'Cứ bán đế màn hình giá 1.000 USD, Apple sẽ sớm bị fan quay lưng'

Việc bán chân màn hình với giá 1.000 USD thể hiện rõ nhất những sai lầm về phát triển sản phẩm phần cứng của Apple vài năm nay.

Bài viết là quan điểm của phóng viên Devindra Hardawar, Engadget.

Bạn có thể nhận thấy rõ khoảnh khắc ấy tại WWDC năm nay, khi Apple khiến những người tham gia sự kiện hoang mang. John Ternus, Phó chủ tịch phụ trách phần cứng của hãng công bố màn hình Pro Display XDR, màn hình 6K cao cấp mới nhất với giá 4.999 USD.

Đó là mức giá cao, nhưng hợp lý với những gì mà nó mang lại. Nhưng ngay sau đó là một sản phẩm khác. Sau 1 giờ, 42 phút và 5 giây diễn ra sự kiện, John Ternus công bố chân đế cho màn hình Pro Display là một sản phẩm bán rời với giá 999 USD.

Đây là khoảnh khắc khiến những người tham gia WWDC phải ngạc nhiên, nhưng theo một cách tiêu cực. Ảnh: Twitter.

Khán phòng, trước đó có không khí khá hào hứng, bỗng dưng tràn ngập những tiếng thì thầm to nhỏ, đủ để khiến Ternus phải ngập ngừng một chút trước khi tiếp tục.

Phó chủ tịch của Apple đã không chuẩn bị trước tình huống hàng nghìn người yêu thích các sản phẩm Apple bỗng dưng đặt ra câu hỏi về một phần cứng mà hãng vừa công bố.

Đây là xu hướng của Apple

Trước tiên, cần phải nói rõ chiếc đế màn hình của Pro Display XDR có vẻ có chất lượng khá tốt. Nó mang một thiết kế hiện đại nhưng trang nhã, đặc trưng từ các sản phẩm của Apple, và có thể xoay nghiêng 25 độ nhưng vẫn giữ màn hình rất chắc chắn. Chân đế này thậm chí còn có thể quay dọc màn hình.

Dù vậy, liệu nó có đáng giá 999 USD? Thật khó nói có. Từ góc nhìn của tôi, một người dành rất nhiều thời gian để nghĩ về giá trị các thiết bị công nghệ, mức giá này thật vô lý.

Tuy nhiên, nó lại thể hiện rõ xu thế gần đây của Apple. Họ luôn cố gắng bán những thứ công nghệ trông có vẻ hấp dẫn nhưng thực chất không mấy hữu dụng cho người dùng với một mức giá quá cao.

Một người dùng nghĩ ra cách dán màn hình Apple lên tường mà không phải bỏ ra 999 USD hoặc 199 USD để mua chân đế của Apple. Ảnh: Twitter.

Hãy thử nhớ lại chiếc MacBook Pro. Đã 3 năm kể từ khi Apple thay thế hàng phím chức năng bằng TouchBar, thanh cảm ứng này giờ vẫn giống như một tính năng nửa mùa. Tất nhiên, ý tưởng một thanh chức năng là rất hay, nhưng tôi cảm thấy sử dụng nó thực sự chỉ mang lại cảm giác lưỡng lự.

Tôi lúc nào cũng phải nhìn lại một lần để chắc chắn mình đã bấm đúng nút, không thể nào nhớ thành phản xạ như với phím thông thường. Thay vì dễ dàng hơn, Touch Bar lại khiến việc sử dụng máy trở nên phức tạp hơn.

Mặc dù MacBook Pro là dòng laptop cao cấp nhất của Apple, nó chỉ được trang bị cổng USB-C và giắc cắm tai nghe. Trên chiếc máy này chẳng có đầu đọc thẻ mà người dùng “Pro” thường sẽ cần, và hãy quên luôn cả cổng HDMI và Ethernet.

Là sản phẩm “Pro” nhưng MacBook Pro không có những cổng kết nối cần thiết cho người dùng chuyên nghiệp. Ảnh: The Verge.

Trong khi Apple muốn bạn sử dụng một bộ chuyển đổi gắn ngoài cho tất cả những nhu cầu đó, thì những hãng máy tính chạy Windows như Dell hay Lenovo vẫn có thể đưa những cổng kết nối đó vào các cỗ máy mỏng không kém.

Rõ ràng dùng cổng USB-C đem lại ngoại hình đẹp và tối giản, nhưng ngoại hình đẹp có đáng để đánh đổi với sự bất tiện của rất nhiều người dùng?

Apple có khiến những người dùng trung thành nhất mất niềm tin?

MacBook Pro không phải là thiết bị duy nhất ưu tiên ngoại hình mà bỏ qua tiện dụng của Apple. iPad Pro là một trong những thiết bị đẹp nhất của họ, nhưng lại bị kìm hãm khá nhiều vì iOS.

Hệ điều hành dành cho di động của công ty này vẫn đáp ứng ổn khi iPad còn là thiết bị tiêu thụ nội dung. Tuy nhiên khi iPad Pro trở thành ứng viên thay thế cho máy tính, khả năng đa nhiệm kém và thiếu mất một hệ thống quản lý tập tin thực sự khiến cho iPad Pro kém hấp dẫn hơn.

Thật may là Apple đã quyết tâm thay đổi bằng hệ điều hành iPadOS sẽ được phát hành cuối năm nay, nhưng ngày nào iPadOS chưa ra mắt thì iPad Pro vẫn giống như một chiếc xe Ferrari điều khiển bằng vô lăng đồ chơi.

Chúng ta cũng không thể quên chiếc máy tính “thùng rác” Mac Pro. Apple quá ám ảnh với việc tạo ra một thiết bị độc đáo và thời trang mà lờ đi khả năng nâng cấp và tản nhiệt của cỗ máy. Bạn biết đấy, đây mới là những vấn đề người dùng “Pro” quan tâm. Cuối cùng họ đã phải xin lỗi về thiết bị này và hứa hẹn một chiếc máy hữu ích hơn.

Apple thiết kế iPad Pro rất đẹp, rất hấp dẫn nhưng mãi tới WWDC 2019, họ mới giới thiệu iPadOS giúp chiếc iPad làm việc tốt hơn. Ảnh: Engadget.

Đó chính là cỗ máy Mac Pro mới, cũng được Apple giới thiệu trong sự kiện WWDC 2019. Trở về với thiết kế truyền thống hơn, ngoại hình của cỗ máy này có thể là một bước lùi, nhưng nó lại có khả năng mở rộng bằng cổng PCIe rất tốt, giúp tăng tốc những tác vụ như chỉnh sửa video 4K hay 8K.

Tôi hiểu rằng những người dùng chuyên nghiệp có nhu cầu khác hẳn người dùng phổ thông. Họ sẽ không có ý kiến gì nếu như màn hình có giá 5.000 USD đem lại chất lượng gần với những sản phẩm khác có giá 40.000 USD. Họ cũng có thể chẳng quan tâm lắm đến mức giá của Mac Pro, có thể lên đến hơn 30.000 USD tùy vào lựa chọn linh kiện.

Nếu như khoản đầu tư đó giúp cho người dùng máy dựng hình hay xử lý công việc nhanh hơn, nó hoàn toàn xứng đáng với số tiền bỏ ra. Tuy nhiên dù nhìn nhận thế nào, tôi cũng không thể thông cảm cho chân đế màn hình có giá 999 USD, nhất là khi bạn có thể dễ dàng tìm được một chân giữ màn hình xoay được với giá 32 USD.

Nhìn từ phản ứng của người tham gia tại WWDC, rõ ràng là nhiều người dùng trung thành nhất của Apple cũng bắt đầu đặt ra câu hỏi cho công ty này.

Theo Zing

http://news.zing.vn/cu-ban-de-man-hinh-gia-1000-usd-apple-se-som-bi-fan-quay-lung-post954046.html