Vừa qua, tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề xuất Chính phủ cho TP thí điểm thu phí dịch vụ đối với việc cung cấp, chia sẻ dữ liệu dân cư.
Theo ông Chung, việc thu phí thực hiện khi cơ quan chức năng cung cấp dữ liệu dân cư cho các ngành như ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác.
Thông tin nào thì phải nộp phí?
|
Theo đó, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Công dân được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tổ chức và cá nhân không thuộc các trường hợp trên có nhu cầu khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an và công an địa phương - PV) theo quy định của pháp luật.
Theo đại diện C72, đơn vị đang phát phiếu thu thập thông tin về dân cư trên toàn quốc để xây dựng một trung tâm dữ liệu phục vụ cho việc giải quyết thủ tục hành chính. Dự kiến đến năm 2020, đơn vị hoàn thiện trung tâm và khi đó việc thu phí dịch vụ sẽ bắt đầu.
Trả lời báo chí về vấn đề này, Thượng tá Phú cho biết thêm: “Các tổ chức chỉ được gửi phiếu sang Bộ Công an đề nghị xác minh các thông tin về dân cư là đúng hoặc sai. Họ không được tiếp cận toàn bộ dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ mục đích riêng, vì vậy sẽ không có việc lộ, lọt thông tin cá nhân ra ngoài”.
Về vấn đề loại thông tin nào trong dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được cho khai thác và phải nộp phí, ông Phú cho hay Luật Căn cước công dân và Nghị định 137/2015 thi hành luật chưa quy định cụ thể nội dung này. Thời gian tới, Bộ Công an sẽ chủ trì xây dựng danh mục các loại thông tin được thu phí khi Cơ sở dữ liệu quốc gia hoàn thiện.
Đề xuất thu phí từ 800 đến 250.000 đồng
Trong một diễn biến khác, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư quy định mức thu, chế độ thu-nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo đó, người nộp phí gồm cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có văn bản yêu cầu khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và được sự đồng ý của cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (trừ các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 10 Luật Căn cước công dân).
Tổ chức được thu phí gồm: Cục C72; Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội công an tỉnh/TP trực thuộc trung ương; công an các quận/huyện thuộc TP trực thuộc trung ương; công an các huyện/thị xã/TP thuộc tỉnh.
Mức thu phí đối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được chia thành ba nhóm khác nhau. Trong đó, khai thác dữ liệu chi tiết dân cư là 800 đồng/thông tin về công dân; dịch vụ xác minh nhân thân là 10.000 đồng/bản; báo cáo thống kê tổng hợp dữ liệu dân cư cấp tỉnh/TP là 250.000 đồng/báo cáo, cấp quận/huyện là 200.000 đồng/báo cáo và cấp xã/phường/thị trấn là 150.000 đồng/báo cáo.
Căn cứ vào nhu cầu khai thác chi tiết dữ liệu dân cư, cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ quyết định và cho phép các tổ chức, cá nhân khai thác số lượng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phù hợp với quy định của pháp luật và đảm bảo bí mật đời tư của công dân.
Điều 9 Luật Căn cước công dân quy định 15 trường thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm:
Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch; tình trạng hôn nhân; nơi thường trú; nơi ở hiện tại; nhóm máu, khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình bản kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó; họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp; họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân của chủ hộ, quan hệ với chủ hộ; ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.
|