Doanh nghiệp cao su kẻ khóc người cười, gam màu đối lập giữa thành viên của Vinachem và VRG

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Kết quả kinh doanh quý II của một số doanh nghiệp ngành cao su được hé mở, với các gam màu trái ngược nhau giữa nhóm thành viên của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG).

Doanh nghiệp cao su kẻ khóc người cười, gam màu đối lập giữa thành viên của Vinachem và VRG

3 doanh nghiệp cao su nhà Vinachem hân hoan về đích

Ba doanh nghiệp cao su là thành viên của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đều đồng loạt báo lãi trong quý vừa qua. Báo lãi kỷ lục là Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng (MCK: SRC) với doanh thu bán hàng đạt 335 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp thu về 46,9 tỷ đồng, tăng 26%.

Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng hơn 4 lần lên 1,3 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm nhẹ còn 4,8 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt lên 10,3 tỷ đồng và 17,4 tỷ đồng, tương ứng tăng 27% và 7%.

Trừ đi thuế và các chi phí khác, Cao su Sao Vàng báo lợi nhuận sau thuế 113,8 tỷ đồng, cao gấp hơn 18 lần, tương đương 1.735% so với kết quả quý II/2023, qua đó ghi nhận quý lãi kỷ lục kể từ khi được niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2009.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu bán hàng của Cao su Sao Vàng đạt 517 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Công ty thu về 117,2 tỷ đồng lợi nhuận, gấp 11,5 lần so với cùng kỳ. Kết quả này đã vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế, nhưng việc hoàn thành mục tiêu doanh thu mới được hơn ¼ chặng đường.

Lợi nhuận đột biến của Cao su Sao Vàng được lý giải đến từ thu nhập khác tăng 304 tỷ đồng, do công ty chuyển nhượng lại quyền thuê lại đất với cơ sở hạ tầng gắn liền với đất.

Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (MCK: DRC) cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 52% trong quý II/2024. Doanh thu thuần đạt 1.364 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước, phần lớn đến từ hàng xuất khẩu chiếm gần 70%.

Trong kỳ, giá vốn hàng bán chỉ tăng 7% lên 1089 tỷ đồng. Chi bán hàng tăng mạnh 156% lên 159 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 9% lên 23 tỷ đồng, tuy nhiên, chi phí lãi vay đã giảm 28% chỉ còn hơn 4 tỷ đồng.

Theo giải trình, lợi nhuận sau thuế quý II của công ty ghi nhận mức tăng trưởng tích cực chủ yếu nhờ chính sách bán hàng của công ty, đồng thời hưởng lợi từ việc tăng tỷ giá từ đầu năm đối với hoạt động xuất khẩu.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Cao su Đà Nẵng ghi nhận tổng doanh thu đạt 2.337 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 126,7 tỷ đồng, lần lượt tăng 3% và 67% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, hoàn thành 45% kế hoạch doanh thu và 44,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

cao su sao vàng.jpg

Cái tên báo lãi cuối cùng trong họ cao su của Vinachem là Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (MCK: CSM) với lợi nhuận sau thuế tăng 75% trong quý II/2024 và tăng 110% trong 6 tháng đầu năm, lên mức 21 tỷ đồng và 40,8 tỷ đồng.

Trong quý II/2024, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Cao su Miền Nam giảm nhẹ xuống còn 1.333 tỷ đồng. Doanh thu thuần, giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp lần lượt giảm còn 1.265 tỷ đồng, 1.065 tỷ đồng và 199 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong 6 tháng qua, công ty có doanh thu tài chính tăng đột biến hơn 104% lần lên 43 tỷ đồng, chủ yếu đến từ khoản lãi gần 15,5 tỷ đồng xuất hiện nhờ số tiền gửi ngân hàng tăng 14 lần so với thời điểm đầu năm đạt 329 tỷ đồng.

Gam màu ảm đạm ở các thành viên nhà VRG

Trái ngược với tình hình kinh doanh sôi động của các công ty cao su thuộc Vinachem, một vài thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam lại có kết quả khá ảm đạm.

Trong đó, Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (MCK: PHR) báo lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 19 tỷ đồng, giảm mạnh 77% so với cùng kỳ năm trước, do doanh thu hoạt động tài chính kỳ này giảm mạnh 73% so xuống gần 9 tỷ đồng.

Quý II, công ty có doanh thu thuần quý đạt hơn 186 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng tăng chậm hơn doanh thu giúp lợi nhuận gộp tăng vọt 81% lên 21 tỷ đồng. Nhờ kết quả kinh doanh quý I tích cực nên luỹ kế bán niên 2024, Cao su Phước Hoà vẫn đạt doanh thu 455 tỷ đồng, lãi sau thuế 36 tỷ đồng.

Tuy nhiên, so với kế hoạch đặt ra từ đầu năm 2024, công ty mới hoàn thành 15% mục tiêu lợi nhuận. Năm 2024, Cao su Phước Hòa đặt kế hoạch doanh thu 1.455 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 245 tỷ đồng.

Một thành viên khác nhà VRG báo lợi nhuận đi lùi 51% là Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (MCK: DPR). Cao su Đồng Phú ghi nhận doanh thu thuần quý 2/2024 có sự tăng trưởng so với cùng kỳ khi đạt hơn 232 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thu nhập khác giảm 43 tỷ đồng so với cùng kỳ nên lợi nhuận sau thuế chỉ còn 36 tỷ đồng, rơi từ mức 80 tỷ đồng của quý II/2023. Tương tự Cao su Phước Hòa, nhờ kết quả kinh doanh quý I tốt nên lũy kế 2 quý đầu năm, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp vẫn báo tăng trưởng dương 44% lên 142 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một số thành viên khác của VRG công bố báo cáo tài chính quý II/2024 đã cho thấy những con số tăng trưởng tích cực, như Cao su Tây Ninh lãi lớn đạt doanh thu 90,5 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 12,8 tỷ, lần lượt tăng 31,2% và 140%; Cao su Tân Biên báo lãi sau thuế quý II/2024 đạt 55,5 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước đó.