Gây sức ép quân sự mạnh hơn với Triều Tiên
Hiện nay, Triều Tiên đã có nhiều động thái mới như phóng tên lửa bay qua Nhật Bản, tiến hành thử bom H – thử hạt nhân lần thứ 6. Sự quan tâm của dư luận hiện nay phần nhiều là nhìn vào phản ứng của Mỹ.
Về phía Quốc hội Mỹ, ngày 5/9, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Corker cho biết, ít nhất trong ngắn hạn, Mỹ không có nhiều khả năng thông qua lập pháp để tiến hành trừng phạt mới đối với hành động thử hạt nhân mới của Triều Tiên.
Theo ông Bob Corker, quan hệ với Triều Tiên hiện nay căng thẳng như vậy. Các nghị sĩ Quốc hội chờ đợi một chút là cách làm tương đối thích hợp.
Trong khi đó, tại căn cứ Yongsan của quân Mỹ ở Hàn Quốc ngày 5/9, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Scott H. Swift trả lời phỏng vấn cho biết điều động 2 tàu sân bay đến bán đảo Triều Tiên tiến hành tập trận chung có thể là một trong những biện pháp để đối phó Triều Tiên.
Theo Đô đốc Scott Swift, tàu sân bay USS Ronald Reagan hiện đang ở Thái Bình Dương. Quân đội Mỹ có thể điều động cụm tấn công tàu sân bay này đến duyên hải Hàn Quốc.
Ông còn cho biết: “Điều động cụm tấn công viễn chinh và tàu khu trục Aegis của Hải quân Mỹ cũng là một sự lựa chọn”. Theo hãng Yonhap Hàn Quốc, điều này ám chỉ quân đội Mỹ đang xem xét nhiều phương án, 2 tàu sân bay tiến hành tập trận chung sẽ có hiệu quả răn đe lớn hơn.
Từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6/2017, Mỹ cũng từng điều các tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Carl Vinson và USS Ronald Reagan đến duyên hải bán đảo Triều Tiên tiến hành tập trận.
Gây sức ép với Nga và Trung Quốc trừng phạt Triều Tiên
Theo tờ Thời báo Tài chính Anh ngày 6/9, sau khi Triều Tiên có nhiều hành động “khiêu khích” mới, Mỹ đã để ngỏ khả năng “phản ứng quân sự quy mô lớn”, nhưng Mỹ không nói rõ là phản ứng với “mối đe dọa” cụ thể nào từ Triều Tiên. Nếu một cuộc tấn công vào Triều Tiên diễn ra thì sẽ gây ra thương vong rất lớn.
Tuy nhiên, Mỹ sẽ tiếp tục tìm cách để cách biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên được thực thi, bao gồm cấm xuất khẩu khoáng sản cho Triều Tiên. Mỹ cũng có thể thúc giục Trung Quốc hạn chế xuất khẩu vật tư như dầu mỏ cho Triều Tiên.
Trang tin Sputnik Nga ngày 6/9 dẫn lời Thư ký báo chí Nhà Trắng, bà Sarah Huckabee Sanders cũng cho biết Mỹ đang chờ đợi Nga và Trung Quốc có “nhiều hành động hơn” đối với Triều Tiên, quốc gia tiếp tục tiến hành thử hạt nhân và tên lửa.
Bà Sarah Huckabee Sanders nói: “Chúng tôi đã cho biết rất rõ những biện pháp cần ưu tiên triển khai.Hiện nay không nên lãng phí thời gian cho bàn về vấn đề Triều Tiên, mà nên gây sức ép tối đa lên Triều Tiên. Chúng tôi đã nói, các bên bao gồm Nga và Trung Quốc đều cần gây sức ép lớn hơn đối với Triều Tiên để chống lại mối đe dọa. Đây là mối đe dọa mang tính toàn cầu. Các bên đều nên tham gia gây sức ép với Triều Tiên”.
Theo tờ Nikkei Nhật Bản ngày 6/9, Mỹ có kế hoạch thông qua phương án trừng phạt mới đối với Triều Tiên vào ngày 11/9 tới. Mỹ đã chính thức bắt đầu thảo luận nội dung phương án trừng phạt với các nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, sẽ thúc đẩy đàm phán với Trung Quốc và Nga.
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley cho biết Mỹ có kế hoạch “nỗ lực thông qua nghị quyết trừng phạt nghiêm khắc nhất”. Mỹ đã cung cấp dự thảo cho các nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an. Có quan chức cấp cao Nhật Bản thừa nhận, trong dự thảo có đề cập đến các vấn đề như “dầu mỏ”, “người lao động” và “sản phẩm sợi”.
Tờ Nikkei Nhật Bản chỉ rõ, dự thảo nghị quyết mới của Mỹ sẽ bổ sung trừng phạt trên 3 lĩnh vực: Một là hạn chế xuất khẩu dầu mỏ cho Triều Tiên. Hai là hạn chế người lao động Triều Tiên làm việc ở nước ngoài. Ba là hạn chế Triều Tiên xuất khẩu sản phẩm sợi.
Mỹ hy vọng thông qua các biện pháp trừng phạt mới để cắt đứt nguồn tiền được Triều Tiên sử dụng cho các hành động “khiêu khích” quân sự. Nhưng điều này sẽ còn chờ thái độ của Trung Quốc và Nga. Hiện còn khó dự đoán các biện pháp trừng phạt mới do Mỹ đưa ra có được thông qua hay không.
Ngày 5/9, Tổng thư ký Liên hợp quốc cho rằng cuộc khủng hoảng lớn nhất hiện nay là vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Tin rằng việc gây sức ép được Hội đồng bảo an đang thảo luận sẽ có lợi cho thúc đẩy đàm phán, yêu cầu các nước thành viên Hội đồng bảo an “đoàn kết nhất trí”.
Trung Quốc khó xử
Theo tờ Thời báo New York ngày 6/9, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ gây sức ép với Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tiến hành cấm vận dầu mỏ đối với Triều Tiên, cắt đứt vận chuyển dầu mỏ bằng đường ống và xe chở. Trước đó Mỹ cũng đã từng đưa ra yêu cầu tương tự, nhưng bị Bắc Kinh từ chối.
Yêu cầu mới sẽ làm cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặc biệt khó xử. Ông Tập Cận Bình không hy vọng tỏ ra mềm yếu trước sức ép của Mỹ trong thời điểm Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp diễn ra. Nhưng ông cũng không muốn bán đảo Triều Tiên nổ ra một cuộc chiến tranh gây mất ổn định.
Giáo sư Trương Bạc Hối, chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế, Đại học Lĩnh Nam, Hồng Kông cho rằng: “Ông Tập Cận Bình sẽ không chịu nổi khi gây ấn tượng khuất phục trước sức ép của Mỹ”. “Ông ấy cần được một số thứ từ Mỹ để giảm bị trả giá về hình tượng và lợi ích địa - chính trị của Trung Quốc”.
Theo Trương Bạc Hối, nếu ông Donald Trump đồng ý với chiến lược làm dịu khủng hoảng của Trung Quốc, tức là đồng ý với đề xuất “cùng tạm dừng” (đóng băng chương trình hạt nhân Triều Tiên, Mỹ - Hàn chấm dứt tập trận chung) thì ông Tập Cận Bình có thể sẵn sàng hơn với cắt đứt cung ứng dầu mỏ cho Triều Tiên.
Mặc dù Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đều để ngỏ khả năng giải quyết bằng con đường ngoại giao, nhưng ông Donald Trump hầu như không có hứng thú với đàm phán với Triều Tiên. Ông viết trên Twitter rằng: “Đàm phán không phải là biện pháp giải quyết vấn đề”.
Trung Quốc lo ngại gây sức ép nhiều hơn lên Triều Tiên sẽ gây ra khủng hoảng ở Triều Tiên, xuất hiện vấn đề người tị nạn tràn vào lãnh thổ Trung Quốc, để cho Mỹ và đồng minh xuất hiện ở “cửa nhà”. Mặc dù Trung Quốc chỉ trích các hoạt động thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, nhưng Trung Quốc vẫn cung ứng năng lượng, nhất là dầu mỏ để duy trì nền kinh tế Triều Tiên.
Theo nhà nghiên cứu Peter Hayes, Viện nghiên cứu Nautilus, xét đến tăng trưởng kinh tế gần đây, năm 2017, Triều Tiên dự kiến sẽ nhập khẩu khoảng 850.000 tấn dầu mỏ và hầu hết nhập từ Trung Quốc. Theo Peter Hayes, cho dù Trung Quốc có cắt đứt cung ứng dầu mỏ thì Triều Tiên nhất là quân đội của họ cũng có thể kiên trì được một thời gian.
Việc sử dụng dầu mỏ của quân đội Triều Tiên chiếm khoảng 1/3 dầu mỏ nhập khẩu của Triều Tiên. Dự trữ của quân đội đủ để “sử dụng khi không chiến đấu trong vòng 1 năm, có thể còn nhiều hơn, e rằng sẽ không ít hơn”. “Trước khi hết nhiên liệu, quân đội có thể chiến đấu 1 tháng” – Peter Hayes phỏng đoán.
Theo chuyên gia Thành Hiểu Hà, Đại học Nhân dân Trung Quốc, Trung Quốc nếu cắt đứt cung ứng dầu mỏ cho Triều Tiên thì có nghĩa là sẵn sàng với sự bất ổn của chính quyền Kim Jong-un. Nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ không làm như vậy.
Ngày 4/9, tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc cho rằng Trung Quốc không nên dễ dàng đồng ý áp dụng các biện pháp trừng phạt cực đoan như cấm vận toàn diện đối với Triều Tiên. Nhưng vài tháng trước, tờ báo này cho rằng nếu Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6 thì cần cân nhắc tiến hành cấm vận dầu mỏ.
Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, cắt đứt cung ứng dầu mỏ sẽ dẫn đến Trung Quốc và Triều Tiên xảy ra xung đột, hơn nữa vẫn không thể ngăn chặn được chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Tập đoàn dầu khí Trung Quốc cũng lo ngại về khả năng đường ống dẫn dầu sang Triều Tiên bị phá hoại khi dừng cung cấp dầu mỏ cho Triều Tiên. Theo nhà nghiên cứu Peter Hayes, mặc dù quan hệ Trung Quốc và Triều Tiên trở nên căng thẳng như vậy, nhưng Trung Quốc không có nhiều khả năng đồng ý cắt đứt cung ứng dầu mỏ. Vì điều này sẽ làm giảm vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Bình Nhưỡng.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu