Công ty kiểm toán DFK "phù phép" năng lực tài chính giúp ông Nguyễn Cao Trí gia hạn dự án Đại Ninh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Công ty Kiểm toán DKF đã ban hành báo cáo kiểm toán xác định vốn góp của chủ sở hữu là 2.000 tỷ đồng dù không xem xét tài liệu, không làm việc với lãnh đạo Sài Gòn Đại Ninh.

Hợp thức năng lực tài chính để gia hạn dự án

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Công ty Sài Gòn Đại Ninh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Trong số 10 bị can, ông Nguyễn Cao Trí, Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh, bị đề nghị truy tố tội "Đưa hối lộ".

Theo kết luận điều tra, năm 2010, Công ty Sài Gòn Đại Ninh do bà Phan Thị Hoa làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật, được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, tổng vốn đầu tư hơn 25 tỷ đồng, thời gian hoạt động 50 năm.

Đến năm 2020, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận dự án trên để xảy ra nhiều vi phạm, từ đó kiến nghị Thủ tướng giao UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện việc chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của dự án Đại Ninh.

Với mong muốn thâu tóm dự án, Nguyễn Cao Trí, khi đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang đã móc nối với lãnh đạo, cán bộ tại Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và tỉnh Lâm Đồng, xin chuyển nhượng và gia hạn dự án, không bị thu hồi.

Để được xem xét gia hạn dự án, bị can Nguyễn Cao Trí, Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh, phải chứng minh năng lực tài chính, có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng và số dư tiền mặt khoảng trên 1.800 tỷ đồng.

Nhằm hợp thức hóa hồ sơ, bị can Trí đã ký hợp đồng với Công ty TNHH kiểm toán DFK Việt Nam (Công ty kiểm toán DFK) do ông Nguyễn Lương Nhân làm Giám đốc, đại diện pháp luật.

Kết luận điều tra xác định tháng 3/2021, bị can Nguyễn Cao Trí, đại diện Công ty Sài Gòn Đại Ninh, ký hợp đồng kiểm toán với Công ty kiểm toán DFK để kiểm toán báo cáo tài chính cho công ty. Việc kiểm toán thực hiện cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2020 và báo cáo tình hình góp vốn điều lệ của các cổ đông tại ngày 31/12/2020. Giá trị hợp đồng dịch vụ kiểm toán 50 triệu đồng.

Ngày 22/3/2021, ông Phạm Đức Thắng, Phó Giám đốc Công ty kiểm toán DFK và Trần Mai Hải Đăng, Kiểm toán viên Công ty kiểm toán DFK, ký ban hành báo cáo kiểm toán độc lập về tình hình góp vốn điều lệ của các cổ đông tại ngày 31/12/2020 xác định vốn góp của chủ sở hữu là 2.000 tỷ đồng.

Anh 1.png
Ông Nguyễn Cao Trí. Ảnh: Vietnamnet.

Hồ sơ vụ án thể hiện, ông Phạm Đức Thắng khai được ông Nguyễn Lương Nhân phân công, tiếp nhận yêu cầu thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính và tình hình góp vốn Công ty Sài Gòn Đại Ninh. Sau đó, ông Thắng đã soạn thảo hợp đồng dịch vụ kiểm toán để ông Nhân ký với Nguyễn Cao Trí, đại diện Công ty Sài Gòn Đại Ninh.

Quá trình thực hiện kiểm toán, Thắng liên hệ với Trần Tấn Công, kế toán trưởng Công ty Sài Gòn Đại Ninh, để thu thập hồ sơ, tài liệu chứng từ.

Sau đó, Thắng giao cho Trần Mai Hải Đăng, kiểm toán viên, thực hiện rà soát bằng chứng kiểm toán

Tuy nhiên, Thắng và Đăng chỉ căn cứ vào tài liệu, chứng từ bản photo, đóng dấu treo, phiếu thu, giấy chứng nhận sở hữu cổ phần do ông Trí cung cấp. Hai người này không kiểm tra, đối chiếu tài liệu, chứng từ gốc, không có chứng từ chứng minh như sao kê, sổ quỹ tiền mặt.

Công ty kiểm toán DKF sau đó đã ban hành báo cáo kiểm toán về tình hình góp vốn điều lệ của các cổ đông, xác định vốn góp của chủ sở hữu là 2.000 tỷ đồng dù không đủ bằng chứng, không làm việc với hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc, đại diện pháp luật Công ty Sài Gòn Đại Ninh.

Kiến nghị xử lý Công ty Kiểm toán DFK Việt Nam

Đối với kiểm toán báo cáo tài chính giai đoạn 2020 - 2022, ông Thắng từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán vì hồ sơ của Công ty Sài Gòn Đại Ninh cung cấp không đủ bằng chứng để kiểm toán.

Quá trình điều tra, ông Thắng khai không biết Công ty Sài Gòn Đại Ninh bị Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra thu hồi dự án và không biết tổ công tác xác minh đơn kiến nghị của công ty này.

Ông Thắng không trực tiếp làm việc với bà Hoa hay ông Trí nên không biết Công ty Sài Gòn Đại Ninh sử dụng báo cáo kiểm toán của DFK vào mục đích gì.

Ông Thắng không biết bị can Trí sử dụng báo cáo kiểm toán để chứng minh năng lực tài chính cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh để xin gia hạn, giãn tiến độ dự án Đại Ninh

Ông Thắng nhận thức được việc ký ban hành báo cáo kiểm toán về tình hình góp vốn điều lệ của các cổ đông là không tuân thủ chuẩn mực kiểm toán, nên không có giá trị pháp lý để sử dụng báo cáo kiểm toán này vào bất cứ mục đích gì.

Do vậy, việc ông Thắng và Công ty kiểm toán DFK hưởng số tiền dịch vụ 50 triệu đồng là không chính đáng. Công ty này đã nộp lại số tiền 50 triệu đồng để khắc phục.

Anh 1.jpg
Cơ quan điều tra Bộ Công an kiến nghị xử lý nghiêm trách nhiệm của Công ty Kiểm toán DFK. Ảnh: DFK Việt Nam.

Kết luận điều tra xác định ông Nguyễn Cao Trí khai làm theo hướng dẫn của ông Trần Văn Minh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (đã mất) và Lê Quốc Khanh, Tổ trưởng tổ công tác Thanh tra Chính phủ để chứng minh vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng làm căn cứ gia hạn dự án.

Ngoài ra, bị can Trí đã huy động nguồn tiền mặt của Công ty Văn Lang và Công ty Grand Riverside khoảng 600 tỷ đồng, chuyển sang Công ty Sài Gòn Đại Ninh và vay Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) 1.400 tỷ đồng để Saccombank xác nhận số dư 2.000 tỷ đồng.

Tổng cộng cổ phần góp vốn và số dư tiền mặt trên tài khoản của Công ty Sài Gòn Đại Ninh là 4.000 tỷ đồng, đạt yêu cầu hợp thức tài liệu, số liệu chứng minh năng lực tài chính theo hướng dẫn của ông Minh và Khanh.

Cơ quan cảnh sát điều tra đánh giá, chưa đủ căn cứ xác định vai trò của ông Thắng, ông Đăng đồng phạm với Nguyễn Cao Trí hoặc phạm tội độc lập khác.

Cơ quan điều tra kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, xử lý hành chính đối với pháp nhân Công ty kiểm toán DFK và các cá nhân Phạm Đức Thắng, Trần Mai Hải Đăng trong việc thực hiện báo cáo kiểm toán vốn điều lệ của Công ty Sài Gòn Đại Ninh trái quy định pháp luật, vi phạm chuẩn mực kiểm toán; kiến nghị chủ động, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các đơn vị kiểm toán, kiểm toán viên. Đặc biệt là các hoạt động kiểm toán đối với các phần vốn góp, giá trị cổ phần của doanh nghiệp, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra đề nghị thu hồi 50 triệu đồng phí dịch vụ kiểm toán hưởng lợi không chính đáng để sung công quỹ nhà nước.