Đầu thập kỷ 1960, khi bắt đầu nghiên cứu hạt nhân, Bắc Triều Tiên dựa vào công nghệ và chuyên gia từ Liên Xô, sau đó là từ Iran và Pakistan. Hiện giờ, Bình Nhưỡng có thể dựa vào các nhà khoa học trong nước và như vậy là càng khó mà kìm hãm tham vọng nguyên tử của Bình Nhưỡng. Trước đó, vào tháng 08/2017, nhật báo Mỹ The Wall Street Journal trích một nguồn tin tình báo Mỹ, cho biết Bắc Triều Tiên tự chế tạo động cơ tên lửa, trái với một báo cáo gần đây của một tổ chức nghiên cứu cho rằng động cơ mà Bình Nhưỡng sử dụng là của Ukraine hoặc Nga.
Vậy làm thế nào Bắc Triều Tiên vẫn có thể đạt được những tiến bộ lớn dù cộng đồng quốc tế gia tăng trừng phạt ? Theo nhật báo The Wall Street Journal, câu trả lời nằm ở chuyên môn mà các nhà khoa học Bắc Triều Tiên du học ở nước ngoài, đặc biệt là tại Trung Quốc, mang về cho đất nước. Thông qua nhiều phân tích, nhật báo Mỹ cho biết rõ ràng có nhiều vi phạm liên quan đến một số bộ môn bị cấm giảng dạy cho người Bắc Triều Tiên theo nghị quyết trừng phạt năm 2016 của Liên Hiệp Quốc.
Sau vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ hai của Bắc Triều Tiên vào năm 2009, trong một loạt trừng phạt, Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi các quốc gia thành viên “ngăn chặn giảng dạy chuyên môn hoặc đào tạo” trong lãnh thổ của mình, hoặc do công dân các nước này giảng dạy, có thể giúp phát triển chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Liên Hiệp Quốc đã áp dụng lệnh cấm năm 2016 liên quan đến việc giảng dạy một số môn cụ thể để đáp trả vụ thử hạt nhân lần thứ tư vào tháng 1/2016, đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực như kỹ thuật tiên tiến và khoa học vật liệu sau một vụ thử khác vào tháng 09/2016.
Một số quan chức tỏ ra lo ngại rằng, cho dù quốc tế thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp trừng phạt, Bình Nhưỡng có thể đã có đủ kiến thức riêng để phục vụ các mục tiêu hạt nhân của họ. Quả vậy, hàng trăm nhà khoa học Triều Tiên đã du học nước ngoài trong thời gian gần đây, theo đánh giá của The Wall Street Journal, dựa vào phân tích các số liệu chính thức, công bố nghiên cứu khoa học và dữ liệu từ các trường đại học. Trong đó có nhiều trường nằm trong các khu vực mà Liên Hiệp Quốc cho rằng có thể đã giúp chương trình tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Trong một báo cáo hồi tháng 2/2017, các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc cho biết đã phát hiện một số người Triều Tiên nghiên cứu vật lý ở Ý và 4 người nghiên cứu về khoa học vật liệu, kỹ thuật và thông tin điện tử ở Rumani vào năm 2016 sau lệnh cấm. Các trường liên quan đã không hồi âm yêu cầu bình luận của The Wall Street Journal.
Năm 2016, các chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho rằng hai người Bắc Triều Tiên đã được tập huấn vào năm đó, trước khi có lệnh cấm, tại một trung tâm công nghệ vũ trụ của Ấn Độ. Đây là nơi tiếp nhận 32 người khác đến tu nghiệp từ năm 1996, trong đó có một người vừa trở thành nhân vật đứng đầu trung tâm điều khiển vệ tinh của Bình Nhưỡng. Trung tâm Ấn Độ cho biết không còn nhận người Bắc Triều Tiên.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã thu hút phần lớn các nhà khoa học Bắc Triều Tiên du học. Theo thống kê của The Wall Street Journal, dựa trên các số liệu chính thức và dữ liệu từ các trường đại học, tại Trung Quốc, năm 2015 có 1.086 sinh viên Bắc Triều Tiên học sau đại học, so con số 354 sinh viên vào năm 2009 được công bố trong một tài liệu của Bộ Giáo Dục Trung Quốc. Tuy nhiên, tài liệu không cho biết họ đã học ở trường nào và chuyên ngành gì. Phía bộ Giáo dục Trung Quốc không đưa ra bất kỳ bình luận nào.
Trong số những nhà khoa học đầu tiên đến Trung Quốc, có Kim Kyong Sol, từng làm luận văn tiến sĩ về Cơ điện tử, chuyên ngành giảm chấn từ trường MagneRide (MR), ở Viện Công nghệ Uy Hải nổi tiếng của Trung Quốc, hơn một năm sau khi Liên Hiệp Quốc ban hành trừng phạt. Chuyên môn mà ông Kim theo học có thể được sử dụng để ổn định tàu vũ trụ và hấp thụ sốc trong hệ thống phóng tên lửa, kể cả tầu ngầm, cũng như giảm rung động trong ô tô, các tòa nhà và máy bay trực thăng.
Sinh năm 1975, từng học ngành cơ khí ở Bắc Triều Tiên trước khi ghi danh vào Trường Kỹ thuật Cơ điện tử của HIT, ông Kim là một trong những người đầu tiên sang Trung Quốc học trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác mà nhiều trường đại học Trung Quốc đã ký từ năm 2010 với các trường đại học Bắc Triều Tiên. Trong đó, có hai trường mà các chuyên gia Liên Hiệp Quốc đánh giá là nguồn cung cấp nhân lực và công nghệ cho chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng: Đại học Kim Nhật Thành và đại học Công nghệ Kim Chaek, nơi ông Kim từng theo học.
Viện Công nghệ Uy Hải là một trong những trường kỹ thuật hàng đầu của Trung Quốc và thực hiện nhiều nghiên cứu mật liên quan đến quốc phòng và không gian, cũng như nghiên cứu vì mục đích dân sự. Theo trang web của HIT, trường có quan hệ hợp tác với các trường đại học Kim Nhật Thành và Kim Chaek và đón 12 sinh viên tiến sĩ và sau tiến sĩ Bắc Triều Tiên vào năm 2013. Con số này đã tăng lên thành 28 người vào năm 2015.
Nhân viên của trường HIT cho biết ông Kim và những người Bắc Triều Tiên khác ở trường thường kín tiếng, sống chung trong một căn hộ hai phòng ngủ và hiếm khi giao thiệp với bên ngoài. Các sinh viên Bắc Triều Tiên đều có học bổng của chính phủ Trung Quốc, nên được miễn phí nhà ở và học phí. Ngoài ra họ nhận được một khoản trợ cấp hàng tháng khoảng 3.000 nhân dân tệ (450 USD).
Giáo sư Trần Triệu Ba, một chuyên gia về kiểm soát rung chấn, từng làm việc cho các dự án quốc phòng và người hướng dẫn luận văn tiến sĩ của ông Kim Kyong Sol, cho biết: Sau bốn năm học tại Uy Hải bằng học bổng của chính phủ Trung Quốc, ông Kim đã về nước vào tháng 06/2017 vì các lệnh trừng phạt được áp dụng ngay trước khi ông Kim bảo vệ luận án tiến sĩ.
Theo ông Trần, Kim Kyong Sol đã không được tiếp cận với công nghệ quốc phòng bí mật của Trung Quốc, nhưng nghiên cứu của cựu sinh viên này, nếu được phát triển hơn nữa, có tiềm năng sử dụng cho dân sự và quân sự, kể cả trong lĩnh vực không gian. Chính giáo sư Trần Triệu Ba và hai đồng nghiệp khác cùng làm việc với ông Kim đã thông báo về các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc cho ông Kim vào khoảng tháng 5 hoặc tháng 6/2017.
Trước đó, vào tháng 03/2017, nhà khoa học Bắc Triều Tiên Kim Kyong Sol đăng một bài báo nghiên cứu khoa học tại Trung Quốc, đồng tác giả với bà Vương Hiểu Vũ, một kỹ sư thuộc Viện Kỹ thuật Hệ thống Không gian Bắc Kinh. Bà Vương hiện nghiên cứu về các vệ tinh của Trung Quốc và tàu vũ trụ có người lái của Trung Quốc và máy định vị mặt trăng.
Sau khi xem xét bài nghiên cứu của ông Kim theo yêu cầu của The Wall Street Journal, ông Katsuhisa Furukawa, thành viên từ năm 2011-2016 của một nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc theo dõi các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên, kết luận rằng bài viết này rơi vào hạng mục bị cấm theo lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Vẫn theo ông Furukawa, những người Bắc Triều Tiên được đào tạo ở nước ngoài học nhiều môn khác nhau và “chắc chắn đóng góp vào sự phát triển kiến thức khoa học và thông tin liên quan đến chương trình đạn đạo”.
Ông David Albright, cựu thanh tra vũ khí của Liên Hiệp Quốc và là chuyên gia về phổ biến vũ khí hạt nhân, nói rằng điểm chung của các quốc gia đang tìm cách phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt là tìm kiếm kiến thức ở nước ngoài, trong đó có cả việc cử các nhà khoa học đi học và tham dự các hội nghị. Theo ông, các trường kỹ thuật và các chương trình đào tạo của Trung Quốc cung cấp “cơ hội để hòa nhập với những người có thông tin nhạy cảm, ví dụ người Trung Quốc từng tham gia các chương trình quân sự”.
Ít nhất 11 nghiên cứu sinh tiến sĩ Bắc Triều Tiên khác cũng rời trường HIT vào tháng 06/2017. Trong khi một số khác chuyển sang các môn không nằm trong lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc, như ngành nghiên cứu quản lý.
Mỗi người có thể mang về nước thêm một chút kiến thức chuyên môn. Theo nhân viên và sinh viên trường đại học HIT, sinh viên Bắc Triều Tiên bị nghi là vi phạm quy định của thư viện bằng cách tải hàng chục ngàn tài liệu tờ từ cơ sở dữ liệu thuê bao trong vài tháng gần đây tại ít nhất hai trường Trung Quốc, trong đó có trường HIT. Ngày 16/5/2017, 57.000 tài liệu đã được 9 sinh viên nước ngoài tải về từ khoa Cơ điện tử và các khoa khác ở trường HIT, theo thông báo từ thư viện của trường. Nhân viên và sinh viên của trường cho biết thủ phạm là người Triều Tiên.
Cử các nhà khoa học ra nước ngoài nghiên cứu và đãi ngộ họ, là trung tâm của chính sách tiến bộ song song “Byungjin” của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, để vừa phát triển vũ khí hạt nhân, vừa phát triển kinh tế. Nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên công khai chính sách này ngay sau khi lên nắm quyền thay người cha quá cố vào năm 2011.
Nhiều chuyên gia và chính phủ phương Tây cho biết chính sách “Byungjin” đã giúp Bình Nhưỡng phát triển đội ngũ chuyên gia kỹ thuật, gồm các nhà luyện kim để tạo ra các hợp kim mạnh nhưng nhẹ cho tên lửa, các nhà toán học điều chỉnh các tên lửa và các kỹ sư vệ tinh.