Trong lúc hệ thống y tế nhiều nước đang chịu sức ép lớn do đại dịch COVID-19, hiện đã cướp đi sinh mạng của hơn 155.000 người, giới chuyên gia cảnh báo rằng virus corona chủng mới có thể hủy hoại những quốc gia thiếu trang thiết bị và cơ sở y tế.
Nam Sudan là một ví dụ . Nước này có dân số 12 triệu người nhưng chỉ có…4 máy thở và 24 giường bệnh điều trị tích cực; theo dữ liệu của Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC). Có nghĩa rằng, mỗi chiếc máy thở sẽ phải phục vụ cho 3 triệu người.
Burkina Faso có 11 máy thở, Sierra Leone có 13, Cộng hòa Trung Phi có 3…trong khi Venezuela có 84 giường bệnh điều trị tích cực để phục vụ tới 32 triệu dân, và 90% số bệnh viện của nước này đối mặt với tình trạng thiếu thốn thuốc men và trang thiết bị thiết yếu.
“Chúng ta đã chứng kiến đại dịch này nhanh chóng khiến các hệ thống y tế bị quá tải như thế nào ở các nước có hệ thống y tế khá tiên tiến” – Elinor Raikes, Phó chủ tích của IRC, nói với CNN – “Và rõ ràng là nó sẽ nhanh chóng gây sức ép lớn đối với các nước có hệ thống y tế yếu hơn”.
Cuộc đua cung cấp máy thở
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 5 người nhiễm COVID-19 thì 1 người cần được nhập viện điều trị. Những nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi đại dịch đang ra sức mua thêm thiết bị hỗ trợ thở để điều trị các bệnh nhân nặng, giúp bơm dưỡng khí vào máu để cho các tổ chức nội tạng có thể hoạt động.
Theo Trung tâm An ninh Y tế ĐH Johns Hopkins, các bệnh viện ở Mỹ cần thêm khoảng nửa triệu máy thở trong bối cảnh dịch hiện nay, và nhu cầu máy thở ngày càng tăng lên để phục vụ số lượng bệnh nhân tăng.
Anh – nước có hơn 110,000 máy thở - cũng đang cố mua thêm 18.000 chiếc nữa. Italy – một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 – đã phân bổ 2.700 máy thở tới những vùng bị ảnh ưởng nặng, trong khi Pháp công bố kế hoạch sản xuất thêm 10.000 máy thở, và đang có 10.000 giường bệnh chăm sóc tích cực. Đức, nước có số giường bệnh chăm sóc tích cực lớn hơn Itly, đã gửi 50 máy thở hỗ trợ Tây Ban Nh và 60 chiếc cho Anh trong tháng này.
“Chăm sóc tích cực không hẳn là chỉ dùng điều trị bệnh nhân COVID-19, mà nó hỗ trợ cơ thể người bệnh để họ phục hồi nhanh hơn, dù là mắc bệnh gì” – Tiến sĩ Alison Pittard, người đứng đầu cơ quan Chăm sóc Tích cực (ICM) ở Anh, nói – “Chúng ta cần dưỡng khí để thở. Nếu bạn không cung cấp dưỡng khí cho cơ thể một lượng cần thì bạn sẽ chết”.
Bà Pittard cho hay, khoảng 15 – 20% bệnh nhân COVID-19 nhập viện là cần có máy thở, trong khi 70% bệnh nhân trong khu điều trị tích cực cần máy thở.
Ma nơ canh được đeo máy thở trong một buổi huấn luyện quân sự ở Andover, Anh (Ảnh: CNN)
|
Những cộng đồng người yếu thế
Một trong những khu vực được theo dõi sát sao nhất hiện nay là châu Phi, nơi ghi nhận hơn 12.400 ca nhiễm COVID-19 kể từ khi trường hợp đầu tiên xuất hiện ở Ai Cập vào ngày 14/2; theo WHO.
Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc khu vực châu Phi tại WHO, nói rằng virus corona chủng mới “không chỉ có khả năng gây ra hàng nghìn cái chết, mà còn hủy hoại nền kinh tế và xã hội”.
Ở 41 quốc gia châu Phi, hiện chỉ có tổng cộng 2.000 máy thở, theo WHO; trong khi tổng số giường điều trị tích cực ở 43 nước trên lục địa này là dưới 5.000. Có nghĩa rằng cứ 1 giường bệnh điều trị tích cực phải phục vụ 1 triệu người. Tỷ lệ này ở châu Âu là 4.000 giường/1 triệu người.
Mặc dù đại dịch xuất hiện ở lục địa đen muộn hơn so với nhiều khu vực khác trên thế giới, nhưng số lượng ca nhiễm ở châu Phi lại tăng đột biến trong những tuần gần đây và tiếp tục lan rộng, theo WHO.
Ngoài ra, giới chuyên gia y tế công còn lo ngại rằng virus corona chủng mới sẽ tấn công những cộng đồng người dễ bị tổn thương, những người vốn đã gặp khó khăn trong cuộc sống như người dân ở những vùng chiến sự như Syria, Afghanistan và Yemen.
“Chúng tôi hết sức lo ngại về những nơi có khả năng xét nghiệm hạn chế. Ví dụ, Syria có đủ khả năng xét nghiệm, nhưng các cơ sở chỉ tập trung ở thủ đô Damascus, và nước này lại đang trong một cuộc xung đột lớn. Bởi vậy người dân ở các khu vực khác không thể tiếp cận dịch vụ xét nghiệm” – Kate White, quản lý đội y tế COVID-19 của Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF), nói.