gia cuộc chiến kéo dài nhiều tháng để lấy lại thành phố Marawi sau khi đô thị này bị đội quân khủng bố Hồi giáo chiếm vào đầu năm 2017.
Lực lượng đặc biệt của NATO.
Nhưng danh sách điểm nóng khủng bố tăng lên cũng chỉ là một phần của câu chuyện. Tại Châu Phi, các quốc gia mà ông Thomas chỉ ra như Somalia, Lybia và các nước vùng ven biển Châu Phi chỉ là một nhóm nhỏ các nước mà biệt kích Mỹ triển khai năm 2017. Theo thông tin từ Vice News, lực lượng đặc biệt Mỹ đang hoạt động tích cực ở ít nhất 33 nước trên châu lục cùng với những đội quân tập trung ở trong và xung quanh các nước - đang là nhà của những nhóm có con số tăng trưởng ấn tượng mà Trung tâm nghiên cứu chiến lược của Lầu Năm Góc gọi là "các nhóm quân Hồi giáo hoạt động tích cực". Trong khi phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ - thiếu tá Audricia Harris không cung cấp chi tiết về các hoạt động tác chiến được thực hiện bởi lực lượng tinh nhuệ, người ta biết những hoạt động chiến tranh được chỉ đạo từ các sứ quán Mỹ.
Dữ liệu được cung cấp bởi SOCOM cho thấy sự hiện diện của lực lượng đặc nhiệm Mỹ trên 33 nước Châu Âu năm 2017. "Ngoài Nga và Belarus, chúng ta thực hiện huấn luyện với hầu hết các nước Châu Âu qua những sự kiện song phương hay đa quốc gia", thiếu tá Michael Weisman phát ngôn viên của Trung tâm chỉ huy lực lượng đặc biệt Mỹ tại Châu Âu cho biết. Trong 2 năm trước, thực tế Mỹ duy trì đội quân thuộc lực lượng đặc biệt ở hầu hết các nước nằm ở biên giới phía tây nước Nga.
"Chúng ta có sự hiện diện tại mọi đất nước. Tất cả các nước NATO và những nước ở biên giới với Nga để thực hiện những công việc phi thường với đồng minh của chúng ta, giúp họ chuẩn bị cho các mối đe dọa", ông Raymond Thomas đề cập tới các nước vùng Baltic như Romania, Ba Lan, Ukraine và Georgia bằng tên.
Tướng Charles Cleveland - tư lệnh của SOCOM từ 2012 tới 2015.
Những hoạt động này được gọi là "những chiến dịch không được tuyên bố" của biệt kích theo lời của tướng Charles Cleveland - tư lệnh của SOCOM từ 2012 tới 2015 và hiện tại là hiệu trưởng của Trường cao đẳng quân sự của lục quân Mỹ. Thiếu tá Weisman đã làm phản lại những lời của ông khi nói: "Lực lượng đặc biệt Mỹ được triển khai liên tục với lời mời của các đồng minh của chúng ta tại các nước vùng Baltic và Ba Lan kể từ năm 2014 là một phần cho sự mở rộng của chương trình răn đe chủ động ở Châu Âu của Bộ Quốc Phòng và trung tâm chỉ huy quân sự Mỹ tại Châu Âu... sự hiện diện liên tục của lực lượng đặc biệt Mỹ bên cạnh các đồng minh gửi một thông điệp rõ ràng về cam kết của Mỹ với các đồng minh và sự phòng thủ của đồng minh NATO".
Châu Á cũng là một khu vực cốt yếu của đội quân tinh nhuệ Mỹ. Ngoài Nga, Iran ông Raymond Thomas còn liệt kê thêm Trung Quốc và Triều Tiên là những nước "đang trở nên hung hăng hơn khi thách thức những lợi ích của Mỹ và các đối tác thông qua cách sử dụng những phương pháp bất đối xứng thường đẩy tới ngưỡng xảy ra một cuộc xung đột thông thường". Ông tiếp tục nói về "khả năng lực lượng đặc biệt của chúng ta tạo ra những chiến dịch tác chiến đặc biệt có tính 'minh bạch thấp' trong môi trường chính trị nhạy cảm, khiến họ thành những nhân tố duy nhất để chống lại những hoạt động thâm hiểm của kẻ thù trong lĩnh vực này".
Lực lượng Delta Force của Mỹ.
Sự đe dọa binh đao giữa Mỹ và Triều Tiên đã khiến phân đội lực lượng đặc biệt của Hàn Quốc - đơn vị phục vụ lực lượng đặc biệt Mỹ lâu đời nhất trên thế giới phải cảnh giác. Lực lượng này sẽ phải hành động nếu chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên. Nếu có xung đột, lực lượng tinh nhuệ của Mỹ và Hàn Quốc sẽ liên kết dưới "cái ô" lực lượng đặc nhiệm liên hợp tác chiến chiến tranh không thông thường. Vào tháng 3.2017, những lính biệt kích, các thành viên lực lượng Delta Force và SEAL đã tập huấn trong cuộc tập trận Đại bàng non (Foal Eagle) - một cuộc tập trận chung thường niên giữa lực lượng quân đội chính quy Mỹ và Hàn Quốc.
Lực lượng đặc nhiệm Mỹ cũng dính líu tới việc huấn luyện và các hoạt động khác dọc châu Á và Thái Bình Dương. Vào tháng 6.2017, tại Okinawa Nhật Bản, các phi công thuộc hạm đội đặc biệt số 17 (17th SOS) đã thực hiện cuộc tập trận thường niên "Day of Jakal", với 5 máy bay MC-130J Commando II thuộc Bộ chỉ huy chiến dịch đặc biệt Không quân Mỹ thực hành các nhiệm vụ "thả dù, hạ cánh, xâm nhập nhanh và đánh cắp thiết bị". Trung tá Patrick Dube của hạm đội 17 cho biết: "Cuộc tập trận cho thấy chúng tôi có khả năng tham gia các nhiệm vụ cho cả Bộ chỉ huy chiến dịch đặc biệt Hàn Quốc và Bộ chỉ huy chiến dịch đặc biệt Thái Bình Dương trên những vùng chiến sự tại Thái Bình Dương".
Cùng thời điểm, các thành viên thuộc đơn vị đặc nhiệm số 353 của Không lực Mỹ thực hiện Chương trình Đào tạo và Tập trận kết hợp Teak Jet hay JCET - nhiệm vụ để nâng cao khả năng kết hợp quân sự giữa Mỹ và lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Vào tháng 6 và 7.2017, các nhà phân phân tích tình báo thuộc đơn vị 353 tham gia cuộc tập trận chung lớn nhất mang tên Talisman Saber 2017 tại lãnh hải Australia.
Thêm nhiều đặc nhiệm nữa cho chiến tranh
Sự gia tăng đều đặn số lượng của những đội quân tinh nhuệ, các nhiệm vụ và sự triển khai quân tại nước ngoài kể từ sau vụ 11.09 có vẻ sẽ không dừng lại dù trong nhiều năm những chuyên gia và những người ủng hộ lực lượng đặc biệt đã lo lắng về những hệ quả của các chiến dịch với tần suất cao của đội quân này. Tướng Thomas phát biểu vào đầu năm 2017: "Hầu hết các đơn vị lực lượng đặc biệt đều đang hoạt động hết công suất... Với những đòi hỏi không ngừng tăng lên với lực lượng đặc biệt, chúng ta phải ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ này vì chúng ta đang đối mặt với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường an ninh". Và số nước Mỹ triển khai lực lượng đặc biệt tăng lên con số kỷ lục là 149 vào năm 2017. Năm 2015, dưới thời ông Obama việc triển khai đạt tới con số 147.
Trong cuộc họp về các chiến dịch đặc biệt tại Washington D.C các thành viên của Ủy ban quân vụ Thượng viện đã biết về trạng thái "căng" của lực lượng. Chủ tịch Ủy ban ông Mac Thornberry một chính trị gia Đảng cộng hòa nói: "Tôi lo ngại về việc quá lạm dụng lực lượng đặc biệt". Giải pháp đưa ra bởi ông Jack Reed người theo Đảng dân chủ trong Ủy ban và thượng nghị sĩ Đảng cộng hòa Joni Ernst - một cựu binh đã từng phục vụ tại Iraq là tăng quy mô của Bộ chỉ huy chiến dịch đặc biệt lên. Ông Reed nói: "Chúng ta cần tăng quân số và nguồn lực".
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham.
Ý muốn mở rộng các chiến dịch đặc biệt đến vào thời điểm các thượng nghị sĩ như ông Lindsey Graham đang nhận thức được họ không biết lực lượng tinh nhuệ Mỹ đang được triển khai ở đâu và chính xác thì họ đang làm gì ở những vùng đất xa xôi trên thế giới. Các chuyên gia chỉ ra sự nguy hiểm của việc mở rộng các chiến dịch: số lượng những nhóm khủng bố và vùng chiến sự tăng cao kể từ 11.09 và những nhiệm vụ đặc biệt "không công khai" sẽ có kết quả ngược lại không thể dự đoán trước.
Ông William Hartung nói: "Hầu hết số lượng các nhiệm vụ được triển khai của lực lượng đặc biệt Mỹ trong những năm qua rất khó để xác định. Nhưng một vài thành viên trong nghị viện vẫn bình thản... Đây là một sai lầm lớn. Nếu không kiểm soát các chiến lược của quân đội Mỹ trải rộng trên thế giới ở kỷ nguyên hậu 11.09 thì sẽ gây ra nhiều cái hại hơn là lợi và đạt được rất ít hiệu quả trong việc ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố".
Nhưng với sự triển khai các nhiệm vụ đặc biệt tăng lên dưới thời tổng thống Bush và Obama và việc chính quyền của ông Trump sử dụng biệt kích trong các cuộc chiến không công khai ở những nơi như Somalia và Yemen, những hiện tượng này cho thấy có rất ít sự quan tâm của Nhà Trắng hay các nghị sĩ trong việc kiểm soát các vùng địa lý và sự triển khai của đạo quân bí mật nhất nước Mỹ.
Theo nhiều chuyên gia hậu quả có thể sẽ rất nặng nề. Ông Hartung nhấn mạnh: "trong khi việc rút quân khỏi những cuộc chiến như thời chính quyền Bush xâm lược Iraq đang được hoan nghênh thì sự tăng nhanh của các lực lượng đặc biệt lại mang theo một mối nguy hiểm khác. Điều này sẽ kéo Mỹ vào những cuộc xung đột phức tạp tại nước ngoài".