Cung cách triển khai Chương trình đổi mới 2018: Quá nhiều điều lo lắng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Đang có những lỗ hổng, những sự cẩu thả và cả thiếu trách nhiệm trong khâu chuẩn bị cho việc áp dụng Chương trình mới 2018. Và điều này đã bắt đầu báo hiệu một tương lai đáng lo lắng không thể thờ ơ.
Ảnh minh hoạ: tuyengiao.vn
Ảnh minh hoạ: tuyengiao.vn

LTS: VietTimes xin giới thiệu những nhận định tâm huyết của một cô giáo chuyên văn THPT, về công tác chuẩn bị cho việc áp dụng "Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018"

Như chúng ta đã biết, Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 đã được triển khai cho lớp 1 vào năm học 2020-2021, sẽ được triển khai cho lớp 2 và lớp 6 vào năm học này (2021-2022) và từ năm sau (2022-2023) sẽ được triển khai cho lớp 10. Những hạt sạn trong sách giáo khoa lớp 1, những bất cập trong triển khai chương trình đổi mới ở cấp tiểu học đã được nhiều cây bút đề cập. Với tư cách là người trong cuộc – một giáo viên THPT đang chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình mới vào năm sau, bản thân tôi rất trăn trở và lo lắng về tương lai của công cuộc đổi mới giáo dục, xin phép được chia sẻ suy nghĩ cá nhân cùng bạn đọc với mong muốn chúng ta cùng nhìn rõ thực trạng, có những điều chỉnh kịp thời để hạn chế tối đa những bất cập trong quá trình tổ chức nhằm tránh những “chấn thương” không đáng có đối với các em học sinh.

I. Để bắt đầu công cuộc đổi mới giáo dục – công cuộc thiêng liêng và nhiều khó khăn – cần một sự chuẩn bị chu đáo cả về nhân lực và vật lực.

Một sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tính toán tỉ mỉ những vấn đề có thể phát sinh thì quá trình tổ chức sẽ diễn ra thuận lợi, hạn chế được những điều không đáng có. Ngược lại, một sự chuẩn bị qua quýt sẽ dẫn tới những hậu quả không thể nào khắc phục được. Muốn đạt được hiệu quả thực chất, công cuộc đổi mới lần này đòi hỏi có một sự chuẩn bị chu đáo thế nhưng thực tế đang ra sao? (Ở đây tôi chỉ xin được đề cập đến sự chuẩn bị ở cấp THPT kể từ khi chương trình mới được ban hành)

1. Đòi hỏi cán bộ quản lý đổi mới tư duy, tuy nhiên thực tế vẫn chưa thấy sự chuyển biến nào đáng kể, ít nhất là từ cán bộ quản lý cơ sở.

Quản lý các cấp đều quan trọng tuy nhiên nhân sự quản lý cấp cơ sở là nhân tố then chốt quyết định hiệu quả của quá trình dạy-học bởi họ trực tiếp tham gia và quản lý. Thúc đẩy đổi mới hoặc làm trì trệ quá trình này, tôi nghĩ phần lớn là ở Ban giám hiệu các trường.

Chương trình mới còn đúng 01 năm nữa sẽ tiến hành thực hiện với khối 10, song cho đến lúc này, theo cảm nhận của tôi, tư duy của những nhà quản lý giáo dục ở cơ sở vẫn rất cũ. Những nhà quản lý không cần biết anh dạy được gì cho học sinh, họ chỉ chú ý tới điểm số, chỉ chú ý tới xếp hạng và cá biệt có những trường thuộc lực lượng tiên phong của công cuộc đổi mới nhưng vẫn thực hiện quản lý bằng tuần tra, ghi lỗi với một buổi dạy luôn có 3 lực lượng kiểm tra (văn phòng, ban thi đua-nền nếp và cả ban giám hiệu trực, đặc biệt có những hôm sẽ có sự tham gia của hiệu trưởng), giáo viên khi lên lớp không được ngồi, chỉ được phép ngồi khi ký sổ đầu bài; nếu đi kiểm tra không thấy giáo viên đang nói mà thấy học sinh ngồi thảo luận thì sẽ đánh giá là lười dạy, có thể bị kiểm điểm, nhắc nhở; học sinh sôi nổi cũng nhắc nhở và ngược lại để học sinh gật gù thì giáo viên cũng không tránh khỏi một lỗi vào sổ trực và sẽ được “vinh dự” xuất hiện trên lịch tuần vào sáng thứ Hai tuần mới.

Bên cạnh đó, có một việc rất phổ biến ở tất cả các trường, đó là chạy theo những việc rất hình thức như dự giờ, dự giờ đột xuất, thi giáo viên giỏi, viết sáng kiến kinh nghiệm v.v., những việc chẳng giúp ích gì trong việc nâng cao chất lượng dạy học nhưng ngốn phần lớn thời gian của thầy cô và nghiêm trọng hơn đó là một hình thức của sự tra tấn về tinh thần đối với giáo viên, những việc vô bổ như thế đang đày ải họ vào sự rã rời và chán chường. Hỡi ôi, với lối tư duy thủ cựu như thế làm sao để bắt nhịp được với quá trình đổi mới đang đến rất gần?

2. Đòi hỏi giáo viên đọc và nắm vững tinh thần chương trình mới tuy nhiên số giáo viên thực sự nắm rõ là rất ít.

Giáo viên là người trực tiếp quyết định tới sự thành, bại của công cuộc đổi mới giáo dục. Lực lượng này cần nắm vững tinh thần đổi mới, được trang bị và thực hiện một cách thuần thục cách thức dạy học kiểu mới. Thế nhưng thực trạng đang diễn ra là như thế nào? Vâng, số giáo viên thực sự nắm rõ là rất ít. Khi tôi viết như thế, chắc hẳn nhiều người sẽ bảo rằng giáo viên đã được tập huấn tại sao lại không nắm được? Xin thưa rằng, vấn đề chính là chỗ tập huấn ấy. Việc tập huấn dành cho giáo viên cho đến nay ở một số địa phương mới được 1/3 số nội dung cần tập huấn. Như vậy, cho đến lúc này, khi chỉ còn đúng 1 năm nữa sẽ thực hiện thì giáo viên vẫn chưa thấy được một cách trọn vẹn chương trình mới chứ đừng nói tới việc đã thuần thục.

Giáo dục mới quán triệt phương châm "lấy học sinh làm trung tâm" - ảnh minh hoạ: Giaoduc online

Giáo dục mới quán triệt phương châm "lấy học sinh làm trung tâm" - ảnh minh hoạ: Giaoduc online

Đấy là chưa kể tới hiệu quả thực chất của chương trình tập huấn ấy. Tập huấn được triển khai bằng hình thức trực tuyến, hệ thống câu hỏi trên chương trình này đã có hướng dẫn trả lời trên các trang mạng, giáo viên cứ thao tác cắt-dán là xong còn câu hỏi tự luận thì giống nhau một khuôn bởi hiệu ứng chia sẻ từ một nguồn…và sau cuối, giáo viên vẫn rất mù mờ mặc dù chữ “Đạt” đã hiện lên ở phần kết quả. Giáo viên là lực lượng trực tiếp quyết định đến hiệu quả đổi mới nhưng xem chừng với lực lượng này, mọi thứ quá mịt mờ. Đừng vội đánh giá cái nhìn của tôi tiêu cực, hãy “vi hành” kiểm tra những lời tôi nói.

3. Đòi hỏi giáo viên được đọc và chọn sách giáo khoa tuy nhiên thực tế sách giáo khoa hoàn thành quá muộn và việc chọn sách có thuộc quyền của giáo viên không?

Theo tôi được biết, cho đến lúc này, sách giáo khoa lớp 10 đang trong quá trình thẩm định – nghĩa là nó chưa hoàn thiện. Và đến bao giờ mới có sách giáo khoa để giáo viên tiếp cận vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp cụ thể. Đấy là một sự chậm trễ! Chính sự chậm trễ này sẽ nảy sinh những cẩu thả trong quá trình kiểm duyệt dẫn tới những hạt sạn là không thể tránh khỏi. Và có sách rồi thì sao? Giáo viên có quyền đọc để chọn sách không? Hay cả tỉnh/ thành phố thậm chí cả một khu vực dùng một bộ? Mặc dầu biết rằng với tinh thần đổi mới, sách giáo khoa không là pháp lệnh mà chương trình mới là pháp lệnh. Song thực tế đi dạy cho thấy dù sao sách giáo khoa vẫn là phương tiện quan trọng của quá trình dạy-học. Nhưng với tiến độ này, sự chuẩn bị của giáo viên cho năm học tới sẽ vô cùng cập rập, thậm chí hẫng nhịp với yêu cầu đổi mới.

4. Đòi hỏi học sinh có sự chuẩn bị tâm thế để nhập cuộc nhưng thực tế khái niệm “Chương trình giáo dục phổ thông mới” vẫn rất xa lạ với các em.

Bất cứ một sự đổi mới nào cũng phải có những chuyển biến từ trước và công cuộc đổi mới giáo dục cũng vậy. Học sinh là đối tượng tham gia trực tiếp vào khâu thực hiện nên phải được chuẩn bị trước về tâm thế với những việc làm cụ thể, đó là giới thiệu cho các em hiện nay đang học lớp 9 biết tinh thần của chương trình mới và đánh động các em về cách học mới ngay từ bây giờ bằng một số hoạt động thiết thực như thuyết trình, thảo luận, viết chuyên đề, hoàn thành dự án v.v., để khi vào guồng quay của chương trình mới các em không bị bỡ ngỡ, và có thể bắt nhịp được ngay.

Thế nhưng thực tế thì ngay cả giáo viên THPT – lực lượng sắp tới sẽ đảm nhiệm vai trò dẫn đường còn chưa thấy nóng lòng thì giáo viên THCS đang dạy chương trình cũ làm sao đã hiểu để làm công tác chuẩn bị như chúng ta nói ở trên! Và rồi chuyện gì sẽ xảy ra khi năm học tới bắt đầu? Học sinh lạ lẫm, bối rối và kết hợp với sự mù mờ của giáo viên như đã đề cập thì sự mất phương hướng dẫn tới chán học là điều sẽ diễn ra.

5. Đòi hỏi bãi bỏ sự áp đặt, khuôn mẫu nhưng trong thực tế chính giáo viên vẫn còn bị áp đặt, làm theo khuôn mẫu

Nhằm phát triển phẩm chất và năng lực của người học, đòi hỏi phải bỏ sự khuôn mẫu, áp đặt. Để làm được điều này thì chính giáo viên phải là những người được tháo bỏ những áp đặt về tư duy, đặc biệt là cách thức dạy học. Một khi giáo viên còn bị ràng buộc bởi vô số những cái “mẫu”: mẫu giáo án, mẫu bài dạy, thậm chí là mẫu sổ điểm, mẫu kế hoạch dạy học…thì sẽ không thể nào có sự đổi mới nào thực chất. Thầy làm theo mẫu sẽ tạo nên những thế hệ học trò làm theo mẫu. Đó là kết quả không thể khác được.

Từ thực tế chuẩn bị như đã nêu trên, việc tổ chức triển khai và kết quả như thế nào chắc hẳn ai cũng hình dung được. Và đối tượng gánh lấy những hậu quả ấy là ai? Chính là học sinh! Các em sẽ là nạn nhân của sự tắc trách này.

II. Vậy, đứng trước một công cuộc đổi mới không thể hoãn lại, cũng không còn nhiều thời gian nữa, chúng ta có thể làm gì?

1. Bộ chủ quản cần phát huy vai trò quản lý của mình và tăng cường thâm nhập thực tế, đừng chỉ đánh giá hiệu quả dựa vào những báo cáo đẹp đẽ, hãy lắng nghe dư luận để có những điều chỉnh sớm nhất có thể.

2. Cần xóa bỏ hoàn toàn những nhiệm vụ không tên cho giáo viên, nhiệm vụ của giáo viên là làm tốt việc giáo dục học sinh – chỉ vậy mà thôi. Đồng thời xóa bỏ những cuộc thi vô bổ, chạy theo những thứ phù phiếm: thi giáo viên giỏi, thi sáng kiến kinh nghiệm, cả thi học sinh giỏi nặng tính thành tích để giáo viên có thể tập trung toàn lực vào công cuộc đổi mới.

3. Cần giao sự tự chủ cho giáo viên trong việc quyết định lựa chọn sách giáo khoa, cách thức dạy học, phát huy tính sáng tạo của giáo viên bằng cách bỏ các mẫu trong dạy-học.

4. Giáo viên cần nâng cao ý thức trách nhiệm và sự tự trọng. Chỉ khi giáo viên có ý thức được trách nhiệm của mình và có lòng tự trọng mới hòng thay đổi được giáo dục. Bằng không, chỉ có sự thụt lùi mà thôi.

5. Cần chuẩn bị tâm thế cho sự nhập cuộc của học sinh ngay từ bây giờ. Để làm được điều này một cách thống nhất cần có sự đánh động bằng một văn bản điều hành từ trên xuống. Máy bay muốn cất cánh phải chạy lấy đà, tập thể dục muốn không bị chuột rút phải khởi động và đổi mới giáo dục muốn không bị hụt hẫng cần có những bước chuẩn bị tâm thế nhập cuộc. Đó là việc làm vô cùng cần thiết ngay từ lúc này.

6. Trong công tác chuẩn bị và cả việc triển khai dạy học theo chương trình mới, chuyển đổi số phải thật sự đi vào thực chất bằng những ứng dụng và tận dụng một cách có hiệu quả như là sự hỗ trợ của một nhân tố hữu cơ, chứ không thể lãng phí như hiện tại khi mà công nghệ thông tin chỉ chủ yếu phục vụ cho việc chia sẻ tài liệu và cắt dán các câu trả lời nhằm đối phó với các đợt tập huấn như đang diễn ra.

Khi thực hiện chương trình đổi mới, tôi nghe rất nhiều ý kiến bao biện, rằng cái gì cũng vậy, mới thực hiện thì sẽ không tránh khỏi sai sót, cần phải chấp nhận điều đó và rút kinh nghiệm để khắc phục vào những năm tiếp theo. Đồng ý rằng tìm một sự hoàn hảo với vạn sự, vạn vật là một điều bất khả song vin vào điều đó để làm ẩu, làm đại thì thật đáng trách, đặc biệt là công tác giáo dục, bởi giáo viên thì sẽ có mấy chục thế hệ học trò, còn mỗi học trò thì chỉ có một lần trải nghiệm mà thôi. Khiến các em bối rối và thậm chí là lạc hướng bởi sự ẩu tả, mù mờ của những người làm giáo dục – những người gánh trên vai sứ mệnh dẫn đường – là một tội lỗi không thể dung thứ.

Chúng ta đã chi một nguồn kinh phí khổng lồ cho công cuộc đổi mới này với mong muốn nhận lại những điều tốt đẹp cho con em, đó cũng là sự đầu tư cho tương lai của đất nước. Vậy hãy làm ngay những điều có thể nhằm khắc phục những hạn chế đã và đang diễn ra để tránh những thất vọng về kết quả của công cuộc hệ trọng và thiêng liêng này.