Cuộc chạy đua đại bác hạt nhân Liên Xô - Mỹ

Những năm 1950, khi tên lửa liên lục địa chưa phát triển lắm, cả Liên Xô và Mỹ đều chạy đua phát triển đại bác bắn đạn hạt nhân.
Lần bắn thử quả đạn hạt nhân của khẩu đại bác M65 của Mỹ ở Nevada ngày 25.5.1953
Lần bắn thử quả đạn hạt nhân của khẩu đại bác M65 của Mỹ ở Nevada ngày 25.5.1953

Đài truyền hình quân đội Nga ngày 23.9 cho biết tuy lúc đó hai siêu cường đã có bom hạt nhân, nhưng vẫn chạy đua phát triển lên lửa mang đầu đạn hạt nhân và cả đại pháo bắn đạn hạt nhân.

Liên Xô lúc đó có loại pháo tự hành biệt danh “đại pháo cha” nặng 64 tấn Kondensator-2P, chế đúng 4 chiếc (tổ lái và điều khiển 8 người), từng diễu hành trên Quảng trường Đỏ năm 1957. Khẩu pháo này bắn đạn loại 406 mm, nặng 570 kg đi xa 25,6 km. Loại đầu đạn hạt nhân có thể trang bị cho khẩu đại pháo này.

Tuy nhiên loại khung gầm xe để tải khẩu pháo đồ sộ này khiến các kỹ sư Liên Xô phải bạc tóc, và họ dùng khung gầm xe tăng hạng nặng T-10M để bố trí khẩu đại pháo, có cải tiến và thêm phần làm nguội nòng pháo.

Loại đạn thông thường của khẩu pháo này là SM-54 to như một chiếc ô tô con, còn loại đạn hạt nhân RDS-41 nặng gần 600 kg bắn xa 25 km có sức nổ 14KT (tương đương 14.000 tấn thuốc nổ TNT).

Cuộc chạy đua đại bác hạt nhân Liên Xô - Mỹ ảnh 1

Đại pháo tự hànhKondensator-2P, chế đúng 4 chiếc, diễu hành trên Quảng trường Đỏ năm 1957

Tuy vậy khi thử nghiệm khẩu pháo này thì có vấn đề, đó là sau khi khai hỏa thì các thiết bị thủy lực và liên lạc không hoạt động một thời gian, xe bị giật lùi một khoảng cách 7 - 8 m. Thời gian bắn giữa 2 phát là mất 5 phút.

Nhiều cải tiến được thêm vào và sau thời gian thử nghiệm, khẩu đại pháo này được cho là sẵn sang tác chiến, hỗ trợ cho lực lượng tăng thiết giáp và bộ binh. Bất tiện là khẩu đại pháo này không thể qua các cây cầu vì quá nặng. Tuy nhiên nó vẫn có vị trí nhất định đến cuối những năm 1960 khi các tên lửa đạn đạo được đưa vào biên chế.

Khẩu pháo khủng thứ hai là 2B1 Oka (nặng 55,3 tấn) với nòng súng dài 20 m, có đường kính nòng còn ghê hơn là 420 mm, bắn viên đạn nặng hơn 600 kg đi xa hơn 50 km (theo lý thuyết). Các nhà khoa học quân sự mô tả khi quả đạn (loại đạn thông thường) này nổ, tạo ra chấn động như một trận động đất nhỏ.

Khẩu pháo này khi bắn gây ra tiếng nổ lớn đển độ hầu hết các pháo thủ sau này đều mắc bệnh về tai, thính lực suy giảm. Mỗi lần bắn phải mất 5 phút mới có thể bắn phát thứ hai.

Khẩu Oka này chế tạo chủ yếu chế tạo để nghiên cứu hơn là trang bị cho quân đội.

Cuộc chạy đua đại bác hạt nhân Liên Xô - Mỹ ảnh 2

Khẩu Oka tại Bảo tàng pháo binh ở St.Petersburg - Ảnh: wikipedia

Mỹ đã nghiên cứu phát triển loại đại pháo bắn đạn hạt nhân sớm hơn Liên Xô. Năm 1950 Mỹ phát triển khẩu T-131 (M65) với nòng dài 11,7 m, bắn quả đạn loại 280 mm (nặng 365 kg), và bắn được đầu đạn hạt nhân loại W-9 (15 KT). Tuy nhiên khẩu pháo này còn nặng hơn cả khẩu pháo khủng của Nga: 85 tấn.

Người Mỹ có cách giải quyết việc di chuyển khẩu pháo này bằng cách tháo rời nhiều phần của pháo và chở bằng 2 xe tải loại Peterbilt. Khi đến vị trí tác chiến thì lắp ráp, và việc này mất 3 - 6 giờ tùy kinh nghiệm của pháo thủ và chuyên viên.

Khẩu pháo của Mỹ có thể bắn quả đạn bay xa 30 km. Ở Okinawa, loại pháo này trong một lần thử đã bắn xa hơn 60 km.

Cuộc chạy đua đại bác hạt nhân Liên Xô - Mỹ ảnh 3

Khẩu T-131 (M65) của Mỹ - Ảnh: globalsecurity

Theo wikipedia, lúc 8 giờ 30 ngày 25.5.1953, tại bãi thử ở Khu vực 5 tại bang Nevada, khẩu M65 số 9 đã bắn thử quả đạn hạt nhân W-9 có sức nổ 15 KT. Quả đạn này đã nổ ở phía trên mục tiêu (ở xa 11 km) khoảng 160 m. Sau lần bắn thử đạn hạt nhân và cũng là duy nhất này, có 20 khẩu được sản xuất.

Đến cuối năm 1953, Mỹ xây dựng được 6 pháo đội di động M65 và bố trí tại châu Âu (20 khẩu) và Okinawa (6 khẩu). Cho đến năm 1955 những khẩu pháo này vẫn được xem là át chủ bài hạt nhân trên bộ của Mỹ. Đến tháng 12.1963, những pháo đội này bị dẹp bỏ khi các tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân thế chỗ chúng.

Xem lần bắn thử đạn hạt nhân của khẩu pháo M65 của Mỹ:

Theo Thanh Niên