Cụ bà 90 tuổi ra vườn chặt chuối bị ong vò vẽ đốt đến nguy kịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Cụ bà L.T.H (90 tuổi, trú Ý Yên, Nam Định), bị ong vò vẽ đốt khi đang chặt chuối trong vườn, khiến cụ bị tổn thương đa tạng, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu... nguy kịch.

Tổ ong vò vẽ (ảnh xdvn)
Tổ ong vò vẽ (ảnh xdvn)

Bất cẩn bị ong độc đốt nguy kịch

Các bác sĩ Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận và điều trị cho 2 trường hợp bị ong đốt rất nặng. Một bệnh nhân là cụ bà 90 tuổi bị ong vò vẽ đốt 126 nốt và một bệnh nhân nam 61 tuổi bị ong khoái đốt gần 300 nốt.

Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân L.T.H (90 tuổi, trú Ý Yên, Nam Định).

Theo lời kể của người nhà, trưa ngày 2/9, cụ H. ra vườn chặt cây chuối thì bị đàn ong vò vẽ đốt nhiều nốt trên toàn thân, gia đình đã đưa bà vào Bệnh viện Quân Y 5. Tại đây, cụ được chẩn đoán sốc phản vệ độ 2 do ong đốt/biến chứng suy đa tạng.

Do diễn biến nặng, nên cụ H. được chuyển đến Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai vào đêm 2/9 trong tình trạng nguy kịch. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán bị tổn thương cơ vân, tổn thương gan, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu, suy thận, suy tim được điều trị tích cực bao gồm các biện pháp hồi sức, lọc máu và giải độc.

Qua 3 ngày điều trị hồi sức tích cực và chăm sóc đặc biệt, bệnh nhân đang dần hồi phục.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân N.T.N (61 tuổi, trú Đông Anh, Hà Nội), bị ong khoái tấn công khi đang đi bộ ở sân và người nhà phải dùng bình xịt muỗi thì mới giải cứu cho ông N.

Ông N. đã bị đàn ong đốt gần 300 nốt và đã được gia đình đưa đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nhiễm độc ồ ạt, hồng cầu bị vỡ, cơ và mắt bị tổn thương. May mắn ông N. được đưa đến bệnh viện sớm và điều trị tích cực nên sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy kịch và đang dần hồi phục.

Bác sĩ khuyến cáo

TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, ở Việt Nam, đặc biệt ở các tỉnh phía Bắc, số lượng bệnh nhân bị ong đốt phải nhập viện tăng mạnh vào mùa thu với nhiều loại ong có chứa độc tố như ong vò vẽ, ong khoái, ong bắp cày… Đáng chú ý là người dân bị ong tấn công khi đang lao động trong môi trường tự nhiên khiến nguy cơ bị đốt với số lượng lớn và nhiễm độc là rất cao.

vt_ong dot.png
Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đang thăm khám cho bệnh nhân bị ong đốt (ảnh BVCC)

"Nọc độc của ong gây hại đến tất cả các cơ quan trong cơ thể, cần điều trị sớm, tích cực ngay tại y tế cơ sở. Các trường hợp diễn biến nặng cần được chuyển lên tuyến trên để can thiệp kịp thời" - TS.BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo.

Cũng theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, biện pháp điều trị rất đơn giản là ngay tại cộng đồng, sau khi bị ong đốt thì người dân nên uống đủ nước, đặc biệt là các loại nước có chất khoáng, chất muối, nước canh, orezol và khẩn trương đưa tới y tế cơ sở. Biện pháp điều trị quan trọng tại cơ sở là cần nhanh chóng bù đủ dịch, đủ nước cho bệnh nhân. Những trường hợp nặng hơn cần đánh giá, kiểm tra, theo dõi kỹ, lọc máu, thay huyết tương sớm nếu cần.

“Việc bù muối, bù nước cho nạn nhân ngay sau khi bị ong đốt rất quan trọng. Điều trị tích cực ngay tại tuyến trước bằng cách truyền đủ dịch và cho bài niệu tích cực là yếu tố sống còn để cứu sống bệnh nhân, hạn chế khỏi các tổn thương nguy hiểm đến tính mạng” - TS.BS Nguyễn Trung Nguyên nói.

Khi bị ong đốt, nạn nhân cần được đưa ra khỏi khu vực có ong một cách nhanh nhất có thể. Sau đó cần nhanh chóng lấy vòi chích của ong ra khỏi cơ thể người bị nạn. Tuy nhiên, cần tránh việc nặn ép bằng tay vì hành động này có thể khiến nọc độc ngày càng lan rộng.

Tiếp đó giúp người bệnh rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng, nước ấm. Sau đó, bôi dung dịch sát trùng cồn 70 độ lên vết đốt. Có thể chườm lạnh lên vết đốt. Đây là cách giúp bệnh nhân giảm đau và giảm sưng hiệu quả.

Bên cạnh đó, người bệnh phải uống thật nhiều nước. Khi uống nhiều nước, nọc độc của ong sẽ được bài tiết qua nước tiểu, từ đó, giúp nạn nhân giảm nguy cơ suy đa tạng. Sau khi tiến hành những bước sơ cứu trên, nạn nhân cần được chăm sóc và theo dõi sát sao.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý, nếu nạn nhân có những biểu hiện: bị ong đốt nhiều nốt và ở nhiều vị trí, đặc biệt là ở các vùng quan trọng như mặt, đầu, cổ,... Xác định loài ong đã đốt nạn nhân để ước tính khả năng gây độc. Một số loài ong như ong rừng, ong vò vẽ hay ong bắp cày,… thường có nọc độc mạnh, rất nguy hiểm; trường hợp người bị đốt có các triệu chứng đau nhiều, mệt mỏi, thậm chí khó thở, phù mặt, đi tiểu có máu,… cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt.