Phát biểu tại tọa đàm, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS – KHHGĐ) của đất nước trong 10 năm qua đã bảo đảm mức sinh thay thế là 2,1 con.
Điều này khẳng định rằng, công tác dân số đã tạo ra cơ cấu dân số hợp lý cho đất nước để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Quá trình phát triển dân số đã tạo ra lực lượng lao động đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, giảm được thất nghiệp, cung cấp nguồn nhân lực cho phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới.
Có thể thấy, công tác DS - KHHGĐ trong 10 năm qua ổn định là do Đảng và Nhà nước có chính sách đúng đắn về công tác DS - KHHGĐ, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, bộ máy làm công tác dân số có chất lượng, kinh nghiệm.
Trong 10 năm qua, tỷ lệ vẫn đáp ứng được mức sinh thay thế. Đây là thành tựu quan trọng, thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước, việc tổ chức, triển khai của Chính phủ, các bộ ngành, và các địa phương có hiệu quả tốt.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay những vấn đề bất cập về dân số đã bắt đầu bộc lộ (chất lượng dân số, cơ cấu dân số, sự phân bổ dân số giữa các vùng miền, giữa đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu vùng xa, đối với đô thị và các khu vực khác... ), đòi hỏi Đảng và Nhà nước cần có sự chuyển hướng về chính sách. Nghị quyết 21-NQ/TW 2017 về công tác dân số trong tình hình mới đã yêu cầu chuyển quá trình từ DS - KHHGĐ sang dân số phát triển.
Theo đó, công tác về dân số phải được thay đổi theo chất lượng cơ cấu, quy mô dân số hợp lý để chuẩn bị cho quá trình dân số Việt Nam chuyển từ dân số vàng sang quá trình già hóa dân số.
Thống kê cho thấy, hiện tuổi thọ bình quân của nam ở nước ta là 72,1 tuổi; nữ là 82,3 tuổi; bình quân tuổi thọ là 76,6. Tuổi thọ này cao hơn so với thế giới, tuy nhiên, chất lượng dân số già ở nước ta đang có nhiều vấn đề cần phải giả quyết. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, mỗi người già ở Việt Nam đang phải mang trong mình 3 loại bệnh. Chính vì thế, tuổi thọ bình quân của người dân tuy tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh lại thấp.
Hiện nay, Việt Nam đã và đang gặp phải nhiều khó khăn thách thức như: Chênh lệch mức sinh giữa các địa phương; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng lan rộng; tốc độ già hóa dân số cao; tuổi thọ bình quân của người dân tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp; phân bố dân số, quản lý nhập cư, di dân còn nhiều bất cập,…
Để giải quyết khó khăn thách thức còn tồn tại, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Theo đó, Nghị quyết chỉ rõ: “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang Dân số và Phát triển.” Ngay sau khi Nghị quyết 21-NQ/TW được ban hành, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 137/NQ-CP để thực hiện Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới.
Tuy nhiên, qua theo dõi của Tổng cục DS-KHHGĐ, đến nay, vẫn còn 30 tỉnh/thành chưa ban hành chương trình hành động; 32 tỉnh chưa ban hành kế hoạch hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết về công tác dân số trong tình hình mới. Đây là một trong những khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu của công tác dân số trong thời gian tới.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu