Công nghiệp ô tô: “Kinh doanh ưu đãi tối ngày thì tốt nhất đừng làm”

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco Trường Hải đã nói như vậy tại tọa đàm Đối thoại chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam diễn ra vào chiều 27/4 tại trụ sở Bộ Công thương.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phát biểu tại tọa đàm "Đối thoại chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô", ông Dương cho biết, trong bối cảnh hội nhập ASEAN, thị trường nội địa là chính yếu bên cạnh việc tận dụng thị trường chung ASEAN. Hiện nay trong ASEAN, 2 thị trường tiềm năng nhất là Thái Lan và Indonesia, thị trường trong nước dù có 90 triệu dân nhưng các hãng xe vẫn chưa có điểm sản xuất trong khu vực ASEAN. 

"Chiến lược đề ra là thu hút hãng xe sản xuất ô tô rồi xuất khẩu ra ASEAN là khả thi nhưng họ sợ rằng kinh tế Việt Nam phát triển chưa đủ lớn nên cần ưu đãi nhưng ưu đãi tối ngày thì tốt nhất chúng ta đừng làm. Chính sách ưu đãi phải gắn với phát triển kinh tế", ông Dương nói. 

Ưu đãi đi liền cam kết 

Cụ thể, ông Dương cho biết, đến thời điểm năm 2018, khi thuế suất bằng 0%, thuế nhập khẩu bằng 0%, thuế tiêu thụ đặc biệt cũng giảm theo. Vấn đề đặt ra là nếu duy trì sản xuất ô tô tại Việt Nam phải có thuế suất CKD phù hợp để doanh nghiệp sản xuất trong nước tiếp tục duy trì sản xuất.

Thứ 2, nếu các dự án sản xuất lớn để có tỷ lệ nội địa hóa xe con là 114.000 xe trong nước, xuất khẩu được 20.000 xe như tỷ lệ như trong chiến lược đề ra chúng ta cũng có thể có ưu đãi cho những dự án thật sự.

Ngoài ra, ông Dương cũng cho biết, trong điều kiện làm ô tô, công nghiệp ô tô rất quan trọng vì từ ngành công nghiệp ô tô chúng ta có thể làm được nhiều ngành khác. 

Đặc biệt, ông Dương bày tỏ mong muốn Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Tài chính xem xét đánh giá lại hiện trạng năng lực phát triển của doanh nghiệp trong nước một cách nghiêm túc thay vì chỉ nghe báo cáo.

Ông Dương cũng cho biết, thời điểm đến 2018 thuế suất bằng 0%, doanh nghiệp của ông nói riêng và các doanh nghiệp khác nói chung đều cảm thấy lo, chiến lược phê duyệt từ tháng 7/2014 nhưng nay chưa có định hướng cụ thể. 

Về vấn đề ưu đãi cho doanh nghiệp, ông Trần Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Honda Việt Nam cho rằng, việc ưu đã theo Luật đầu tư hiện nay vẫn chỉ có ưu đãi giảm thuế đất và thu nhập doanh nghiệp nhưng trên thực tế, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp doanh nghiệp chỉ được hưởng khi đã đã thu hồi vốn và có lãi.

Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Trần Tuấn Anh cho biết, ngoài ưu đãi về cơ chế, chính sách Bộ Công thương sẽ xem xét dự án của các đối tác chiến lược. Tuy nhiên, Thứ trưởng nhấn mạnh việc cam kết của doanh nghiệp thông qua tỷ lệ nội địa hóa. 

Tính thuế tiêu thụ đặc biệt còn nhiều lỗ hổng?

Một vấn đề khác cũng được bình luận nhiều trong cuộc tọa đàm liên quan đến cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô còn nhiều lỗ hổng, chưa đúng với khung đã đề ra. 

Vị lãnh đạo Thaco dẫn chứng, với xe lắp ráp thuế tiêu thụ đặc biệt tính trên xe xuất xưởng, trong khi quan điểm của ông Dương là nên tính theo giá bán buôn để hạn chế gian lận thương mại. 

"Tôi không sợ thuế suất bằng 0 mà sợ nhất chuyển giá khi tính giá thuế", ông Dương nhấn mạnh. 

Đồng quan điểm, đại diện Honda Việt Nam cũng cho rằng nên thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng tạo điều kiện có lợi cho công nghệ sản xuất ô tô.

"Honda đề nghị tính giá ship linh kiện, doanh nghiệp tỷ lệ nội địa hóa càng nhiều", ông Tuấn nói.

Trong khi đó, đại diện của Công ty Á Châu, nhà nhập khẩu chính thức Audi vào Việt Nam, ông Nguyễn Văn Dũng lại cho rằng, ông ủng hộ cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt như hiện tại do việc tính trên giá ship là công bằng. 

"Nếu doanh nghiệp FDI tính trên bộ linh kiện thì đơn vị nhập khẩu đưa giá xuất xưởng tại nước sản xuất mới là công bằng. Cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt hiện tại là hoàn toàn chính xác", ông Dũng nói. 

Đại diện của Bộ Tài chính,ông Lưu Đức Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế đã ghi nhận những ý kiến từ phía doanh nghiệp sản xuất trong nước, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhập khẩu về vấn đề này.

Theo Bizlive