Có nên hồi tố quá khứ?

“Theo pháp luật hiện hành, các ngân hàng cho vay không có trách nhiệm phải tìm hiểu và xác minh nguồn gốc số tiền trên tài khoản thanh toán của bên vay trước khi thu nợ. Trên thực tế nếu buộc các ngân hàng phải xác minh về nguồn gốc số tiền thu nợ, thì sẽ phát sinh rất nhiều khó khăn, thủ tục hành chính, chi phí của ngân hàng cũng như khách hàng. Ngoài ra, các ngân hàng không có đủ điều kiện, cơ sở để thực hiện việc xác minh này”
Có nên hồi tố quá khứ?
Có nên hồi tố quá khứ?

Đây là một trong những điểm chính của Văn bản số 15/HHNH-PLNV ngày 24-1-2018 của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam gửi hỏa tốc tới Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Chủ tọa hội đồng xét xử vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2.

Văn bản của Hiệp hội Ngân hàng gửi tới các cơ quan chức năng trong bối cảnh một số tổ chức tín dụng tỏ ra băn khoăn và bộ phận pháp chế của họ phải rà soát lại các văn bản pháp lý liên quan đến cung ứng tín dụng, thu hồi nợ vay.

Sự băn khoăn này bắt nguồn từ phiên xét xử vụ án nêu trên vào ngày 22-1-2018 khi đại diện Viện Kiểm sát đề nghị thu hồi 6.600 tỉ đồng từ các ngân hàng BIDV, TPBank, Sacombank trả cho VNCB (Ngân hàng TMCP Xây dựng, sau đổi tên thành Ngân hàng TNHH một thành viên Xây dựng - CB sau khi được Nhà nước mua bắt buộc) để khắc phục hậu quả. Đồng thời buộc Phạm Công Danh và tập đoàn Thiên Thanh có trách nhiệm bồi hoàn 6.600 tỉ đồng cho ba ngân hàng trên.

Ngày 27-1-2018 đại diện Viện Kiểm sát tại tòa giữ nguyên quan điểm khi phát biểu: “Số tiền hơn 6.100 tỉ đồng (đã làm tròn, không phải là 6.600 tỉ đồng nữa) được xác định là thiệt hại của vụ án, chúng tôi đề nghị phải thu hồi từ ba ngân hàng BIDV, Sacombank, TPBank để trả lại cho VNCB vì đó là vật chứng vụ án”.

Năm 2013 ba ngân hàng BIDV, Sacombank, TPBank đã cho các công ty (có liên quan đến ông Phạm Công Danh như tại tòa làm rõ sau này) vay tiền với sự bảo lãnh của VNCB. VNCB đã gửi vào tài khoản mở tại ba ngân hàng với tổng số tiền lớn hơn số vay. Các ngân hàng đã tất toán các khoản vay, thu hồi gốc và lãi từ số tiền bảo lãnh trên tài khoản tiền gửi của VNCB.

Hiệp hội Ngân hàng trích dẫn Kết luận giám định số 1637/KLGD-NHNN ngày 16-3-2017 của Tổ giám định độc lập Ngân hàng Nhà nước khẳng định ba ngân hàng đã thực hiện việc thu hồi nợ vay của khách hàng đúng quy định và thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng đã ký và không có thiệt hại xảy ra tại ba ngân hàng.

“Việc thực hiện kiến nghị của Viện Kiểm sát có thể dẫn đến hàng loạt giao dịch vay vốn, gửi tiền có nguy cơ xảy ra tranh chấp, làm xáo trộn các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại hợp pháp, hợp lệ đang vận hành, không vướng mắc gì cả. Theo đó, số tiền đã thu nợ hợp pháp, hợp lệ, đã tất toán từ nhiều năm trước, có thể bị bên vay lật lại, đòi lại bất cứ khi nào vì cho rằng nguồn tiền đã trả nợ không hợp pháp hoặc bị thu hồi theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” - văn bản của Hiệp hội Ngân hàng nêu.

Ở đây, dưới góc độ người quan sát, có một số vấn đề nên làm rõ để tránh những hệ lụy không đáng có trong nghiệp vụ hoạt động của ngân hàng. Thứ nhất hiện không có văn bản pháp lý nào quy định các tổ chức tín dụng phải xác định nguồn gốc tiền gửi trên tài khoản của khách hàng cả cá nhân lẫn tổ chức. Khi khách hàng trực tiếp nộp tiền vào tài khoản ở ngân hàng, hay có giao dịch chuyển tiền từ ngân hàng này đến ngân hàng khác, kể cả tiền gửi từ nước ngoài về, ngân hàng không có trách nhiệm và không có quyền xác minh nguồn gốc tiền. Việc xác minh nguồn gốc tiền sẽ khiến không ai mang tiền gửi vào ngân hàng nữa.

Thứ hai khi Nhà nước mua lại VNCB và đổi tên thành CB, Nhà nước có nghĩa vụ và trách nhiệm với tất cả các nghĩa vụ của VNCB. Nếu thực hiện đề nghị của Viện Kiểm sát, thì sẽ xử lý thế nào số tiền bảo lãnh mà VNCB gửi vào ba ngân hàng? Nếu không có bảo lãnh của VNCB, tức không có tài sản đảm bảo, chắc chắn ba ngân hàng không thể nào cho vay. CB kế thừa nghĩa vụ của VNCB, mà cụ thể ở đây là nghĩa vụ bảo lãnh cho khoản vay tại ba ngân hàng. Buộc ba ngân hàng trả lại 6.100 tỉ đồng cho VNCB thì VNCB không bị thiệt hại, nhưng ba ngân hàng bị mất tiền, tức bị thiệt hại. Điều này trái với kết luận của Tổ giám định độc lập của Ngân hàng Nhà nước. Như vậy kết luận của cơ quan chủ quản nhà nước là không chính xác?  

Thứ ba BIDV, Sacombank là doanh nghiệp niêm yết trên sàn Hose. TPBank cũng đã nộp hồ sơ niêm yết lên Hose. Theo quy định của Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, ba ngân hàng phải công bố báo cáo tài chính quí, năm có kiểm toán một cách công khai, minh bạch. Việc công bố doanh thu, lợi nhuận ròng, chia cổ tức... thực hiện theo đúng quy định. Từ năm 2013 (thời điểm ba ngân hàng cho vay và tất toán nợ), đến nay đã bốn năm, nay trong trường hợp BIDV, Sacombank, TPBank trả 6.100 tỉ đồng cho VNCB, khoản tiền mà mỗi ngân hàng trả sẽ hạch toán như thế nào trên các báo cáo tài chính các năm đã kiểm toán? Với hàng ngàn tỉ đồng phải trả cho CB, kết quả kinh doanh của ba ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, họ sẽ “ăn nói” ra sao với hàng chục ngàn cổ đông, nhà đầu tư nội và ngoại? Điều này có khả năng gây nên một cú sốc với nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu ba ngân hàng, không loại trừ cú sốc với thị trường chứng khoán.

Quan trọng hơn, chúng ta đang xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh công khai, minh bạch, công bằng cho các doanh nghiệp quốc doanh, dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và chúng ta đang bắt đầu thành công trong việc thu hút dòng vốn ngoại tham gia vào các đợt bán cổ phần ra công chúng (IPO) của nhiều đơn vị cổ phần hóa. Chúng ta, cả doanh nghiệp và Nhà nước, không thể nào để những thành công bước đầu ấy, những cơ hội chắt chiu từ 10 năm chứng khoán suy thoái ấy bị ảnh hưởng./.

Nguồn: TBKTSG