Công nghệ hiện đại giúp hồi sinh đười ươi và tê giác đen?

VietTimes – Bên cạnh những nỗ lực giám sát của con người, công nghệ hiện đại góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao như: đười ươi, tê giác đen,...
Cứu tê giác đen có nguy cơ tuyệt chủng cao bằng công nghệ hiện đại. Ảnh: Internet
Cứu tê giác đen có nguy cơ tuyệt chủng cao bằng công nghệ hiện đại. Ảnh: Internet

Giải pháp đám mây cứu đười ươi


Thông tin từ tờ Thanh Niên, mới đây, Amazon Web Services, Inc (AWS) - công ty thuộc Amazon.com, vừa công bố hợp tác với World Wildlife Fund for Nature Indonesia (WWF-Indonesia) nhằm nỗ lực cứu loài Orangutan đang có nguy cơ tuyệt chủng cao ở Indonesia.

Đười ươi Orangutan nằm trong số những loài linh trưởng thông minh nhất trên trái đất. Chúng có khả năng chế tạo và sử dụng công cụ, sống thành những quần thể với các nền văn hóa khác biệt.

Trong nhiều năm qua, hoạt động săn trộm, phá hủy môi trường sống và buôn bán vật nuôi trái phép đã gây ra sự suy giảm nghiêm trọng trong quần thể đười ươi, bao gồm ba loài vượn lớn của Indonesia và Malaysia.

Hoạt động săn trộm, phá hủy môi trường sống và buôn bán vật nuôi trái phép đã gây ra sự suy giảm nghiêm trọng trong quần thể đười ươi. Ảnh: Internet
 Hoạt động săn trộm, phá hủy môi trường sống và buôn bán vật nuôi trái phép đã gây ra sự suy giảm nghiêm trọng trong quần thể đười ươi. Ảnh: Internet

WWF cho biết quần thể đười ươi Bornean đã giảm hơn 50% trong 60 năm qua và môi trường sống của các loài đã giảm ít nhất 55% trong vòng 20 năm qua. Từ năm 2005, WWF-Indonesia đã đánh giá tình trạng sức khỏe và bảo tồn môi trường sống rộng 568.700 ha của chúng tại Vườn quốc gia Sebangau ở Trung Kalimantan (Indonesia).

Trước đây, để thực hiện đánh giá, các chuyên gia và tình nguyện viên bản địa phải đi thực địa hằng ngày để tìm đười ươi, chụp ảnh chúng, tải hình ảnh xuống máy tính tại chỗ và truyền dữ liệu về thành phố để chuyên gia WWF phân tích.

Quá trình thủ công này khiến các chuyên gia WWF-Indonesia tốn rất nhiều thời gian. Họ  phải mất 3 ngày để phân tích mỗi lô ảnh gồm hàng ngàn tấm. Đồng thời, do khối lượng dữ liệu quá lớn, quá trình phân tích có thể dễ mắc sai lầm.

Theo tờ tạp chí Thế giới số, việc áp dụng dịch vụ công nghệ của AWS đã gúp WWF-Indonesia tự động thu thập hình ảnh từ điện thoại di động và camera cảm biến chuyển động tại cơ sở hiện trường. Sau đó, họ sẽ tải lên Amazon Simple Storage Service (Amazon S3) để được phân tích.

Với việc sử dụng các công nghệ như Amazon SageMaker - một dịch vụ máy học quản lý toàn diện, các nhà khoa học dữ liệu và nhà phát triển đã nhanh chóng và dễ dàng xây dựng, đào tạo và triển khai các mô hình máy học quy mô lớn. Nhờ đó, WWF Indonesia đã giảm thời gian phân tích từ tối đa ba ngày xuống dưới mười phút.

Đặc biệt, độ chính xác và tính đặc thù của dữ liệu nhờ đó cũng tăng lên. Các số đo như tỷ lệ giới tính và tuổi tác, đánh giá khả năng tồn tại của quần thể, và nhanh chóng xác định được các cá thể đang mang thai, ốm hoặc bị thương tích cần điều trị ngay lập tức.

Đồng thời, nhờ áp dụng máy học, WWF-Indonesia đã giảm sự phụ thuộc của mình vào một số ít chuyên gia bảo tồn và cải thiện độ chính xác và sự đa dạng của dữ liệu về quần thể đười ươi.

Aria Nagasastra - Giám đốc Tài chính và Công nghệ WWF-Indonesia, cho biết trong tương lai, WWF-Indonesia có kế hoạch khai thác sử dụng nhiều hơn nữa các dịch vụ máy học như Amazon Rekognition. Đây là ịch vụ phân tích hình ảnh và video, để cải thiện tốc độ và độ chính xác của các hoạt động xác định và theo dõi quần thể.

Công cụ Connected Conversation bảo vệ tê giác đen


Theo tờ Kiểm sát online, tê giác đen là một trong những loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng cao. Quỹ Bảo vệ thiên nhiên Quốc tế (WWF) cho biết loài tê giác đen được xếp vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng cao, chỉ còn lại hơn 5.000 con.

Tê giác đen đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao. Ảnh: Ineternet
Tê giác đen đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao. Ảnh: Ineternet

Tê giác trên thế giới, đặc biệt là Nam Phi, đang bị đe dọa liên tục do con người săn trộm với mục đích lấy sừng bán cho thị trường chợ đen với giá cao hơn vàng. Sừng tê giác được nhiều người tin rằng nó chữa được bệnh ung thư.

Từ năm 2015, Công ty công nghệ Cisco and Dimension Data giới thiệu công cụ Connected Conversation - Sử dụng hỗn hợp cảm biến nhiệt, camera an ninh, camera tầm xa và wi-fi để phát hiện nhanh nhất các đối tượng săn trộm, nhất là tại các khu vực hẻo lánh ở phía Tây Bắc Nam Phi. Đây là nỗ lực nhằm ngăn chặn các hoạt động săn bắt động vật hoang dã.

Hệ thống camera và cảm biến có thể quan sát mọi ngóc ngách, thu thập dữ liệu về những người lọt vào khoảng cách nghi vấn và gửi cảnh báo đến về phòng điều khiển trung tâm 24 giờ.

Mạng lưới theo dõi này đặc biệt phù hợp với châu Phi, mơi mà chúng ta đang nỗ lực cứu tê giác, voi, sư tử, tê tê và tất cả các loài động vật hoang dã đang bị đe dọa hàng ngày hàng giờ

Theo ông Bruce Watson - Chuyên gia bảo tồn thiên nhiên và điều hành dự án này của Cisco and Dimension Data, công nghệ này đã giúp giảm được nạn săn trộm tới 96% trong năm 2016.

Với việc áp dụng công cụ này, nhiều năm qua nạn săn trộm tê giác ở Nam Phi đã giảm đáng kể. Theo thống kê gần đây nhất, 508 con tê giác bị giết trong 8 tháng đầu năm 2018, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2017.

Không dừng lại ở bảo vệ tê giác nói chung và tê giác đen nói riêng, mạng lưới theo dõi này có thể sẽ được áp dụng tại nhiều nơi để chặn đứng tình trạng săn bắt động vật hoang dã trên toàn thế giới.

Công nghệ này đã được áp dụng ở khu vực Zambia và cũng sẽ được triển khai ở Keny. Đồng thời, các nhà bảo tồn thiên nhiên thuộc dự án đang tìm kiếm thêm một vài địa điểm như công viên hổ ở Ấn Độ, New Zealand (để bảo vệ cá đuối, cá voi, cá mập), công viên thuộc Montana (Hoa Kỳ, để bảo vệ báo đốm và sư tử núi), châu Á và nhiều khu vực khác.

Bên cạnh việc mở rộng để bảo vệ các loài khác, Connected Conservation cũng đang tìm tòi các giải pháp mới như sử dụng trí tuệ nhân tạo và các cảm biến tinh vi hơn để cải thiện hiệu quả.