PVS không phải là doanh nghiệp dầu khí duy nhất báo lãi vượt kỳ vọng, mà hầu hết các công ty trong ngành đều đạt lợi nhuận tương tự bất chấp sự sụt giảm và đứng ở mức thấp từ đầu năm đến nay của giá dầu thô.
Thế nhưng giá cổ phiếu PVS và các cổ phiếu dầu khí khác trên sàn đã không diễn biến cùng chiều với sự tăng trưởng lợi nhuận. Đầu tháng 7-2015, thị giá PVS còn ở quanh mức 28.000 đồng, đến đầu tháng 11, nó còn 22.000 đồng.
Trong tháng 8-2015 đã có thời điểm nó tụt xuống gần 18.000 đồng. Tâm lý nhà đầu tư, kể cả một số tổ chức, không tin tưởng vào sự phục hồi sớm xảy đến đối với giá dầu. Ngay cả một số công ty chứng khoán cũng chỉ khuyến cáo nắm giữ đối với cổ phiếu dầu khí dựa trên dự báo giá dầu có thể lên xuống ở 50 đô la Mỹ/thùng.
Khoảng hai tuần trước, hãng Bloomberg đăng tải bài báo của Grant Smith về chuyện OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ) chuẩn bị “cày nát” sự bùng nổ của dầu khí Mỹ. Sản lượng dầu khai thác hàng ngày của Mỹ đã giảm so với mức đỉnh và dự báo sẽ còn giảm thêm. Và đó là cơ hội để các nước OPEC giữ và gia tăng thị phần.
Đồng thời khi nguồn cung từ Mỹ giảm, họ có thể có điều kiện để kiểm soát giá cả thị trường. Tuy nhiên để tiến tới được điểm đó, các thành viên OPEC cũng đã phải trả một giá đắt, chẳng hạn một năm thu hẹp nguồn thu nhập của chính phủ, bội chi ngân sách leo thang, đồng nội tệ mất giá. Sự cộng hưởng của những yếu tố này đã khiến một số thành viên chịu hậu quả kinh tế nặng nề.
“Nỗi đau” giá dầu đã kéo một thời gian dài và nó sẽ còn kéo dài chứ chưa thể dừng lại. Sản lượng dầu sản xuất của Mỹ đã trụ vững “kiên trì” hơn nhiều người lầm tưởng. Dẫu vậy, chuyên viên phân tích của chi nhánh tập đoàn Société Générale tại London tin rằng đáy của giá dầu dường như đang được tái lập cân bằng quanh đâu đây thôi.
Mọi sự dự đoán chỉ có ý nghĩa tham khảo bởi nếu dự báo của tập đoàn tài chính này lạc quan hơn đôi chút, thì không có nghĩa mọi dự báo của những hãng khác đều như thế. Một tập đoàn tài chính Mỹ đã từng dự báo giá dầu thậm chí có thể về mức 30 đô la Mỹ/thùng, cách không xa mấy ngưỡng 38 đô la Mỹ/thùng mà nó đã chạm đến mấy tháng trước.
Trong giới đầu tư hình thành nên hai trường phái đầu tư đối với cổ phiếu dầu khí. Hoặc họ đợi giá dầu phục hồi vững chắc, triển vọng kinh doanh của các công ty dầu khí sáng sủa trở lại, mới giải ngân. Hoặc họ mua bây giờ, và chọn mua thêm thời điểm khi giá dầu lập đáy mới, cho cổ phiếu vào tủ khóa lại, để mười mấy, thậm chí vài chục tháng, giống như “của để dành”.
Những người thuộc trường phái thứ hai tin tưởng ngay cả hiện tại khi giá dầu thô ở mức chỉ bằng một nửa của cách đây một năm, các công ty dầu khí vẫn làm ăn có lời, và lợi nhuận còn cao hơn năm ngoái, thì không có lý do gì họ lại không đạt lợi nhuận tốt hơn khi giá dầu phục hồi.
Câu chuyện của cổ phiếu dầu khí cũng đúng với các doanh nghiệp khai thác mỏ niêm yết mà lớn nhất ở Việt Nam là Công ty cổ phần Tài nguyên Masan đang sở hữu mỏ đa kim Núi Pháo (MSR-UpCom). Không giống như đa số các cổ phiếu trên UpCom, thanh khoản và giá trị giao dịch hàng ngày của MSR tương đối ổn định ở mức chừng 200.000 đơn vị/ngày.
Thị giá MSR đang thấp hơn nhiều giá trị sổ sách và thấp hơn giá trị thực. Sở dĩ như vậy là do giá vonfram, một trong những sản phẩm chính của Núi Pháo, đang ở mức thấp, đã giảm 30-40% so với mức giá cuối năm ngoái. Các doanh nghiệp ngành khai thác, chế biến tài nguyên như khoáng sản hay dầu khí đang trong những ngày không mấy dễ chịu của chu kỳ kinh tế và vòng đời sản xuất, kinh doanh.
Cổ phiếu dầu khí đã từng là một trong những động lực tăng trưởng chính của VN-Index trong những năm trước và nay khi thị giá của chúng lùi sâu, kéo giãn khoảng cách giữa chúng và nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt trong quí 3 và ba quí đầu năm.
Đợt tăng giá mạnh trong 1-2 tháng vừa qua của cổ phiếu ô tô, cổ phiếu logistics, cổ phiếu mía đường, của PTB, SKG, PAC, CAV, BMP, NTP... làm cho thị giá một số nhóm cổ phiếu trở nên rẻ như dệt may, thủy sản, vật liệu xây dựng, khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng...
Cùng xuất phát từ hiệu ứng TPP, sẽ không hợp lý khi nói các doanh nghiệp logistics, cảng biển được hưởng lợi nhiều, còn cổ phiếu ngành dệt may lại đi xuống, trong khi dệt may mới là lĩnh vực được các bộ ngành Việt Nam tham gia đàm phán hiệp định nỗ lực giành lấy từng điều khoản đảm bảo có lợi cho quốc gia.
Theo TBKTSG
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu