Cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh tại Việt Nam: Cần một chính sách thích hợp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ngày 3/8/2023, Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và Hiệp hội Internet Việt Nam đã phối hợp tổ chức toạ đàm về Dịch vụ Internet vệ tinh và đề xuất nội dung sửa đổi trong Dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi.

Ông Nguyễn Phương Tuấn - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu khai mạc
Ông Nguyễn Phương Tuấn - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Phương Tuấn – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, theo Luật Viễn thông hiện hành, hoạt động cung cấp dịch vụ Internet phải do doanh nghiệp trong nước thực hiện.

Tuy nhiên, thực tế của dịch vụ Internet qua vệ tinh đang do các nhà cung cấp nước ngoài thực hiện. Thực tế này là không phù hợp với các luật lệ hiện hành của Việt Nam, trong đó có cả Luật Đầu tư Nước ngoài. Vì thế, việc sửa đổi, bổ sung Luật Viễn thông và một số bộ luật khác là điều phải thực hiện vì thực tế đòi hỏi.

Theo ông Vũ Hoàng Liên – Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, với những nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước, Internet đã được cung cấp đến 78 triệu người dân. Tuy nhiên, diện phủ sóng Internet vẫn chưa đạt tới 100% lãnh thổ và các doanh nghiệp trong nước cũng rất khó thực hiện cung cấp dịch vụ này cho các đối tượng hoạt động trên biển.

Chính vì vậy, những nơi chưa được phủ sóng Internet và những đối tượng hoạt động trên biển rất cần tới dịch vụ Internet vệ tinh và cần có quy định để họ có thể sử dụng dịch vụ này của các nhà cung cấp nước ngoài.

Thêm nữa, Internet vệ tinh cũng rất cần là dịch vụ dự phòng khi xảy ra sự cố đứt cáp quang. Ông cũng cho biết là một số nước ở Đông Nam Á như Malaysia, Philippines và Singapore đã sửa Luật Viễn thông của họ để các nhà cung cấp nước ngoài chính thức khai thác thị trường Internet vệ tinh kể từ năm 2023.

Một chuyên gia ngành viễn thông cho biết hiện có tới 20.000 thuê bao Internet vệ tinh tại Việt Nam, tập trung chủ yếu ở các vùng chưa có Internet hoặc ngư dân sử dụng khi đi biển, với trang bị thiết bị kết nối được mua từ thị trường nước ngoài.

Theo các chuyên gia, Internet vệ tinh là giải pháp rất cần thiết tại Việt Nam và cần tạo điều kiện để các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài có thể tham gia vào thị trường này.

Ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, cho rằng cần phải đánh giá đầy đủ các yếu tố về phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng và an toàn thông tin khi triển khai dịch vụ Internet vệ tinh. Mục đích nhằm phát triển thị trường nhưng cũng đảm bảo an ninh quốc phòng và an toàn thông tin.

Ông Vũ Tuấn Thành – đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ ASEAN đề nghị, Luật Viễn thông sửa đổi cần ghi rõ việc ưu tiên ứng dụng các công nghệ mới trong viễn thông mà trong đó có thực tế của Internet vệ tinh. Với điều khoản này, về cơ bản là dịch vụ Internet vệ tinh do nước ngoài cung cấp đã được chấp thuận./.