Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã thu thập, chuẩn hóa dữ liệu của hơn 90 triệu dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo Thủ tướng, hiện hệ thống đã chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, Cổng Dịch vụ công quốc gia và sẵn sàng hoạt động, bảo đảm hiện đại, bảo mật cao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, hai dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng, phát triển hệ thống Chính phủ điện tử. Ảnh: Bộ Công an
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, hai dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng, phát triển hệ thống Chính phủ điện tử. Ảnh: Bộ Công an

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại lễ khai trương Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân vào chiều nay (25/2).

Tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng

Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân là dự án công nghệ thông tin lớn nhất từ trước đến nay. Khi đi vào hoạt động, 2 hệ thống sẽ hỗ trợ đơn giản hóa, giảm thủ tục hành chính. Qua nghiên cứu, phân tích của các chuyên gia, dự tính tổng chi phí người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được hàng năm khi tích hợp, thực hiện 8 thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công quốc gia lên tới gần 5.000 tỉ đồng/năm.

Sau một thời gian triển khai, đến nay, việc thu thập thông tin dân cư trên toàn quốc đã cơ bản hoàn thành, bảo đảm thông tin dân cư chính xác, cập nhật thường xuyên theo nguyên tắc “đúng, đủ, sạch, sống”. Từ dữ liệu dân cư đã thu thập, người dân không phải mang bất kỳ loại giấy tờ. Với việc này, người dân và chính quyền không phải tốn chi phí in tài liệu, cán bộ thu nhận không phải đánh máy nhập liệu, từ đó tiết kiệm thời gian cho cán bộ thực hiện việc thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân.

Phát biểu tại lễ khai trương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Hệ thống ra đời sau hơn 10 năm kiên trì của 2 nhiệm kỳ và nhất là 2 năm gần đây, với sự tập trung cao độ, các đồng chí đã có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong chỉ đạo cụ thể.

"Đến nay đã thu thập, chuẩn hóa dữ liệu của hơn 90 triệu dân, đạt trên 92% dân số, kết nối, chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, Cổng Dịch vụ công quốc gia và sẵn sàng đi vào hoạt động, bảo đảm các tiêu chí hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí" - Người đứng đầu Chính phủ nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư - trao Bằng khen của Chính phủ và tặng hoa chúc mừng cho các tập thể có thành tích xuất sắc. Ảnh: Bộ Công an

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư - trao Bằng khen của Chính phủ và tặng hoa chúc mừng cho các tập thể có thành tích xuất sắc. Ảnh: Bộ Công an

Đặc biệt, Bộ Công an đã triển khai song song, lồng ghép 2 dự án, qua đó tiết kiệm cho Nhà nước hơn 1.000 tỉ đồng, bảo đảm hiệu quả, tiến độ đề ra.

Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân đi vào hoạt động sẽ cung cấp các thông tin cơ bản có đầy đủ tính pháp lý về công dân. Thay vì người dân, doanh nghiệp phải khai báo, nộp, chứng thực các giấy tờ khi thực hiện các giao dịch với cơ quan Nhà nước thì các thông tin đó sẽ được trích xuất tự động khi thực hiện các giao dịch hoặc các cơ quan nhà nước tra cứu, khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó giúp giảm bớt thời gian chuẩn bị hồ sơ, giảm chi phí giấy tờ, thời gian xác minh, đi lại cho công dân.

Đây cũng thể hiện quan điểm xuyên suốt của Chính phủ trong việc lấy người dân làm trung tâm, đồng thời lan tỏa, truyền cảm hứng đến người dân và toàn xã hội muốn làm, cùng làm đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin.

Tạo hành lang pháp lý trong vấn đề danh tính số

Thủ tướng nhấn mạnh, sự phát triển mạnh mẽ của kỷ nguyên số sẽ giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn nữa vào nền kinh tế thế giới, thúc đẩy thay đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và tăng năng suất xã hội và năng lực cạnh tranh.

Do đó, chúng ta cần đẩy nhanh nắm bắt và ứng dụng những thành tựu mới của khoa học công nghệ trên tất cả các lĩnh vực, đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong quản lý Nhà nước nói chung, trong quản lý dân cư nói riêng, tạo một hệ thống thông tin “công dân số” trong tất cả các ngành, lĩnh vực, sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của thời đại mới.

Trên tinh thần đó, việc khai trương Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân hôm nay mới chỉ là bước đầu quan trọng, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm phía trước.

Do đó, Thủ tướng đề nghị tập trung các bộ ngành, các cơ quan liên quan triển khai ngay một số nhiệm vụ. Thủ tướng đặc biệt lưu ý Bộ Công an cần tiếp tục hoàn thiện Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, bảo đảm dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất bảo đảm an ninh, an toàn cơ sở dữ liệu; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh quá trình kết nối các bộ, ngành, địa phương, góp phần quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, hướng tới xây dựng kinh tế số, xã hội số,…

Bộ trưởng Tô Lâm và Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc trao bằng khen của Bộ Công an và hoa chúc mừng cho các tập thể có nhiều đóng góp xây dựng hệ thống.

Bộ trưởng Tô Lâm và Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc trao bằng khen của Bộ Công an và hoa chúc mừng cho các tập thể có nhiều đóng góp xây dựng hệ thống.

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đánh giá cao sự tham gia, phối hợp tích cực của các bộ, ngành, cơ quan, các địa phương, cũng như đánh giá cao sự nỗ lực của các nhà thầu, các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam. Trong số các doanh nghiệp Việt Nam tham gia tích cực, có thể kể tới Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), Công ty công ty CP ĐTTM & PTCN FSI,... đã tham gia tích cực, có hiệu quả vào các dự án.

Trao đổi với VietTimes, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thông tin, tham gia trong dự án này, Vietnam Post đã xây dựng quy trình nhập liệu chi tiết, đảm bảo dữ liệu sau khi nhập, lưu trữ vào cơ sở dữ liệu đều được mã hóa các trường thông tin quan trọng. Chỉ trong 6 tháng kể từ khi tiếp nhận dữ liệu, hơn 20.000 nhân viên Bưu điện trên cả nước đã hoàn thành nhập gần 90 triệu phiếu DC01.

Vietnam Post cho biết chưa từng xảy ra bất kỳ trường hợp khiếu kiện nào về việc mất, thất lạc hay hư hỏng do chuyển phát chứng minh thư, căn cước công dân hay kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Vietnam Post cho biết chưa từng xảy ra bất kỳ trường hợp khiếu kiện nào về việc mất, thất lạc hay hư hỏng do chuyển phát chứng minh thư, căn cước công dân hay kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Đối với việc triển khai hệ thống Căn cước công dân, Vietnam Post đã phối hợp với các cơ quan Công an thực hiện chuyển phát hàng chục triệu thẻ Căn cước công dân từ địa điểm sản xuất về công an các tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã.

Để nhận căn cước công dân tại nhà, người dân sau khi hoàn tất các thủ tục với cơ quan công an chỉ cần đến quầy dịch vụ của Vietnam Post, đăng ký thông tin về người và địa chỉ nhận. Khi có kết quả từ cơ quan Công an, Bưu điện có trách nhiệm chuyển phát đến tận tay khách hàng.

Việc chuyển phát căn cước công dân qua Bưu điện không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức đi lại mà còn tạo sự thuận lợi cho người dân khi sử dụng dịch vụ hành chính công, đặc biệt là đối với người dân ở những vùng có điều kiện đi lại khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Cũng trong dịp này, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam được Bộ Công an tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc triển khai 2 hệ thống.