Lập sàn kinh doanh xăng dầu thay cho Quỹ bình ổn giá
Trước những lo ngại về Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu do Bộ Công Thương soạn thảo đâu đó vẫn còn lỗ hổng tạo thế độc quyền cho một số doanh nghiệp lớn, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, thành viên nhóm tham vấn hiến kế kinh tế vĩ mô quốc gia và hội nhập quốc tế, đã có những trao đổi với VietTimes.
Theo ông Dũng, một số doanh nghiệp lớn chiếm thị phần quá cao, trên 50% hoặc thậm chí 80% nguồn cung có thể dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực như thao túng thị trường.
“Việc phụ thuộc vào một số ít doanh nghiệp còn có thể gây rủi ro cho nguồn cung xăng dầu quốc gia. Giá cả bị đẩy lên cao hơn mức cạnh tranh, trong khi chất lượng và dịch vụ có thể không được cải thiện, gây tác động tiêu cực tới người tiêu dùng”, ông Dũng phân tích.
Các vụ án như Xuyên Việt Oil, Hải Hà Petro trong thời gian cho thấy rủi ro lớn về quản lý, sử dụng, giám sát Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Lo ngại tình trạng này không được giải quyết triệt để, ông Dũng cho rằng người tiêu dùng sẽ thiệt thòi, không được hưởng lợi từ mục đích ban đầu.
Quỹ bình ổn bị lạm dụng sẽ khiến giảm sút lòng tin của người dân vào cơ quan quản lý và chính sách điều hành giá xăng dầu, tạo ra tâm lý bất mãn trong xã hội. Cùng với đó là thất thoát nguồn lực tài chính quốc gia, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn trong nền kinh tế.
"Doanh nghiệp độc quyền kiểm soát giá cả, sản lượng, chất lượng sản phẩm theo hướng có lợi cho họ mà bất lợi cho người tiêu dùng và nền kinh tế. Sự thống lĩnh của một số ít doanh nghiệp lớn sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc gia nhập thị trường hoặc mở rộng thị phần".
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng
Nguy hiểm hơn là gây méo mó thị trường. Việc can thiệp quá mức vào thị trường có thể gây ra những méo mó về giá cả và cung cầu, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành và tác động đến chính sách năng lượng dài hạn. Ngoài ra, việc này có thể làm chậm quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Theo chuyên gia, các doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào cơ chế bình ổn thay vì thích ứng với biến động thị trường, gây tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư và làm giảm sự hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng.
Do đó, để tạo ra cơ chế bình đẳng cho các doanh nghiệp và đảm bảo an ninh năng lượng, ông Dũng đề cập đến việc sớm thành lập sàn kinh doanh xăng dầu thay cho Quỹ bình ổn giá thời gian qua.
Khớp lệnh tự động để đảm bảo minh bạch
Để khuyến khích cạnh tranh và minh bạch hóa thông tin, chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng cần xem xét áp dụng mô hình sàn giao dịch xăng dầu, giúp tăng tính cạnh tranh và minh bạch, phản ánh chính xác quy luật cung cầu của thị trường.
Việc thành lập sàn kinh doanh xăng dầu có thể mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Tuy nhiên, để đảm bảo sự thành công và hiệu quả, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và quan tâm đến nhiều khía cạnh khác nhau trong quá trình thiết kế, triển khai và vận hành sàn.
Khi sàn kinh doanh xăng dầu được vận hành sẽ công khai thông tin về giá cả, khối lượng giao dịch, từ đó giảm thiểu khả năng thao túng giá, tạo cơ chế định giá linh hoạt, nhanh chóng và cải thiện quá trình phân phối, lưu thông xăng dầu.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng nhận định đây sẽ là sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp, hoạt động giao dịch đúng theo nguyên tắc thị trường giữa bên cung và bên cầu. Trong đó, sàn cung cấp công cụ phòng ngừa rủi ro cho các bên tham gia, giảm thiểu tác động của biến động giá đột ngột và tạo cơ sở dữ liệu cho hoạch định chính sách.
Để đạt được các mục tiêu trên, vị chuyên gia lưu ý các vấn đề cần chú trọng khi thành lập và vận hành sàn về xây dựng quy định rõ ràng về cơ chế hoạt động của sàn, đảm bảo tuân thủ các quy định về cạnh tranh và chống độc quyền.
“Việc vận hành sàn kinh doanh xăng dầu là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự tham gia của nhiều bên liên quan. Công tác đầu tư vào hệ thống giao dịch an toàn, hiệu quả, đảm bảo khả năng xử lý giao dịch với khối lượng lớn, có sự giám sát của cơ quan quản lý độc lập, ngăn chặn gian lận cũng là yếu tố quan trọng”, ông Dũng nói.
Hiện lượng tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam vào khoảng 27 triệu tấn/năm, đủ khả năng để lập sàn và lấy giá sàn này làm cơ sở tính giá. Việc lấy giá sàn trong nước làm cơ sở sẽ ngăn chặn khả năng các đầu mối nhập khẩu trục lợi.
Về mô hình hoạt động của sàn, chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng gợi ý cho phép giao dịch cả hợp đồng kỳ hạn và giao ngay để tạo cơ hội phòng ngừa rủi ro, đầu tư. Sàn sẽ áp dụng hệ thống khớp lệnh tự động, công bằng, đảm bảo tính minh bạch trong quá trình định giá.
Về tác động đến chuỗi cung ứng xăng dầu, theo ông Dũng, sàn có thể làm thay đổi mô hình quan hệ truyền thống trong phân phối, do đó, cần có cơ chế để đảm bảo lợi ích của tất cả các bên, tích hợp với chính sách năng lượng quốc gia.
Nếu được triển khai hiệu quả, sàn có thể mang lại những lợi ích đáng kể cho thị trường xăng dầu Việt Nam, góp phần tăng tính minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả. Tuy nhiên, cần có sự giám sát chặt chẽ và điều chỉnh linh hoạt để đảm bảo sàn hoạt động phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế và an ninh năng lượng quốc gia.
Quá nhiều quy định sẽ làm giảm tính linh hoạt
Dựa trên nội dung của Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng đánh giá, các doanh nghiệp trong ngành phải tuân thủ khá nhiều điều kiện và quy định.
Việc có nhiều quy định như vậy một mặt giúp đảm bảo tính ổn định, an toàn trong kinh doanh mặt hàng quan trọng, góp phần duy trì chất lượng sản phẩm và bảo vệ người tiêu dùng.
Mặt khác, số lượng lớn các điều kiện và quy định có thể tạo ra gánh nặng về mặt tuân thủ, chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và phát triển của họ.
“Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường cạnh tranh, việc có quá nhiều quy định có thể đi ngược lại xu hướng này. Tuy nhiên, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh năng lượng quốc gia. Do đó, cần cân nhắc giữa mục tiêu quản lý, đảm bảo an toàn với việc tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển”, ông Dũng nhìn nhận.
Bên cạnh đó, nhiều quy định có thể làm tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp, từ đó có thể ảnh hưởng đến giá xăng dầu, cần cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng.
Với kinh nghiệm nghiên cứu lâu năm và thường xuyên theo dõi sự phát triển và quản lý kinh tế của các nước tiên tiến, chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng đề xuất 5 giải pháp.
Thứ nhất, tự do hóa thị trường từng bước, xem xét nới lỏng một số điều kiện kinh doanh không thực sự cần thiết để giảm rào cản gia nhập thị trường cho doanh nghiệp.
Cơ quan quan quản lý Nhà nước có thể xem xét rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá để phản ánh nhanh hơn biến động thị trường, tăng tính minh bạch trong cách tính giá cơ sở, công bố rõ các thành phần cấu thành giá. Việc này có thể nghiên cứu áp dụng các công cụ tài chính như hợp đồng tương lai để giảm thiểu rủi ro biến động giá.
Thứ hai, đa dạng hóa nguồn cung cũng là giải pháp cần thiết mà chuyên gia Dũng đề cập thông qua khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, nhiên liệu sinh học để giảm phụ thuộc vào xăng dầu truyền thống. Hay tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu xăng dầu từ nhiều nguồn khác nhau để đảm bảo an ninh năng lượng.
Thứ ba, rà soát và điều chỉnh các quy định để phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập kinh tế. Giảm bớt các điều kiện không thực sự cần thiết, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến kinh doanh xăng dầu. Tăng cường yêu cầu về năng lực tài chính và quản trị rủi ro của doanh nghiệp thay vì tập trung vào yêu cầu cơ sở vật chất.
Thứ tư, quy định về dự trữ xăng dầu có thể cân nhắc điều chỉnh dự trữ bắt buộc dựa trên phân tích rủi ro, dự báo nhu cầu thị trường, cho phép linh hoạt hơn trong việc quản lý dự trữ. Ví dụ, cho phép doanh nghiệp sử dụng một phần dự trữ trong trường hợp biến động giá mạnh.
Thứ năm, doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể mua bảo hiểm để bảo vệ khỏi biến động giá. Cần có khung pháp lý và hệ thống tài chính phát triển thực hiện điều này. Ngoài ra, việc xây dựng chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng dễ bị tổn thương khi giá xăng dầu tăng cao, tuy nhiên cần có hệ thống quản lý hiệu quả để tránh lạm dụng cũng là giải pháp quan trọng.
“Bài học trong quản lý kinh doanh xăng dầu của một số nước tiên tiến châu Á là kinh nghiệm mà Việt Nam có thể học hỏi. Tiêu biểu như Nhật Bản sử dụng thuế xăng dầu linh hoạt để ổn định giá và đầu tư mạnh vào dự trữ chiến lược, đa dạng hóa nguồn cung; Singapore áp dụng cơ chế thị trường tự do với sự giám sát chặt chẽ và khuyến khích cạnh tranh, minh bạch trong định giá”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng nêu ví dụ.
Mới đây, theo Tiền Phong, trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp đã liệt kê nhiều vấn đề bất cập lớn của quy định kinh doanh xăng dầu theo Dự thảo Nghị định do Bộ Công Thương xây dựng.
Trong đó, một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Lâm Đồng cho rằng: “Để giá cơ sở xăng dầu bám sát thị trường, nghị định mới cần điều chỉnh: Giá xăng dầu thế giới là giá các sản phẩm xăng dầu được giao dịch trên thị trường quốc tế do Bộ Công Thương xác định và công bố căn cứ trên tối thiểu 3 sàn giao dịch quốc tế có lượng xăng dầu nhập lớn nhất.
Với Dự thảo hiện nay, Bộ Công Thương mới chủ yếu cập nhật giá sàn xăng dầu tại Singapore, từ đó dẫn đến lỗ hổng giúp các doanh nghiệp đầu mối nhập hàng từ các sàn quốc tế khác giá thấp hơn giá sàn Singapore để tính giá bán trong nước, kiếm lợi riêng, gây thất thoát thuế cho Nhà nước”.