Cổ phiếu ngân hàng lúc này đắt hay rẻ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Mấy tuần qua, một số cổ phiếu ngân hàng đã tăng nóng, có cổ phiếu trong vòng bốn tuần đã tăng 45%, nhiều cổ phiếu tăng ở mức 10-20%.

I

VCB có vốn hóa gần 16 tỉ đô la Mỹ. Ảnh: HOÀNG TÂN
VCB có vốn hóa gần 16 tỉ đô la Mỹ. Ảnh: HOÀNG TÂN

Nhìn cây hay rừng?

Cũng như VN-Index được quyết định bởi VN30, nói đến cổ phiếu ngành ngân hàng Việt Nam thì cũng đồng nghĩa với tốp 10 ngân hàng có vốn hóa quanh mức 2 tỉ đô la Mỹ trở lên, vì nhóm này chiếm tuyệt đối không chỉ về vốn hóa, mà còn về thị phần khách hàng cũng như tổng dư nợ cho vay.

Nhưng trong số các ngân hàng niêm yết, tính luôn cả trên sàn UpCom, thì giữa các ngân hàng có sự chia nhóm rất rõ ràng. Có thể chia thành nhóm có vốn hóa dưới 500 triệu đô la, nhóm từ 1-3 tỉ đô la, và nhóm từ 5-7 tỉ đô la trở lên (cá biệt VCB là gần 16 tỉ đô la, gấp đôi ngân hàng bên dưới là BID). Và sự khác biệt giữa các nhóm ngân hàng này là như nhà ngói với nhà tranh.

Hiệu quả hoạt động tính theo lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của nhóm ngân hàng có vốn hóa dưới 300 triệu đô la là khá thấp, và nếu nhìn về tăng trưởng cũng như hiệu quả trong năm năm qua thì không thể so được với các ngân hàng ở nhóm trên. Trong khi đó, ở nhóm 10 ngân hàng có vốn hóa lớn nhất, vẫn có những ngân hàng có mức giá trên lợi nhuận (P/E) trong khoảng 10-12, và giá trị trường trên giá sổ sách (M/B) nhỏ hơn 2. Ở nhóm kế cận trong tốp 10-20, có những ngân hàng hiện có mức P/E dưới 10, và M/B còn nhỏ hơn 1.5.

Khi so sánh tốp 5 ngân hàng niêm yết của Việt Nam (VCB, BID, CTG, TCB, VPB) với top 5 của Indonesia, Malaysia, và Thái Lan, một số chỉ số định giá cơ bản cho thấy những ngân hàng này đang ở mức trung bình hoặc thấp hơn ở các chỉ số P/E, M/B, Price to Sales, Price to Cash Flow theo mô hình ước lượng của Eikon.

Điều này cho thấy, bên cạnh một số cổ phiếu ngân hàng thuộc dạng blue-chip với P/E cao như BID hay VCB (có thể vì kỳ vọng của nhà đầu tư về tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai), một số ngân hàng tầm trung của Việt Nam hiện có các chỉ tiêu định giá khá tốt, đặc biệt là trong nhóm kế cận.

Tuy nhiên, trong việc định giá, các nhà phân tích chuyên nghiệp đều biết rằng bên cạnh các con số còn là các câu chuyện đằng sau. Một ngân hàng đang được định giá tốt nhưng chỉ cần một “tai nạn” bất ngờ xảy ra, như trường hợp HSBC và Credit Suisse gần đây, thì giá cổ phiếu của ngân hàng cũng có thể bị sụt giảm mạnh.

Nhìn xa và dài hơn

Khi so sánh tốp 5 ngân hàng niêm yết của Việt Nam (VCB, BID, CTG, TCB, VPB) với tốp 5 của Indonesia, Malaysia, và Thái Lan, một số chỉ số định giá cơ bản cho thấy những ngân hàng này đang ở mức trung bình hoặc thấp hơn ở các chỉ số P/E; M/B; Price to Sales, Price to Cash Flow theo mô hình ước lượng của Eikon.

Không những thế, như đã đề cập ở trên thì một số ngân hàng niêm yết trong nhóm có mức vốn hóa lớn kế cận tốp 5 ở Việt Nam cũng có các chỉ số định giá cơ bản khá tốt. Những cơ sở này cho thấy cổ phiếu ngân hàng Việt Nam vẫn là một trong những nhóm cổ phiếu chi phối thị trường.

Một lý do khác để hỗ trợ cho các ngân hàng có định giá tốt là các yếu tố vĩ mô. Việt Nam vẫn giữ được nhịp tăng trưởng của mình, tiếp tục là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù thị trường vốn đang phát triển nhưng ngân hàng vẫn là kênh truyền dẫn vốn chính của nền kinh tế, trong trung hạn và nhiều khả năng cả trong dài hạn.

Rẻ, đắt đều có

Nếu như một số ngân hàng có vốn hóa tương đối lớn ở thị trường Việt Nam có P/E và M/B cao, có thể giải thích là vì kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai, thì điều này rất khó giải thích với một số ngân hàng niêm yết có vốn hóa nhỏ.

Không những thế, rủi ro của ngành ngân hàng Việt Nam thì chủ yếu tập trung ở các ngân hàng nhỏ, như trường hợp đã xảy ra với các ngân hàng 0 đồng.

Với triển vọng của nền kinh tế Việt Nam và vai trò của ngành ngân hàng, nhiều cổ phiếu ngân hàng sẽ còn nhiều cơ hội trong trung-dài hạn, nhất là các cổ phiếu ở nhóm vốn hóa vừa phải, có cơ hội phát triển nhanh trong những năm tới.

Cổ phiếu ngành ngân hàng cũng như các ngành khác, một cổ phiếu cụ thể có thể sẽ khác nhiều với chỉ số chung của cả ngành. Do đó, sẽ có những cổ phiếu đắt xắt ra miếng, nhưng cũng sẽ có những cổ phiếu đắt khiến nhà đầu tư ngậm đắng nuốt cay. Mỗi nhà đầu tư đều có khẩu vị và phương pháp định giá riêng của mình, nhưng trong trường hợp nào đi nữa thì việc thẩm định kỹ càng (due diligence) cũng là cách phòng ngừa rủi ro rất hiệu quả.

(*) Trường Đại học Kinh tế TPHCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global

Theo TheSaiGonTimes