Ít người biết rằng, tuy được xem là cổ đông sáng lập của PVP Land nhưng mãi gần ba năm sau ngày thành lâp PVP Land, PVC mới tham gia nắm giữ cổ phần.
Toàn bộ 14 triệu cổ phần PVP Land mà PVC sở hữu, trước đó, đứng tên Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power). Và đây cũng là lý do chính cho cái tên “CTCP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam” của PVP Land.
Trong một động thái được giải thích là phục vụ cho chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ngày 27/10/2009 Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có Nghị quyết số 3373/NQ-DKVN thông qua về việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của PV Power tại PVP Land cho PVC.
Việc chuyển nhượng đã diễn ra vào ngày 06/01/2010. Đến ngày 28/01/2010, Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần thứ ba cho PVP Land, chính thức ghi nhận PVC là cổ đông sáng lập, sở hữu 28% vốn điều lệ (14 triệu cổ phần) PVP Land.
Và sau khi tiếp quản vốn góp từ PV Power, nhóm PVC đã ngay lập tức để ý tới Nam Đàn Plaza.
Tháng 1 đồng ý, tháng 2 đổi ý, tháng 3 chấp thuận
Cáo trạng vụ án đã chỉ ra rằng, ngày 13/01/2010 – tức khoảng 1 tuần sau ngày PVC tiếp quản vốn góp của PV Power tại PVP Land, Nguyễn Ngọc Sinh – Tổng Giám đốc PVP Land có Tờ trình số 24/PVPL-TT đề nghị PVC cho phép chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương, do Dự án Nam Đàn Plaza có tổng mức đầu tư dự kiến 220 triệu USD là rất lớn và PVP Land khó bố trí nguồn vốn để đầu tư.
Ngày 27/01/2010, Trịnh Xuân Thanh đã ký văn bản số 118/HĐQT-XLDK gửi người đại diện phần vốn của PVC tại PVP Land nội dung đồng ý phương án thoái vốn và yêu cầu PVP Land nội dung đồng ý phương án thoái vốn và yêu cầu PVP Land lập phương án chuyển nhượng xong trước ngày 05/02/2010 và báo cáo PVC xem xét quyết định.
Tuy nhiên, đến ngày 02/02/2010, Trịnh Xuân Thanh đã chủ trì cuộc họp với thành phần gồm Vũ Đức Thuận – Tổng Giám đốc PVC, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh và ông Trần Tiến Dũng – Tổng Giám đốc Công ty Xuyên Thái Bình Dương. Tại cuộc họp, sau khi nghe báo cáo và ý kiến của PVP Land, Trịnh Xuân Thanh đã kết luận PVC sẽ hợp tác với PVP Land để đầu tư Dự án Nam Đàn Plaza. Ý kiến kết luận của Trịnh Xuân Thanh được thể hiện tại Thông báo số 139/TB-XLDK ngày 03/02/2010 do ông Nguyễn Thanh Sơn – Trưởng Ban Tài chính kế toán PVC ký. Ngày 03/02/2010, Đào Duy Phong đã ký văn bản số 76/PVPL-ĐTXD gửi PVC về Dự án Nam Đàn Plaza; trong văn bản có các thông tin về dự án: diện tích khu đất 9.584 m2, giấy phép xây dựng 44 tầng, tổng mức đầu tư là 220 triệu USD, trong đó giá trị đầu tư xây dựng 185 triệu USD, giá trị sử dụng đất là 25 triệu USD.
Tháng 1 đồng ý chuyển nhượng; Tháng 2 đổi ý, muốn giữ lại để hợp tác cùng PVC; Rồi đến tháng 3, Trịnh Xuân Thanh lại chấp nhận phương án chuyển nhượng. Cụ thể, đến tháng 3/2010, khi được đặt vấn đề cho phép PVP Land bán dự án Nam Đàn Plaza bằng hình thức chuyển nhượng toàn bộ 12,12 triệu cổ phần đang sở hữu tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương, Trịnh xuân Thanh đã ban hành Nghị quyết số 411 và số 427/NQ-XLDK cùng nội dung chấp thuận phương án theo Tờ trình số 07 PVPL/TTr-NĐD ngày 01/4/2010 của Đào Duy Phong với giá 34 triệu đồng/m2 – dù nhận thức rõ là lô đất dự án được định giá ở mức 52 triệu đồng/m2.
Theo khai nhận của bị can Đào Duy Phong, khoảng ngày 28/3/2010, Trịnh Xuân Thanh – Chủ tịch HĐQT PVC là cấp trên của Phong có gọi điện hỏi Phong về khách hàng đến làm việc mua cổ phần của PVP Land tại CPCP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương và nói sẽ có khách đến mua cổ phần. Sau đó, Đinh Mạnh Thắng (còn gọi là Thắng “cận”) – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại Dầu Khí Sông Đà (PVSD) là em trai ông Đinh La Thăng gọi điện đến cho Đào Duy Phong báo cáo có khách đến và sau đó thấy Thái Kiều Hương – Phó Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Vietsan dẫn Huỳnh Nguyễn Quốc Duy đến gặp Phong tại trụ sở PVP Land, giới thiệu Duy là người muốn mua dự án Nam Đàn Plaza. Tại buổi gặp này, Hương nói đã thống nhất với Trịnh Xuân Thanh và Thanh chỉ đạo giá bán là 40 triệu đồng/m2, phần chênh lệch khoảng 26 – 27 tỷ đồng, Phong sẽ được nhận 10 tỷ đồng, phần còn lại Hương sẽ có trách nhiệm đưa cho Trịnh Xuân Thanh và Thắng “cận”. Đào Duy Phong nhận thức đây là chỉ đạo của trên, nên đã truyền đạt lại cho Nguyễn Ngọc Sinh – Tổng Giám đốc để làm việc với Thái Kiều Hương, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy về việc mua bán cổ phần và làm Tờ trình để HĐQT PVP Land phê duyệt.
Nhấn mạnh lại về vai trò then chốt của PVC trong thương vụ nêu trên, rằng PVP Land là cổ đông sở hữu tới 50,5% cổ phần của Công ty Xuyên Thái Bình Dương. Mà PVP Land phải được PVC đồng ý cho chuyển nhượng thì việc chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông theo Hợp đồng đặt cọc mới thực hiện được.
Từ cái gật đầu của Trịnh Xuân Thanh, ngày 06/04/2010, CTCP Xây dựng Minh Ngân (bên nhận chuyển nhượng) đã thanh toán 100 tỷ đồng, tương đương với 52% giá trị hợp đồng cho PVP Land; và còn nợ 91,972 tỷ đồng. Tổng giá trị hợp đồng là 191.972 tỷ đồng, tương ứng 13.578 đồng/cổ phần (tương đương 34 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza).
Căn cứ tài liệu điều tra, cơ quan công tố xác định, trong số tiền chênh lệch hơn 87 tỷ đồng khi ký Hợp đồng số 66/2010/PVPL-MN chuyển nhượng 12,12 triệu cổ phần PVP Land từ giá 52 triệu đồng/m2 xuống 34 triệu đồng/m2, Lê Hòa Bình đã phải chi cho Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng, Đào Duy Phong, Đặng Sỹ Hùng tổng số tiền 49 tỷ đồng. Ngoài ra, Lê Hòa Bình khai đã chi cho Huỳnh Nguyễn Quốc Duy 13 tỷ đồng tiền môi giới; nhưng Huỳnh Nguyễn Quốc Duy chỉ khai nhận 11 tỷ đồng, Duy đã sử dụng vào các công việc và chi tiêu cá nhân hết.
Trong đó, số tiền Trịnh Xuân Thanh chiếm đoạt là 14 tỷ đồng. 14 tỷ đồng này nằm trong số 19 tỷ đồng được Thái Kiều Hương chuyển cho Đinh Mạnh Thắng và Trịnh Xuân Thanh. Sau khi Cơ quan điều tra khởi tố vụ án Lê Hòa Bình cùng đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản (ngày 21/4/2010) và triệu tập Thái Kiều Hương đến làm việc, Hương đã yêu cầu Thắng trả lại 19 tỷ đồng. Sau nhiều lần yêu cầu, Đinh Mạnh Thắng đã hoàn trả cho Hương số tiền 05 tỷ đồng đã nhận và Thắng điện thông báo với Trịnh Xuân Thanh vụ việc bị phát hiện, Hương yêu cầu trả lại tiền.
Trịnh Xuân Thanh đồng ý và bảo Thắng trực tiếp đến văn phòng làm việc của Trịnh Xuân Thanh tại PVC nhận lại số tiền 14 tỷ đồng và chuyển trả cho Thái Kiều Hương. Ngày 29/06/2010, Lê Hòa Bình, đại diện công ty Minh Ngân đã ký văn bản thỏa thuận với Công ty Vietsan về việc đưa số tiền 19 tỷ đồng mà Thái Kiều Hương nhận lại và thanh toán hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với Công ty Vietsan. Tài liệu xác minh tại Ngân hàng Wooribank cho thấy: ngày 6/5/2010, Lê Thị Hương – Kế toán Công ty Vietsan đã nộp 14 tỷ đồng tiền mặt vào tài khoản của Công ty Vietsan tại Ngân hàng Wooribank Chi nhánh Hà Nội, còn lại 5 tỷ đồng sử dụng trả nợ Ngân hàng Nông nghiệp, Chi nhánh Hồng Hà.
Tại Cơ quan điều tra, bị can Trịnh Xuân Thanh mặc dù thừa nhận đã nhận va li tiền do Đinh Mạnh Thắng đưa, nhưng không thừa nhận đó là tiền chênh lệch giá để chi cho Thanh từ việc Thanh đồng ý cho phép PVP Land ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với giá 34 triệu đồng/m2. Nhưng căn cứ tài liệu điều tra xác định Trịnh Xuân Thanh đã có hành vi quyết định, chỉ đạo việc PVP Land chuyển nhượng cổ phần thấp hơn giá trị 52 triệu đồng/m2; số tiền 14 tỷ đồng đã được chuyển cho Trịnh Xuân Thanh lấy từ số tiền chênh lệch giá của Hợp đồng số 66/2010/PVPL-MN.
Ở đây, có một chi tiết cần phải nhấn mạnh, là hành vi tham ô của Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm đã ngay lập tức được thực hiện, sau khi PVC do Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT được PVN (khi này do ông Đinh La Thăng làm Chủ tịch HĐTV) chỉ đạo thay thế PV Power quản lý phần góp tại PVP Land. Thứ nữa, cũng bên biết rằng, Trịnh Xuân Thanh mới chỉ nhậm chức Chủ tịch HĐQT PVC từ ngày 24/02/2009, nên có thể xem như Nam Đàn Plaza là một trong những thương vụ “bẩn” đầu tiên của người đàn ông này trên cương vị lãnh đạo cao nhất của PVC.
Theo lời khai của các bị can, “sau khi Cơ quan điều tra khởi tố vụ án Lê Hòa Bình cùng đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản (ngày 21/4/2010) và triệu tập Thái Kiều Hương đến làm việc, Hương đã yêu cầu Thắng trả lại 19 tỷ đồng. Sau nhiều lần yêu cầu, Đinh Mạnh Thắng đã hoàn trả cho Hương số tiền 05 tỷ đồng đã nhận và Thắng điện thông báo với Trịnh Xuân Thanh vụ việc bị phát hiện” – ở một giác độ nhất định, có thể hiểu như hành vi tham ô của Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm đã bước đầu được phát giác, sau ngày Lê Hòa Bình bị khởi tố.
Song như đã biết, suốt nhiều năm sau đó, Trịnh Xuân Thanh vẫn từng bước leo cao trong nấc thang quyền lực. Hành vi phạm pháp của Trịnh Xuân Thanh và phe nhóm lợi ích chỉ thực sự phát lộ và được xử lý quyết liệt sau sự vào cuộc, chỉ đạo đầy trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào giữa năm 2016.
Biến cố bất ngờ và “nước cờ” tình thế?
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2010 của PVP Land ghi nhận, tại thời điểm đầu năm (01/01/2010), công ty đang sở hữu 12,12 triệu cổ phần CTCP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương, với giá trị đầu tư là gần 168,2 tỷ đồng. Tuy nhiên đến thời điểm cuối năm (31/12/2010), PVP Land không còn ghi nhận khoản đầu tư vào công ty con này nữa.
PVP Land đã thuyết minh về sự thay đổi này: “Chuyển nhượng theo hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 66/2010/PVPL-MN ngày 02/04/2010 giữa PVP Land và CTCP Xây dựng Minh Ngân về việc chuyển nhượng 12,12 triệu cổ phần của Công ty Xuyên Thái Bình Dương mà PVP Land là cổ đông sáng lập đang nắm giữ với giá trị chuyển nhượng là 191,972 tỷ đồng. Đến thời điểm phát hành Báo cáo kiểm toán này, số tiền CTCP Xây dựng Minh Ngân đã thanh toán cho PVP Land là 100 tỷ đồng, số tiền còn nợ chưa thanh toán là 91,972 tỷ đồng”.
Tuy nhiên, sự việc ngày 21/4/2010, Cơ quan điều tra khởi tố vụ án Lê Hòa Bình cùng đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản có lẽ là một biến cố mà Trịnh Xuân Thanh và PVP Land không ngờ tới.
Việc khởi tố điều tra Lê Hòa Bình sẽ hàm ẩn nguy cơ cho nhóm lợi ích của Trịnh Xuân Thanh trong việc phát giác những bất thường xung quanh thương vụ chuyển nhượng dự án Nam Đàn Plaza. Dĩ nhiên, họ không ngồi yên.
Phần thuyết minh sau đây của PVP Land sẽ phần nào cho thấy giải pháp xử lý mà nhóm Thanh đã lựa chọn: “Do khoản công nợ còn lại 91,972 tỷ đồng quá hạn chưa thu hồi được, Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Minh Ngân đang bị cơ quan điều tra tạm giam, nên ngày 25/10/2010, Hội đồng quản trị PVP Land đã có Nghị quyết số 32 PVPL/NQ-HĐQT về việc phê duyệt phương án hủy hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 66/2010/PVPL-MN. Trong Nghị quyết này có nội dung:
+ Thu hồi lại toàn bộ số cổ phần tại CPCP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương mà PVPL đã chuyển nhượng cho CTCP Xây dựng Minh Ngân;
+ Hoàn trả lại số tiền 100 tỷ đồng mà CTCP Xây dựng Minh Ngân đã chuyển cho PVPL ngày 06/04/2010;
+ Thanh toán cho CTCP Xây dựng Minh Ngân số tiền lãi phát sinh của 100 tỷ đồng theo lãi suất không vượt quá 1,5%/tháng tính từ 06/4/2010 đến thời điểm PVPL trả lại tiền cho MN”.
Sau khi Lê Hòa Bình bị khởi tố điều tra, PVP Land đã chủ động tính đến phương án hủy hợp đồng chuyển nhượng cổ phần Công ty Xuyên Thái Bình Dương số 66/2010/PVPL-MN; PVP Land không chỉ trả lại Công ty Minh Ngân 100 tỷ đồng trả trước mà còn sẵn sang thanh toán cả lãi phát sinh của số tiền này với lãi suất 1,5%/tháng – tức là tới 18%/năm (một mức không thấp, kể cả so với thời giá 2010 - 2011).
Nếu vụ án tham ô của Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm tại PVP Land không được phát giác mới đây, có lẽ phần đông công chúng sẽ vẫn chỉ nghĩ đơn giản về động cơ hủy hợp đồng số 66/2010/PVPL-MN của PVP Land, hợp lý như đúng những gì công ty này đã nêu ra – là “do khoản công nợ còn lại 91,972 tỷ đồng quá hạn chưa thu hồi được, Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Minh Ngân đang bị cơ quan điều tra tạm giam”.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 31/5/2011, tại Trại tạm giam B14 Bộ Công an, được sự chứng kiến của Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, PVP Land và ông Lê Hòa Bình – Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Minh Ngân đã ký văn bản “hủy một phần hợp đồng chuyển nhượng cổ phần 66/2010/PVPL-MN”. Theo văn bản này, hai bên đã thống nhất và xác định phần nghĩa vụ cơ bản của Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần 66/2010/PVPL-MN bị vi phạm dẫn đến hủy bỏ một phần là: phần nghĩa vụ thanh toán 91.972 tỷ đồng, tương đương 48% giá trị hợp đồng. Từ đó, quy đổi số tiền chưa thanh toán thành cổ phần là: 12.120.000 cổ phần x 48% = 5.817.600 cổ phần.
Hai bên thống nhất hủy bỏ một phần Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần 66/2010/PVPL-MN nêu trên. Theo đó, CTCP Xây dựng Minh Ngân hoàn trả lại cho PVP Land và PVP Land đồng ý nhận lại số cổ phần tương ứng với phần giá trị hợp đồng mà Minh Ngân chưa thanh toán là: 5.817.600 cổ phần, tương đương với giá trị 91,972 tỷ đồng.
CTCP Xây dựng Minh Ngân chấm dứt nghĩa vụ thanh toán 91,972 tỷ đồng đối với PVP Land và PVP Land chấm dứt quyền yêu cầu thanh toán 91,972 tỷ đồng theo Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần 66/2010/PVPL-MN.
Hai bên đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra giúp đỡ và đề nghị Cơ quan đăng ký kinh doanh điều chỉnh nội dung Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của CTCP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương.
Ngày 17/6/2011, CTCP Dich vụ Xuyên Thái Bình Dương đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để bầu Chủ tịch HĐQT, Giám đốc và thay đổi đăng ký kinh doanh cho phù hợp với tình hình thực tế.
Theo tìm hiểu của VietTimes, cập nhật đến giữa năm 2017, PVP Land vẫn sở hữu 5.817.600 cổ phần của CTCP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương (khi này đã đổi tên thành CTCP Địa ốc Dầu khí Viễn thông), tương ứng tỷ lệ sở hữu 47%.
Còn đối với PVP Land, như đã đề cập ở đầu bài viết, thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn PVN, tháng 1/2010, PVC đã thay thế PV Power tiếp quản sở hữu 14 triệu cổ phần PVP Land, trở thành cổ đông lớn nhất của công ty, với tỷ lệ sở hữu 28%.
Song chỉ ít tháng sau, cụ thể là ngày 12/10/2010, Hội đồng quản trị PVC lại bất ngờ ban hành Nghị quyết số 1069/NQ-XLDK về việc chuyển nhượng 7 triệu cổ phần PVP Land, đưa tỷ lệ sở hữu về chỉ còn 14%. Thương vụ đã giúp PVC ghi nhận khoản lãi chuyển nhượng tới gần 26 tỷ đồng./.
Đón đọc…